Báo động nạn giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo
Gia tăng báo động
Ngày 10/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đơn vị này liên tục nhận được thông tin về tình trạng giả mạo văn bản, con dấu và chữ ký lãnh đạo, website của Bộ để lừa đảo chuyển tiền… Theo đó, thủ đoạn thường gặp nhất là giả mạo giấy xác nhận ủy quyền; giả mạo Bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền thông qua website giả mạo của Bộ Tài chính. “Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Tài chính”, thông cáo của Bộ Tài chính nêu.
Website của Bộ Tài chính bị các đối tượng xấu giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. |
Trước vấn nạn này, Bộ Tài chính đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên không gian mạng. Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần tố giác với cơ quan chức năng để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Cũng bị giả mạo như Bộ Tài chính, đầu tháng 6 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc một số đối tượng trên mạng xã hội đăng tải văn bản giả mạo quyết định của Bộ Công Thương, nội dung “Phê duyệt dự án thanh toán xử lý đơn hàng online của Công ty TNHH Recess (Lazada).
Trước thông tin này, Bộ Công Thương ngay lập tức đã lên tiếng khẳng định văn bản là giả mạo. Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ không có văn bản nào về việc phê duyệt dự án thanh toán xử lý đơn hàng online đối với Lazada hay với các Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tửnào khác.
Cũng liên quan đến thông tin giả mạo trên, cùng với việc khuyến cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để người dân, doanh nghiệp biết và thận trọng, tránh bị lừa đảo, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền, tài sản; Công ty TNHH Recess Lazada nhiều lần đã đăng tải thông tin cảnh báo nội dung tương tự trên website thương mại điện tử Lazada, để cảnh báo người tiêu dùng tránh bị sập bẫy lừa đảo…
Không chỉ có Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lên tiếng về việc các đối tượng làm giả thông tin, văn bản, website của các Bộ nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng; trước đó, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Bảo hiểm xã hội… cũng đã lên tiếng và cảnh báo về việc bị giả mạo website. Từ các vụ việc giả mạo trên cho thấy, hiện nay tin giả đã không chừa một tổ chức, cá nhân nào với mục đích củng cố niềm tin, dụ dỗ người dân, doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời, làm giảm uy tín của các Bộ, ngành.
Làm sao để ngăn chặn hiệu quả?
Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ Thông tin và truyền thông, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp có xu hướng “rộ” lên từ đầu năm 2024 cho đến nay. Theo lý giải của Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, nguyên nhân của việc các đối tượng lừa đảo lại ngang nhiên mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, xuất phát từ 2 lý do.
Thứ nhất là các quy định pháp luật về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đang trong quá trình hoàn thiện, tiêu biểu là Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được sửa đổi, sẽ sớm được trình Chính phủ xem xét ký ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 72 được ban hành, sẽ định danh được các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới, trên cơ sở đó cơ quan quản lý mới có đủ căn cứ pháp lý yêu cầu các tổ chức xuyên biên giới cung cấp thông tin liên quan đến các tài khoản mạng xã hội mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh tổ chức để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn so với trước. Các đối tượng lừa đảo hoạt động manh động hơn, xuyên biên giới, có sự cấu kết của các đối tượng trong nước và quốc tế, lấy các địa bàn ở các quốc gia, khu vực lân cận ngoài Việt Nam làm địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội lừa đảo phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, thời gian xác minh và xử lý kéo dài hơn so với các vụ việc mà đối tượng lừa đảo hoạt động trong nước.
Theo Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, hiện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã và đang nỗ lực phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông để rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng nhằm lừa đảo công dân Việt Nam. Trong đó, các nhóm giải pháp được đưa ra đó là: Yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng; yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia; bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng và chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đăng ký tài khoản.
Cũng đưa ra khuyến cáo với người dân nhằm cảnh giác với các tin nhắn giả, các chiêu trò lừa đảo trên nền tảng mạng xã hội, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu – Cục Truyền thông, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần cập nhật thông tin an ninh trật tự hàng ngày; hỏi người thân; phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thẻ căn cước công dân; tài khoản ngân hàng; tài khoản mạng xã hội… Đồng thời, phải liên hệ với Công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”…
Nguồn: Báo lao động thủ đô