Bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo Luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS
Bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo Luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS
Bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề, cần bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chỉ đạo sát sao, giải trình thấu đáo các dự án Luật…
Sáng 23/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Toàn văn phát biểu khai mạc của Chủ tịch Vương Đình Huệ tập trung vào 3 nội dung cốt lõi về: Kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Công tác lập pháp; Hoạt động giám sát tối cao.
Riêng đối với nội dung về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi).
Cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Xem xét, cho ý kiến đối 8 dự án luật khác: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị các nội dung về công tác lập pháp, nhất là các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đối với các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đều yêu cầu Chính phủ có ý kiến bằng văn bản và đánh giá kỹ tác động trước khi đưa vào dự thảo luật…
Bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi các dự án Luật về nhà ở, kinh doanh BĐS
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đề nghị tập trung bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của các chính sách về huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhà ở; tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập trong thực tiễn về quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ; cải tạo, xây dựng nhà chung cư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư, kinh doanh; khắc phục tình trạng đầu cơ; quản lý chặt chẽ thị trường BĐS…
Đặc biệt, cần bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các luật, dự thảo luật khác có liên quan; hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng các dự án luật và dự thảo nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp này, giữa 02 đợt của kỳ họp, UBTVQH sẽ họp cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian cuối kỳ họp.
Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đề nghị các ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến về hồ sơ các dự án luật đã đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Ban hành VBQPPL hay chưa, nhất là các báo cáo đánh giá tác động, dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tính hợp lý, khả thi và các quy định cụ thể về từng nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung trong mỗi dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc ngay từ đầu để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội xác định, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, UBTVQH và từng vị ĐHQH… đề nghị các ĐBQH tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu Nhân dân, đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của Kỳ họp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị