Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19

Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19

PV (T/h) –  Thứ bảy, 27/11/2021 10:19 (GMT+7)

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19”.

Dự diễn đàn có đại diện Tổng cục Du lịch, Hội Nhà báo các tỉnh TP, Sở Du lịch các tỉnh TP, đặc biệt có sự hiện diện của Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, Sở VHTTDL Lạng Sơn, Sở Du lịch Khánh Hoà, Sở Du lịch Quảng Bình, lãnh đạo Hiệp hội du lịch Lạng Sơn, Khánh Hoà, lãnh đạo Hội nhà báo Tỉnh Lạng Sơn, Khánh Hoà và Trung tâm Truyền thông Tỉnh Quảng Ninh….

Chủ trì diễn đàn là Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành– Tổng cục Du lịch Việt Nam; Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội lữ Hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist; PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam và PGS. TS. Dương Văn Sáu – Trưởng Khoa Du lịch – Đại học Văn Hoá Hà Nội.

tm-img-alt
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi phát biểu (Ảnh chụp từ màn hình). Ảnh: TL 

Phát biểu đề dẫn diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm trước; khách du lịch trong nước cũng giảm đến 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi dẫn thông tin: Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 – 4 năm để phục hồi. Trong khi đó, lúc này, đại dịch COVID-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút… Điều này buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì kinh doanh. Theo các chuyên gia, 2021 – 2022, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi sau COVID-19, trong đó yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu. Chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”. …

Năm 2021, ngành Du lịch đề ra 5 nhiệm vụ chính, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Nhưng trước khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam đã nỗ lực chủ động thích ứng, phát huy nội lực và khôi phục hoạt động trong tình hình mới – PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết.

Mở đầu phiên thứ nhất về công tác truyền thông về du lịch Việt Nam vượt qua Đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, Tỉnh Khánh Hoà đã nêu lại những khó khăn của du lịch Việt Nam trong đó có du lịch tỉnh Khánh Hòa trong đại dịch Covid-19, đồng thời bà cũng ca ngợi vai trò của báo chí truyền thông đối với ngành du lịch lữ hành…

Tiếp đó doanh nhân Lê Xuân Thơm – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng (Hải Đăng Group) nêu chủ đề: Các Doanh nghiệp Du lịch gồng mình vượt qua đại dịch, cần có giải pháp để vực dậy ngành du lịch…! Bên cạnh những khó khăn chung, ông đã chia sẻ những khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong giai đoạn vừa qua. Ông mong muốn Chính phủ có chính sách giãn nợ cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, để từ đó các doanh nghiệp dần phục hồi trở lại. Ông kêu gọi người Việt Nam, hãy đi du lịch Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước đồng thời thu hút thêm du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần thực hiện tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho các nhân viên, lễ tân,… để góp phần chống lại Covid-19 tốt nhất. Ngoài ra ông cũng đề xuất tỉnh Khánh Hòa quy hoạch các con đường một chiều dành cho khách du lịch để giúp các du khách trải nghiệm tốt hơn du lịch Khánh Hòa.

Ông Đặng Đông Hà – Phó GĐ Sở Du lịch Quảng Bình nêu chủ đề về Các Doanh nghiệp Du lịch Quảng Bình và Sở Du lịch Quảng Bình tìm hướng đi để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid19. Ông nêu giải pháp liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản.. tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch đảm bảo phòng chống Covid-19. Ông cũng chia sẻ những chính sách của tỉnh Quảng Bình đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành như triển khai tiêm vắc xin, giãn nợ hoãn nợ cho doanh nghiệp,… Ông đã đề xuất Tổng cục Du lịch tìm giải pháp để đồng bộ tuyến đường du lịch của các du khách đã tiêm vắc xin Covid-19, không làm ảnh hưởng đến khách du lịch khi họ tham gia các chuyến du lịch qua các tỉnh thành…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích