Băng tan kỷ lục tại Greenland trong 12.000 năm

(TN&MT) – Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện tảng băng khổng lồ ở Greenland đang tan chảy nhanh chóng với lượng băng tan một ngày trong tuần này đủ để bao phủ cả bang Florida, Mỹ.

Dữ liệu của chính phủ Đan Mạch cho thấy nước này đã mất hơn 100 tỷ tấn băng kể từ đầu tháng 6 năm nay. Ảnh: Reuters

Theo các nhà khoa học, băng ở Greenland đang tan nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 12.000 năm qua. Nếu tất cả băng ở Greenland tan chảy, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 6m. Mặc dù hiện tượng này rất khó xảy ra nhưng các nhà khoa học cảnh báo, tảng băng khổng lồ này đang đạt đến điểm giới hạn do sự nóng lên toàn cầu. Tốc độ băng tan này đang làm thay đổi các dòng hải lưu, thay đổi hệ sinh thái biển và đe dọa trực tiếp các khu vực trũng thấp ven biển trên toàn cầu.

Chính phủ Đan Mạch cho biết, chỉ trong ngày 27/7, tảng băng ở Greenland đã mất 8,5 tỉ tấn khối lượng bề mặt. Tương tự, theo trang web giám sát Polar Portal, khoảng 8,4 tỉ tấn băng tan vào ngày 29/7.

Quy mô băng tan gây thiệt hại lớn đến mức chỉ trong ngày 27/7 đã tạo ra lượng nước khổng lồ đủ để nhấn chìm toàn bộ bang Florida của Mỹ trong mực nước 5cm. Băng tan ở Greenland sẽ chảy vào đại dương và làm tăng thêm mực nước biển toàn cầu vốn đang gia tăng do biến đổi khí hậu. Chuyên gia về sông băng Marco Tedesco từ Columbia nhận định, mức độ tan chảy rất cao và có thể thay đổi toàn bộ mặt của Greenland, bởi vì nó sẽ là động lực rất lớn cho sự gia tăng tốc độ tan chảy trong tương lai.

“Một dải khí áp cao đang hút không khí ấm từ phía Nam và giữ nó ở phía Đông Greenland, gây ra nhiệt độ kỷ lục mọi thời đại của khu vực này là 19,8 độ C vào ngày 28/7. Trước đây đã có những hiện tượng khí quyển kiểu này nhưng giờ chúng diễn ra lâu hơn và thường xuyên hơn” – Marco Tedesco nhấn mạnh.

Bạn cũng có thể thích