Báo động gia tăng trầm cảm lứa tuổi học đường

Trầm cảm vì áp lực từ câu chuyện học

Áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, nam sinh P.V.H (18 tuổi, quê Thái Bình) trở nên buồn chán, trầm cảm và có ý định tự sát. Rất may, em đã được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Đó là một ca rối loạn trầm cảm ở tuổi vị thành niên được Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại Hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề: “Trầm cảm học đường” do đơn vị tổ chức.

Báo động gia tăng trầm cảm lứa tuổi học đường
Bác sĩ Lê Công Thiện – Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ tại Hội thảo.

Là người điều trị trực tiếp cho nam sinh, bác sĩ Dung cho biết: Khai thác tiền sử của bệnh nhân được biết, từ nhỏ em đã ít nói, trầm tính, học giỏi và rất chăm học, không đi chơi, không tập thể dục. Bố mẹ bệnh nhân luôn kỳ vọng nam sinh phải học thật giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Nam sinh có niềm đam mê tiếng Anh và đã được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tiếng Anh. Vì quá kỳ vọng vào con nên bố mẹ luôn hối thúc việc học tiếng Anh và chỉ cần học tiếng Anh. Điều này khiến H cảm thấy bị áp lực và dần chán nản, xin ra khỏi đội tuyển. Từ đó, bố mẹ buồn và hay mắng H.

Khoảng 2 tháng trước khi đến khám, bệnh nhân cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, trên lớp hay ngủ gục trên bàn, không tập trung nghe giảng, không đi chơi, không tham gia các hoạt động với lớp. Khi về nhà, em thường xuyên ở trên phòng, không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. Đêm đến, H ngủ kém, chơi điện tử trên điện thoại, máy tính tới 2-3 giờ sáng và không học bài. Khi bị bố mẹ nhắc nhở lại cáu gắt, vùng vằng, hoặc không chịu nói chuyện với bố mẹ…

Bệnh nhân được cô đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát. H được chỉ định nhập viện, nhưng gia đình chưa thu xếp người chăm sóc nên được kê đơn thuốc ngoại trú với sự theo dõi sát của gia đình. Sau khi hết thuốc, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Sau đó, H đã tái khám và nhập viện để được điều trị.

“Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân căng thẳng từ khi vào lớp 10 nhưng không chia sẻ với gia đình, đến khi vào lớp 12 việc học hành, thi cử căng thẳng khiến bệnh tăng nặng hơn. Trường hợp này phát hiện muộn, thời gian trầm cảm kéo dài, tuy nhiên may mắn kết quả điều trị tốt. Hiện bệnh nhân đã được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng”, bác sĩ Dung thông tin.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ

Chia sẻ với phóng viên tại Hội thảo, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện – Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết: Trầm cảm ở lứa tuổi học đường ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3%-7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1%-2% ở tuổi 13 và từ 3%-7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao (10%-13% ở trẻ trai và 12%-18% ở trẻ gái).

Bác sĩ Thiện phân tích, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập… Trầm cảm ở tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Tỉ lệ trẻ mắc trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. “Có thể nói rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em”, Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần nhấn mạnh.

Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone. Còn nguyên nhân về tâm lý xã hội, theo bác sĩ, có thể trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh. Những sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em.

Báo động gia tăng trầm cảm lứa tuổi học đường
Trẻ bị trầm cảm, về mặt cảm xúc, trẻ sẽ dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. (Ảnh: minh họa).

“Tuy nhiên, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống như: Bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm… cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm”, bác sĩ Thiện phân tích.

Đặc biệt, tương tác gia đình có vai trò quan trọng đối với sự khởi phát triệu chứng trầm cảm. Phong cách giáo dục của cha mẹ đã được xác định là yếu tố chính trong sự điều chỉnh về mặt tâm lý ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Hành vi của cha mẹ được nghiên cứu trên 2 góc độ: Sự ấm áp và kiểm soát. Sự ấm áp có liên quan đến những khía cạnh như sự gắn bó, bày tỏ tình cảm, sự tôn trọng và quan tâm tích cực của cha, mẹ hoặc người chăm sóc chính. Trầm cảm ở trẻ em có liên quan đến nhận thức của chúng về việc được chấp nhận hoặc bị từ chối bởi người chăm sóc.

Theo bác sĩ Thiện, các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt. Đó là trẻ có cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. Phần lớn trẻ thể hiện qua phàn nàn triệu chứng cơ thể, ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, sự hứng thú và giảm tập trung thì ngược lại. Tỷ lệ có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn.

“Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý”, bác sĩ Thiện thông tin thêm.

Để dự phòng trầm cảm cho trẻ, theo các bác sĩ, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng. Đặc biệt các thành viên trong gia đình cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm. Cần có sự tham gia của nhà trường và gia đình để phát hiện các triệu chứng của trầm cảm, bởi điều trị càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao./.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện: Khả năng di truyền ở trẻ nữ bị trầm cảm cao hơn ở trẻ nam. Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 65%-75%, trong khi trẻ sinh đôi khác trứng là 14%-19%. Điều đáng chú ý là những cặp bố mẹ bị trầm cảm thì có tỷ lệ con cái mắc trầm cảm tăng gấp 3 đến 4 lần so với những bố mẹ khỏe mạnh. Mức độ phơi nhiễm với trầm cảm trong các giai đoạn trước/sau khi sinh được coi là đặc biệt quan trọng.
Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích