Bảo đảm dự án Luật Cấp, thoát nước có trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội

Bảo đảm dự án Luật Cấp, thoát nước có trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội

Trong năm 2024, Cục Hạ tầng kỹ thuật cùng các cơ quan Bộ Xây dựng phải hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cấp, thoát nước để đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2025 và hoàn thành trình thẩm định hồ sơ tới Bộ Tư pháp…

Đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2025

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký ban hành Quyết định số 114/QĐ-BXD ngày 19/02/2024 về Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Cấp, thoát nước của Bộ Xây dựng; trong đó giao Cục Hạ tầng kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Văn phòng Bộ và các đơn vị, cá nhân có liên quan thi hành.

Kế hoạch triển khai thực hiện gồm 6 giai đoạn: Đề nghị xây dựng Luật; Xây dựng dự thảo Luật; Tổ chức lấy ý kiến góp ý, tổng hợp ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Luật; Trình thẩm định hồ sơ dự án Luật; Trình Chính phủ dự thảo Luật; Thẩm tra và ban hành Luật.

Về đề nghị xây dựng Luật, một số nội dung công việc đã được thực hiện như: (1) Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo Điều 37 Luật Ban hành VBQPPL được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 53 Điều 1 Luật số 63/2020/QH14;

(2) Thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập theo Quyết định số 320/QĐ-BXD ngày 03/4/2023; (3) Thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ; (4) Trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật.

Dự kiến 3 nội dung nữa sẽ hoàn thành trước và trong tháng 5/2024 như: (5) Hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh; Chính phủ trình đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Gửi hồ sơ đến Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội để thẩm tra. Dự kiến thực hiện trước tháng 3/2024.

(6) Thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội thẩm tra chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh trình Quốc hội xem xét, quyết định; Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh. Dự kiến thực hiện trong tháng 3 – 4/2024.

(7) Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Dự kiến thực hiện trong tháng 5/2024.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tổ chức lấy ý kiến góp ý tại 3 miền

Sau khi dự án Luật Cấp, thoát nước được Quốc hội đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, tiếp tục hoàn thiện xây dựng hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Hồ sơ dự án Luật gồm: Tờ trình của Bộ Xây dựng trình Chính phủ; dự thảo Luật Cấp, thoát nước; Báo cáo rà soát các VBQPPL liên quan đến dự thảo Luật; Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo Luật; Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; Bản chụp ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tổng hợp tài liệu tham khảo pháp luật nước ngoài; Tài liệu khác nếu có, như dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cấp, thoát nước.

Giai đoạn tiếp theo, tổ chức lấy ý kiến góp ý, tổng hợp ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Luật: (1) Tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý ở 3 miền Bắc, Trung và Nam trong tháng 4 – 6/2024; (2) Báo cáo Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng thông qua hồ sơ dự án Luật trước khi tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản (dự thảo 1); (3) Đăng tải lấy ý iến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và Chính phủ, gồm Tờ trình của Bộ Xây dựng trình Chính phủ và dự thảo Luật Cấp thoát nước (dự thảo 2); Gửi lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu tác động theo quy định; Hoàn thiện dự thảo Luật trong đó tổng hợp và nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý (dự thảo 3); (4) Họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập; (5) Trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông qua Hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 10/2024.

Giai đoạn trình thẩm định hồ sơ dự án Luật diễn ra trong tháng 11 – 12/2024: (1) Gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự án Luật Cấp, thoát nước trong tháng 11/2024; (2) Hoàn thiện hồ ớ dự án Luật theo Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, trong đó xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo ý kiến thẩm định (dự thảo 4); Báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng các vấn đề cần xin ý kiến nếu có. Đồng thời, gửi báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo dự thảo Luật đã được chỉnh lý đến cơ quan thẩm định khi trình Chính phủ dự thảo luật, theo khoản 5 Điều 58 Luật Ban hành VBQPPL.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Hồ sơ dự án Luật Cấp thoát nước sẽ được (1) trình Chính phủ vào tháng 1 – 2/2025, theo Điều 59 Luật Ban hành VBQPPL; (2) đồng thời được Chính phủ thảo luận, xem xét, thông qua hồ sơ dự án Luật tại phiên họp Chính phủ, theo quy định tại Điều 61 Luật Ban hành VBQPPL; (3) Cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và Báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 2/2025 (dự thảo 5).

Giai đoạn thứ 6, giai đoạn thẩm tra và ban hành Luật, diễn ra trong tháng 3 – 5/2025: (1) Trình thẩm tra hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì thẩm tra và các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra, gửi hồ sơ chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội; Phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường trong thẩm tra hồ sơ dự án Luật; (2) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật vào tháng 4/2025, chậm nhất 7 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Điều 70 Luật Ban hành VBQPPL.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; (3) Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua dự thảo Luật Cấp, thoát nước vào tháng 10/2025 sau khi phối hợp với Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra trong việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; rà soát dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua (dự thảo 6).

Trước đó, tại Hội thảo về dự thảo Luật Cấp, thoát nước tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam năm 2023, ngày 29/9/2023 tại tỉnh Bình Dương, ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trong giai đoạn hiện nay có hơn 980 nhà máy cấp nước, tổng công suất khoảng 12,6 triệu m3/ngđ và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung tổng công suất thiết kế khoảng 1,47 triệu m3/ngđ, cho thấy nhiệm vụ đối với việc quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước rất nặng nề… Đặt ra vấn đề, cần thể chế hóa hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cấp, thoát nước bằng Luật, nhằm điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước, thoát nước phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích