Bão Cytokine cố ca sĩ Phi Nhung gặp phải là gì, nguy hiểm thế nào?
Bão Cytokine cố ca sĩ Phi Nhung gặp phải là gì, nguy hiểm thế nào?
Trước khi qua đời, ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán bị biến chứng nặng do COVID-19, đặc biệt bị “cơn bão Cytokine” tấn công dẫn đến suy hô hấp nặng, suy đa cơ quan.
Ca sĩ Phi Nhung qua đời vì COVID-19
Ca sĩ Phi Nhung tử vong vì Covid-19, bị bão Cytokine tấn công
Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận ca sĩ Phi Nhung trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11h57 phút trưa 28/9 sau hơn 1 tháng điều trị tích cực và được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.
Theo đó, trước khi mất tại BV Chợ Rẫy, ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán mắc Covid-19, nhập viện Gia An 115, sau đó chuyển qua Chợ Rẫy trong tình trạng biến chứng nặng, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi, kèm “cơn bão Cytokine”, suy đa cơ quan. Ca sĩ Phi Nhung cũng được chạy ECMO và lọc máu liên tục.
TS. BS Quan Thế Dân từng chia sẻ trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và tử vong nhanh chóng ở bệnh nhân Covid-19 là do hiện tượng “cơn bão Cytokine”. Đáng tiếc, ca sĩ Phi Nhung lại bị hiện tượng này tấn công dẫn đến tình trạng tiến triển nặng và đã không qua khỏi.
Ca sĩ Phi Nhung là một trong số nhiều bệnh nhân mắc hội chứng Cytokine
Bão Cytokine – triệu chứng điển hình của bệnh nhân COVID-19
Bão Cytokine là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất cytokine gây viêm, tổn thương nặng và khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Theo các bác sĩ, bình thường, người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng.
Trong đợt dịch thứ 4, không thể thống kê có bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 mắc cơn bão Cytokine. Tuy nhiên, từ thực tế điều trị, PGS.TS Nguyễn Văn Chi – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các chuyên gia nhận thấy vai trò của cơn bão này với nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 rất cao. Nếu không kiểm soát được cơn bão Cytokine thì nó sẽ tàn phá cơ thể và “xô đổ” bệnh nhân.
Một thống kê của Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 16, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai hồi giữa tháng 9 cho thấy, bão Cytokine là một triệu chứng điển hình của bệnh nhân trong đợt dịch này mà các bác sĩ điều trị phải đối mặt.
TS Đỗ Ngọc Sơn – Phụ trách Trung tâm ICU người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 cho biết 70% bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây mắc hội chứng Cytokine.
Còn tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, có giai đoạn cao điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, hầu như ngày nào bệnh viện này cũng có bệnh nhân gặp “cơn bão Cytokine”, có thời điểm lên đến gần 30 ca. Trung bình khi bệnh nhân rơi vào cơn bão, chỉ cần khoảng 1 ngày là sẽ diễn tiến đến nguy kịch, có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Cơn bão Cytokine rất nguy hiểm đối với người mắc COVID-19 (Ảnh minh họa)
Cytokine và mối nguy với bệnh nhân trẻ tuổi, không bệnh nền
Với cơ chế bệnh sinh phức tạp, hiện nay, y học vẫn chưa thể lý giải được vì sao cơn bão Cytokine lại xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, nhưng điều đáng nói là nó nhanh chóng “đánh gục” các trường hợp trẻ tuổi.
“Bệnh nhân trẻ gặp bão Cytokine phản ứng sẽ mạnh và dữ dội hơn nhiều so với người lớn tuổi”, BS Sơn nói từ thực tế điều trị. Vị chuyên gia đã tiếp nhận điều trị những bệnh nhân 17 tuổi hay 22 tuổi gặp bão Cytokine, khiến cơ thể suy sụp nhanh, nhiều trường hợp không qua khỏi.
ThS.BS Lê Văn Dẫn – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, nhiều người còn chủ quan khi mắc COVID-19 nghĩ rằng sức khỏe tốt, trẻ khỏe không sao. Nhưng trong đợt dịch thứ tư này, đã xuất hiện các trường hợp bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 rất nặng. Các bệnh nhân trẻ có xu hướng gặp cơn bão Cytokine diễn biến rất nhanh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.
Dẫn chứng điển hình về bệnh nhân H.V.N (45 tuổi) vừa phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn, BS Dẫn cho hay, đây là trường hợp trẻ, không có bệnh lý nền nhưng cơ thể có những phản ứng quá mức với virus, gây ra tình trạng cơn bão Cytokine.
Đến ngày thứ 4-5, bệnh nhân đã có triệu chứng nặng lên nhanh, rầm rộ hơn và diễn biến cơn bão Cytokine rất nhanh. Vì phát hiện muộn tình trạng này ở tuyến dưới nên các biện pháp thở máy, lọc máu hấp thụ không có tác dụng với bệnh nhân này, buộc phải can thiệp ECMO. Rất may, bệnh nhân đáp ứng với tuần hoàn ngoài cơ thể và đã được hồi sinh rất kỳ tích.
“Cơn bão Cytokine thường xuất hiện ở tuần đầu và tuần thứ hai phát bệnh. Nếu bệnh nhân được điều trị, may mắn thoát ra khỏi, thì có thể hồi phục sau khoảng hai tuần điều trị”, BS Sơn cho hay.
Xác định kiểm soát bão Cytokine là một trong những biện pháp tối ưu giúp người bệnh nặng thêm cơ hội được cứu sống, ICU Bạch Mai đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán sớm cho 100% bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu khi diễn biến bệnh còn ở mức ranh giới chuyển nặng. Chẩn đoán, phát hiện sớm bão Cytokines để xác định mức độ, giúp điều trị sớm, đem lại nhiều hy vọng bệnh nhân sẽ có kết quả tốt, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.
BS Sơn nhấn mạnh, về điều trị, có nhiều biện pháp song cơ bản là duy trì sự sống trong giai đoạn có bão Cytokine như thở máy, truyền đủ dịch, dùng thuốc, ngoài ra lọc máu hấp thụ, dùng kháng thể đơn dòng… Phác đồ này nhằm giảm bớt nguy cơ, yếu tố độc hại mà cơn bão gây ra cho bệnh nhân.