Bảo đảm thống nhất, hiệu lực quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn
Bảo đảm thống nhất, hiệu lực quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn
Bộ Xây dựng đang Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm mục tiêu đảm bảo tính thống nhất, hiệu lực quản lý cao, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp của hệ thống pháp luật…
Bộ Xây dựng đang Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm mục tiêu đảm bảo tính thống nhất, hiệu lực quản lý cao, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp của hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đơn giản, minh bạch hơn.
Từ đó, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch (công cụ quản lý), đảm bảo hiệu quả, khả thi. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chuyên môn trong tư vấn, phản biện về quy hoạch đô thị và nông thôn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch.
Qua công tác rà soát, nghiên cứu, Bộ Xây dựng xác định các vấn đề bất cập trong quy hoạch đô thị nông thôn liên liên quan đến công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến, thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh.
Trong đó, thực tiễn có những đối tượng cần lập quy hoạch xây dựng để quản lý như các khu vực chức năng có tính chất đặc thù chuyên ngành định hướng hình thành trên địa bàn xã (khu vực sản xuất năng lượng tái tạo, các khu vực nuôi trồng thủy sản có xây dựng công trình, khu công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp…), khu vực công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các dự án đầu tư xây dựng được hình thành trên cơ sở các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh nhưng không thuộc phạm vi đô thị, khu chức năng và điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên, quy định hiện nay còn chưa rõ ràng, cụ thể đối với những đối tượng này.
Pháp luật hiện hành đã quy định việc lập quy hoạch chung cho các đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng.
Tuy nhiên, chưa quy định rõ về phạm vi, quy mô lập quy hoạch chung đô thị mới, đô thị mở rộng; quy hoạch chung xây dựng xã đối với trường hợp các xã thuộc thành phố, thị xã đã có một phần diện tích được định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị trong tương lai, cũng như cơ cở xác định phạm vi, quy mô quy hoạch phân khu.
Bên cạnh đó, cũng chưa quy định phân cấp lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết tại các khu vực dự kiến hình thành thị trấn (cho UBND cấp huyện); lập quy hoạch phân khu khu chức năng (như khu công nghiệp), khu vực trong khu chức năng đã giao cho nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng (hiện do UBND cấp tỉnh tổ chức lập) là chưa thực sự phù hợp và khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu phương án tổ chức kinh doanh của nhà đầu tư.
Ngoài ra, kinh phí lập quy hoạch chưa đảm bảo, không phù hợp ảnh hưởng lớn tới chất lượng công tác lập quy hoạch; Lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch quy định chưa rõ và thống nhất; Quy định về nội dung các cấp độ đồ án quy hoạch còn chưa đầy đủ các yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt sự tuân thủ, thống nhất, đồng bộ của quy hoạch cấp độ dưới với quy hoạch cấp độ trên…
Việc lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn chưa rõ đối tượng lấy ý kiến, trách nhiệm lấy ý kiến, trình tự lấy ý kiến.
Thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị quy định gồm 03 cấp độ nhưng trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, thẩm quyền phê duyệt có sự đan xen từ cấp trên xuống cấp dưới dẫn đến có khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Quy định về nguyên tắc, điều kiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có những nội dung chưa cụ thể để đảm bảo thống nhất, thiếu một số yêu cầu cần nghiên cứu bổ sung, đảm bảo quy định chặt chẽ, thiếu quy định điều kiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch nông thôn.
Kinh nghiệm quốc tế
Theo nghiên cứu của Bộ Xây dựng, đối tượng lập quy hoạch trong các luật của nước ngoài khá rộng, từ quy hoạch quốc gia, vùng lãnh thổ, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố khác, quận, huyện, thị xã, thị trấn, khu định cư (luật của Liên bang Nga); Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia, hệ thống đô thị tỉnh, thành phố tỉnh lỵ và các thành phố khác, thị xã, thị trấn huyện lỵ và các thị trấn khác, làng xã, các khu vực phát triển, khu vực tái thiết (luật của Trung Quốc);
Các khu chức năng, các khu vực bảo tồn, di sản, cảnh quan (luật của Nga, Trung Quốc và một số nước); Khu vực đô thị hóa, khu vực đô thị hóa có kiểm soát, khu vực ven đường (luật của Nhật Bản).
Luật của Nga còn quy định đối với các khu chức năng ngoài đô thị có tính chất phát triển như đô thị (các khu vực nhà ở công nhân, khu dân cư du lịch) thì lập quy hoạch như đối với đô thị có quy mô dân số tương đương.
Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy, đất nước này ban hành Luật quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2007 với phạm vi điều chỉnh bao gồm các hoạt động liên quan tới lập quy hoạch đô thị, nông thôn và thực hiện các hoạt động xây dựng trong vùng quy hoạch.
Đối tượng là quy hoạch hệ thống thị trấn, quy hoạch thành phố, quy hoạch thị trấn và quy hoạch làng. Quy hoạch đô thị và quy hoạch thị trấn được chia thành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chi tiết được chia thành quy hoạch chi tiết điều chỉnh và quy hoạch chi tiết xây dựng. Khu vực quy hoạch là các khu vực đô thị, thị trấn, làng xã đã hình thành và các khu vực phải kiểm soát quy hoạch do nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn.
Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia do Sở quy hoạch đô thị và nông thôn có thẩm quyền thuộc Hội đồng Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước phê duyệt. Chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị tổ chức lập quy hoạch hệ thống đô thị cấp tỉnh trình Hội đồng Nhà nước thẩm tra và thông qua. Chính quyền nhân dân đô thị tổ chức lập quy hoạch tổng thể đô thị.
Quy hoạch tổng thể đô thị của đô thị trực thuộc Trung ương do chính quyền nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng cấp Nhà nước xét duyệt. Thành phố nơi có chính quyền nhân dân tỉnh (tỉnh lỵ), khu tự trị và quy hoạch tổng thể của thành phố do Quốc vụ viện xác định sẽ được chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị xem xét, thông qua trước khi trình Quốc vụ viện phê duyệt.
Quy hoạch tổng thể của các thành phố khác do chính quyền nhân dân thành phố trình chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị thẩm tra và phê duyệt. Chính quyền nhân dân quận tổ chức lập quy hoạch tổng thể của thị trấn nơi đặt chính quyền nhân dân quận (huyện lỵ) và trình chính quyền nhân dân cấp trên phê duyệt.
Quy hoạch tổng thể của các thị trấn khác do chính quyền nhân dân thị trấn lập và trình chính quyền nhân dân cấp trên phê duyệt. Quy hoạch hệ thống thị xã thuộc tỉnh do chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị biên soạn và quy hoạch tổng thể do chính quyền thành phố, quận biên soạn phải được ủy ban thường vụ đại hội nhân dân cấp tương ứng (thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp) xem xét trước khi trình lên chính quyền nhân dân cấp trên thông qua.
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch trình duyệt quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh, quy hoạch thành phố, quy hoạch thị xã và lấy ý kiến thảo luận của ủy viên ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân cấp tương ứng (thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp).
Thời hạn quy hoạch nói chung là 20 năm, nhưng có dự báo sự phát triển lâu dài của thành phố. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn giao cho đơn vị có chuyên môn tương ứng thực hiện và có quy định điều kiện, năng lực. Công bố dự thảo quy hoạch để lấy ý liến và thời gian thông báo không ít hơn 30 ngày. Ý kiến và lý do thông qua ý kiến phải đính kèm hồ sơ trình thẩm tra, phê duyệt.
Đáng chú ý, nếu việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết liên quan đến nội dung bắt buộc của quy hoạch tổng thể thành phố hoặc quy hoạch tổng thể thị xã thì quy hoạch tổng thể sẽ được điều chỉnh trước.
Luật quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2007 của Trung Quốc cũng đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý và xử lý trách nhiệm đối với việc không tổ chức lập quy hoạch theo luật quy định; ủy thác sai đơn vị đơn vị tư vấn; các hành vi làm không đúng và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị