“Bản tình ca” ấm áp về gia đình
“Thương ngày nắng về” là bộ phim truyền hình dài tập được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 15/11/2021 và kết thúc vào ngày 3/8/2022 với hai phần phim. Kịch bản phim được mua bản quyền và chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc “Con gái của mẹ” với dàn diễn viên chất lượng như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Quý, diễn viên Lan Phương, Minh Huyền, Đình Tú, Ngọc Huyền,…
Dàn diễn viên thực lực trong phim “Thương ngày nắng về”. |
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình bà Nga với sự thể hiện rất trọn vai của nghệ sĩ gạo cội Thanh Quý. Bà Nga sở hữu một quán bún riêu cua, sống cùng cậu em trai có phần “ngáo ngơ” và ba cô con gái. Cuộc sống đi qua cũng không dễ dàng gì, nhưng tình thân, tình yêu thương luôn là chỗ dựa cho mỗi người để họ có thể vượt qua nghịch cảnh, đắng cay cuộc sống và sống cho trọn vẹn đời mình.
Câu chuyện qua sự kết hợp của đạo diễn Bùi Tiến Huy và đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Vũ Trường Khoa trở nên ấm áp, giản dị mà vẫn làm nổi bật được những yếu tố tình cảm gia đình, hôn nhân hay cả những khó khăn xã hội đặt lên vai người phụ nữ,…
Nhân vật bà Nga được xây dựng là một người phụ nữ tần tảo, hết lòng vì con cái. Góa chồng và đang bước vào độ tuổi 60, bà Nga vẫn phải bộn bề lo toan, tâm trí chưa hề an yên vì ba cô con gái dù đã lớn khôn nhưng mỗi người luôn có đầy những khúc mắc trong cuộc sống. Mặc dù bà Nga cằn nhằn, lắm điều than vãn, tính khí còn đôi phần nóng nảy nhưng đức hy sinh và tình yêu thương của bà dành cho gia đình là chưa bao giờ vơi đi. Vì vậy, bà luôn là điểm tựa vững vàng cho em trai và những cô con gái của mình.
Hai phần ba quãng đời của bà dành trọn cho gia đình và con cái, mình bà gánh gồng nuôi con nên người, đến nỗi, những ước mơ thiếu nữ thuở nào cũng đã tiêu tan.
Có một lần, bà ngồi ngắm bức ảnh của bà cùng ba cô con gái mình, bà bỗng nghĩ đến: “Các con cứ hỏi: Ước mơ của mẹ là gì? Mẹ cứ ngẩn ra: ừ nhỉ, hóa ra mẹ đã sống một cuộc đời mà không mơ ước, căn bản, toàn quanh quẩn lọ nước mắm, củ dưa hành. Nhưng giờ mẹ nghĩ ra rồi…ước mơ của các con cũng chính là ước mơ của mẹ. Hãy ước mơ thay cả phần của mẹ, các con nhé!”
Phân cảnh này đã khiến bao người xem phải thổn thức trước tấm lòng hy sinh cao cả của bà Nga. Đặc biệt, lời thoại có liên hệ với nhạc phim “Ước mơ của mẹ” do ca sĩ Văn Mai Hương thể hiện từng “gây sốt” trên mạng xã hội. Có thể nói, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Quý đã diễn tả rất trọn vẹn cảm xúc, tâm nguyện cả đời của nhân vật chỉ với một màn độc thoại, để lại ấn tượng khó phai về một người mẹ Việt Nam tần tảo, yêu con vô bờ…
Nếu như hình ảnh người mẹ được lột tả bằng những cung bậc đầy trăn trở, thì những người con trong gia đình lại được thể hiện bằng những nốt nhạc đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau.
Ba cô con gái của bà Nga, ai cũng mang một cá tính, câu chuyện riêng, xây dựng dựa trên những tuýp nữ giới phổ biến trong xã hội. Cô chị cả Vân Khánh (diễn xuất của Lan Phương) làm kế toán đã có tổ ấm và hai đứa con nhỏ dễ thương. Cô chị thứ hai Vân Trang (diễn xuất của Minh Huyền) – vốn là con gái nuôi của bà Nga, là mẫu người phụ nữ độc lập, hiện đại điển hình. Sở hữu ngoại hình xinh đẹp, tính cách sắc sảo và mạnh mẽ, cô luôn hoàn thành công việc một cách xuất sắc, nhưng cũng gây đố kị với nhiều người. Tuy nhiên, sâu bên trong nội tâm của một người phụ nữ mạnh mẽ như thế lại là một trái tim dễ tổn thương. Điều khiến bà Nga lo lắng nhất về cô là gần 30 rồi nhưng vẫn chưa chịu lấy chồng. Em út của gia đình là cô thiếu nữ nhỏ Vân Vân (diễn xuất của Ngọc Huyền) có tính cách nhí nhảnh, dễ thương nhất.
Dù 3 người có ba tính cách và số phận khác nhau, nhưng tựu chung vẫn tìm về cái đích là hạnh phúc gia đình, “tổ ấm” yêu thương, an toàn nhất cho mỗi con người.
So với bản Hàn Quốc có một cái kết đầy nuối tiếc, thì phiên bản Việt “Thương ngày nắng về” có cái kết viên mãn hơn. Bộ phim kết thúc mang đậm chất gia đình Việt, đó là sự sum họp, đông vui, ấm cúng. Kịch bản chuyển thể đã truyền tải đầy đủ những cung bậc cảm xúc và thông điệp nhưng vẫn thêm thắt và giữ được màu sắc riêng của văn hóa dân tộc, tạo nên bầu không khí thân thuộc, ấm áp trong gia đình của mỗi con người Việt Nam.
Sau tất cả những biến cố thăng trầm của cuộc đời, có chăng con người có thể nhận ra giá trị trường tồn của tình thân và gia đình? Không nơi đâu bằng nhà và không ai bằng những người thân ta yêu thương. Quả như câu nói của bà Nga vào cuối phim: “Qua dãi dầu mưa tuyết, mới vui ngày nắng về”.
Tình yêu thương gia đình ta trao đi chưa bao giờ là đủ cả, chỉ có tổ ấm mới là nơi có thể dang rộng vòng tay chào đón ta trở về bằng tình thương vô điều kiện. Bộ phim đã khép lại nhưng sự xúc động còn đọng lại trong lòng người xem vẫn chưa vơi. Muốn cảm nhận tình thân và yêu thương vô bờ, “Thương ngày nắng về” là bộ phim thích hợp và mang đến cho khán giả đầy những cảm xúc không tên trước những tình cảm chất chứa trong sự gần gũi, giản dị hằng ngày.
Trong bộ phim, bà Nga đã tìm thấy “ngày nắng” của đời mình. Vậy nên, chỉ cần có niềm yêu thương là điểm tựa, chắc chắn, ai cũng có thể được nhìn thấy “ngày nắng về” sau những cơn bão giông ngoài kia thôi…
Có thể nhận ra, gần đây một loạt phim truyền hình Việt đã ngày càng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Từ “Hương vị tình thân”, tới “Anh có phải đàn ông không?” và “Thương ngày nắng về” đã chứng tỏ sự nhạy bén của các nhà làm phim cùng dàn diễn viên ngày càng có thực lực để mang đến cho khán giả sự lôi cuốn và bản sắc riêng, không thua gì “phim ngoại”./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô