Báo chí trong xu hướng thời đại kỹ thuật số
Xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và khu vực ASEAN
Đại dịch Covid -19 cũng là điều tồi tệ với đối với cả thế giới, nhưng ở khía cạnh nào đó, nó lại là thời điểm để thúc đẩy các tòa soạn thực hiện chuyển đổi số. Đó là kết luận được Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) đưa ra tại Hội nghị Báo điện tử Châu Á tổ chức cuối năm ngoái, theo hình thức trực tuyến. Cùng với đó, các tập đoàn lớn cũng lựa chọn các giải pháp ứng dụng dưới dạng dịch vụ (SaaS – Software as a Services) nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin phức tạp nhưng đạt được mục tiêu tận dụng tối đa nguồn tài nguyên trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
Tầm nhìn của các tập đoàn báo chí, truyền thông lớn trên thế giới đang dần hoàn thiện hơn theo phương châm “ĐỘC GIẢ Ở ĐÂU BÁO CHÍ ĐI ĐẾN ĐÓ” và cũng chính với chiến lược này, xu hướng báo chí trên thế giới đã không ngừng thay đổi dẫn đến một cuộc di cư hết sức mạnh mẽ và đầu tư vào Digital nhằm xây dựng một xu hướng báo chí truyền thông mới, đa nền tảng và đặc biệt là xu hướng tiếp cận qua các nền tảng thông tin. Các xu hướng chính của báo chí – truyền thông trong tương lai đã định hướng khá rõ ràng như đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bức tường phí, các thiết bị treo trên người và kinh tế báo chí.
Các giải pháp ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi mô hình số cũng đã mang lại cho các tập đoàn báo chí – truyền thông doanh thu khổng lồ đồng thời kinh tế báo chí cũng đang là xu thế của các ông lớn truyền thông trên thế giới.
Triển vọng chuyển đổi số ở Việt Nam trong xu thế ứng dụng kỹ thuật số trong báo chí, truyền thông
Ngày 20/05/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết 50/NQ-CP đề cập nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các loại thị trường và các yếu tố thị trường, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ, kinh tế số và thị trường số
Xu hướng sử dụng internet và hành vi của người Việt trên internet
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo chí Việt nam cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại. Đó là thời đại của công nghệ số,của những khái niệm mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức với báo chí thế giới nói chung, và báo chí Việt nam nói riêng và trong bối cảnh ngày càng cho rằng dữ liệu mới là tài nguyên lớn nhất của thế kỷ 21 thì báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Tuy nhiên, thu thập dữ liệu để làm gì cũng không phải là câu hỏi dễ trả lời đối với những người làm báo thuần túy và báo chí Việt nam.
Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí đa phương tiện ra đời với các kiểu bài như infographics, mega story, e-magazine, long-form… đã không còn lạ với đọc giả, tạo nên món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Đó là những tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí phải đứng trước thay đổi sâu rộng.
Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới vừa làm khó nhưng cũng là động lực để các nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình với công chúng.
Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều trang điện tử cũng khiến độc giả nhầm lẫn với báo chí. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho báo chí hiện nay khá đa dạng, có nhiều người không qua các trường lớp đào tạo bài bản, tùy tiện viết lách, đánh mất đạo đức nghề nghiệp, trục lợi cá nhân, làm cho đọc giả đánh đồng báo chí với trang điện tử, hay mạng xã hội khiến niềm tin với báo chí bị giảm sút.
Đứng trước áp lực “phải thay đổi” để khẳng định mình, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sẵn sàng đón nhận thách thức của thời đại công nghệ số và thể hiện quyết tâm trở thành một tòa soạn đa phương tiện. Thay đổi để lớn mạnh và trưởng thành, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng, đó chính là mục tiêu bền vững mà các tòa soạn báo hiện nay đang hướng tới.
Thời điểm này, ở Việt Nam, báo in bắt đầu suy giảm số lượng. Nhưng khi nhắc đến báo điện tử, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí vẫn coi đấy chỉ là phiên bản online của bản in, hạn chế cập nhật, mà nói tóm lại là không cho báo điện tử có một đời sống riêng. Đến giờ, có lẽ không còn ai bàn cãi về vai trò của báo điện tử, cho dù doanh thu từ nó cũng không như kỳ vọng. Lý do không phải là báo chí thế giới đi sai đường, mà là vì công nghệ đã phát triển quá nhanh, dẫn đến nhiều “cuộc di dân” khác trong lĩnh vực truyền thông.
Những cuộc “di dân” đó cũng đã sinh ra khái niệm mới trong ngành truyền thông là “du mục trong thời đại số”, theo nghĩa độc giả ở đâu thì báo chí theo đến đó. Lý do là độc giả không còn thụ động ngồi chờ chúng ta cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo ở đó. Đương nhiên, đấy đều là những nền tảng số, gắn liền với những sản phẩm báo chí mới./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu