Băng tan làm ‘hồi sinh’ các mầm bệnh cổ đại nguy hiểm
Băng tan làm ‘hồi sinh’ các mầm bệnh cổ đại nguy hiểm
Mới đây, giới khoa học Australia đã cảnh báo các mầm bệnh cổ đại thoát ra ngoài môi trường do băng tan có thể gây ra những thiệt hại lớn.
Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 28/7, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Flinders đã mô phỏng các giả thiết trên máy tính và nhận thấy rằng chỉ cần giải phóng 1% số mầm bệnh cổ đại cũng có thể gây tổn hại trên diện rộng cho các sinh vật chủ trên khắp thế giới.
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện nhằm dự đoán về thiệt hại tiềm ẩn sau khi các mầm bệnh cổ đại được giải phóng từ các sông băng và băng vĩnh cửu đang tan chảy do tình trạng biến đổi khí hậu.
Để có thể tính toán một cách chính xác, các nhà nghiên cứu đã thực hiện những thí nghiệm mô phỏng, trong đó mầm bệnh từ quá khứ xâm nhập vào các cộng đồng vật chủ. Kết quả sau đó được so sánh với các cộng đồng không bị dịch bệnh đe dọa.
Họ phát hiện ra rằng 3% số mầm bệnh có thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường mới của chúng và 1% có thể gây ra những hậu quả khôn lường, bao gồm cả việc xóa sổ 30% số loài vật chủ.
Tác giả chính của báo cáo – nhà khoa học Giovanni Strona cho biết: “Chúng tôi thấy rằng mầm bệnh xâm nhập thường có thể tồn tại, phát triển và trong một số trường hợp trở nên đặc biệt dai dẳng và chiếm ưu thế trong cộng đồng, gây ra tổn thất đáng kể hoặc làm thay đổi số lượng loài sinh vật sống. Do đó, phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng những mối đe dọa khôn lường – cho đến nay mới chỉ giới hạn trong khoa học viễn tưởng – trên thực tế, có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng khi là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại sinh thái.”
Một thành viên của nhóm nghiên cứu – nhà khoa học Corey Bradshaw nhấn mạnh rằng: “Là một xã hội, chúng ta cần hiểu những rủi ro tiềm ẩn mà các vi khuẩn cổ đại gây ra, để có thể chuẩn bị cho bất kỳ hậu quả không mong muốn nào khi chúng tái xuất hiện ở thế giới đương đại”.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị