Bản tin Hòa Nhập ngày 26/10/2021: Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh?

Đường dây cho vay nặng lãi ở Hà Nội: Phải gửi ảnh, video “nóng” để được vay

Ngày 25/10, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi), Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi) và Khương Thị Tuyến (29 tuổi) đều ở Hà Nội để điều tra về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngoài ra, đối tượng Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

Vụ án cho vay lãi nặng trên được triệt phá từ việc cảnh sát bắt quả tang N vừa bán dâm, vừa môi giới. Cô cho hay phải “đi khách” để trang trải nợ nần vay tiền của Vân Anh và Tuyến.

Vân Anh cho N vay lãi nặng khiến bị hại không thể trả hết khoản nợ. Ảnh: Y.Hưng

Vào cuộc điều tra, cảnh sát làm rõ, tháng 12/2020, Vân Anh và Huy tham gia nhóm kín trên các trang mạng Zalo, Telegram, Facebook liên quan đến các hoạt động mại dâm để quảng cáo cho vay tiền, “bốc bát họ”.

Vân Anh và Huy yêu cầu khách hàng có nhu cầu vay chụp ảnh chân dung, căn cước công dân, ảnh giao diện trên Facebook, Zalo, video và hình ảnh nhạy cảm của người vay hoặc cung cấp tên đăng nhập trên điện thoại, tài khoản icloud và mật khẩu… Mục đích dùng để uy hiếp con nợ nếu họ không trả tiền gốc, lãi đúng hẹn.

Từ đầu tháng 5, Vân Anh, Huy đã cho N vay 7 lần qua hình thức bốc bát “họ”, tổng số tiền 163 triệu đồng. N phải trả cho nhóm Vân Anh – Huy từ 10.000 – 20.000 đồng/triệu/ngày; mỗi ngày trả lãi và gốc từ 150.000 – 200.000 đồng hoặc theo chu kỳ 10 ngày trả lãi một lần.

Vân Anh và Huy đã thu tiền của N hơn 130 triệu đồng. Song N vẫn còn nợ số tiền lớn. Trước khi vay, N đã phải gửi ảnh, video nhạy cảm cho Vân Anh.

Do chưa trả được tiền do “lãi chồng lãi”, N bị Vân Anh đe doạ gửi video nhạy cảm cho người thân, bạn bè. Cô gái đã phải tiếp tục vay lãi của đối tượng Bùi Ngọc Thuỷ để trả cho Vân Anh.

Tuy nhiên, N không phải là “khách hàng” duy nhất của Vân Anh. Theo cảnh sát, Vân Anh và Huy đã cho gần 1.000 người vay với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Cả hai đã thu gốc, lãi của gần 800 người, còn 210 người vẫn phải gốc lãi hàng ngày với mức lãi suất từ 146-730%.

Số tiền cả hai được hưởng lợi trong việc cho vay lãi nặng và giao dịch dân sự là hơn 1,3 tỉ.

Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Ăn kẹo không rõ nguồn gốc, 13 học sinh dương tính với ma túy

Khoảng 7h, ngày 25/10 trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, 13 học sinh trường THPT Hoành Bồ, Quảng Ninh có biểu hiện bị ngộ độc (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay). Sau khi thấy phát hiện vụ việc, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ y tế sơ cứu ban đầu và đưa các em học sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hạ Long.

Bệnh viện đã làm test nhanh nước tiểu các học sinh trên, kết quả: 13 học sinh dương tính ma túy.

Gói kẹo không rõ nguồn gốc khiến 13 học sinh bị ngộ độc sau khi ăn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo thông tin nhà trường sáng 25/10 cả 13 học sinh trên cùng ăn chung 1 gói kẹo (màu xanh, có in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ) do em M. T. S. (học sinh lớp 10A2 trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long)  mua ở quán Cafe 1998 thuộc tổ 5, khu Trới 3 (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) mang đến trường.

Nhiều cửa hàng ở Nghệ An đồng loạt treo biển ‘hết xăng’

Hai ngày nay, các cửa hàng xăng trên địa bàn thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong, Nghệ An) đồng loạt treo biển “hết xăng” khiến người dân gặp khó khi mua xăng, dầu.

Theo đó, từ chiều 24/10 đến trưa nay (25/10), rất nhiều người điều khiển xe máy, ô tô khi đến các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thị trấn Kim Sơn để đổ xăng đều phải quay ra khi nhân viên thông báo hết xăng. Bên ngoài các cây xăng đều treo biển “hết xăng”. Điều đáng nói, tình trạng này chỉ xảy ra tại 4 cửa hàng xăng trên địa bàn thị trấn Kim Sơn.

Việc các cửa hàng xăng dầu tại địa phương này đồng loạt ra thông báo hết xăng trong thời điểm dự báo giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày 26/10, khi Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, khiến dư luận không khỏi hoài nghi có tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá.

Nhiều cây xăng ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong treo biển hết xăng (Ảnh tienphong.vn).

Chiều 25/10, ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thị trấn Kim Sơn đồng loạt treo biển thông báo “hết xăng”, huyện đã nhanh chóng thành lập đoàn để kiểm tra, xác minh.

Các chủ cửa hàng xăng trên địa bàn thị trấn phản ánh, Tổng Công ty xăng dầu hiện nay chỉ cấp nhỏ giọt. Chúng tôi đã phối hợp với Công an huyện, địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp tại bồn nhưng không có xăng. Không có hiện tượng “găm hàng” để chờ tăng giá”, ông Xuân khẳng định.

Giá thịt lợn đã ngưng đà giảm

Chiều 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Hội nghị tập trung chủ yếu về vấn đề bình ổn giá thịt lợn và lắng nghe các kiến nghị để phát triển bền vững thị trường chăn nuôi lợn thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con)… nên giá bán lợn giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn). Như vậy, tỷ trọng thị lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên ngành nông nghiệp khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn đã ngưng đà giảm. “Trong 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg. Đến hôm nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 36 nghìn đồng – 45 nghìn đồng/kg. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi”, ông Toản nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) cho biết sẽ tăng cường kết nối khâu sản xuất và tiêu thụ thịt lợn – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về tăng cường sự bền vững trong chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH De Heus chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gà sang Nhật Bản, chia sẻ: “Trong khoảng 5 tháng qua, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cam kết về giá thu mua với người chăn nuôi để giữ ổn định mối liên kết. Chúng tôi rất mong muốn các chương trình liên kết mà Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành liên quan xây dựng cụ thể hóa hơn để có thể những chế tài chặt chẽ”.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cũng cho biết, thông thường các kênh bán lẻ hiện đại như các siêu thị không bị phụ thuộc vào biến động giá ở các chợ bán lẻ và các hộ kinh doanh tiểu thương. Tuy nhiên, do đặc thù ngành hàng tươi sống, các nhà bán lẻ hiện đại cũng chưa có kho bảo quản, chế biến đủ lớn nên giá cả phụ thuộc toàn bộ vào nhà cung cấp. “Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với những nhà cung cấp lớn để đảm bảo số lượng và chất lượng. Tuy nhiên nếu mối liên kết giữ người sản xuất và các nhà cung cấp lỏng lẻo thì các kênh bán lẻ cũng chịu sự biến động về giá. Do vậy các chế tài để người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ liên kết chặt chẽ là rất cần thiết”, bà Hậu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nêu ý kiến, cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ thúc đẩy việc phục hồi hoạt động của các chợ truyền thống và các hoạt động kinh tế xã hội, chắc chắn cầu sẽ tăng, kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi tăng lên. Tuy nhiên về dài hạn, cần phải tính đến một chiến lược về phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, không thể để phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay, ông Sơn nêu kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19. Cùng với đó, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; có chính sách bố trí đất cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.

Hàng nghìn người TP HCM ‘nhận nhầm’ hỗ trợ đợt 3

Chiều 25/10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 TP.HCM, báo chí đã đặt câu hỏi về việc người dân nhận nhầm tiền hỗ trợ đợt 3 ở một số địa phương như huyện Hóc Môn, quận 11, quận Gò Vấp.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết trong các văn bản, kế hoạch, Nghị quyết của HĐND TP.HCM xuyên suốt là phải chi trả kịp thời các gói hỗ trợ đúng đối tượng, nghiêm cấm trục lợi chính sách nhà nước.

Ông Lâm cũng thông tin ông vừa trao đổi xong với lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn. Theo đó, huyện Hóc Môn cho biết hiện nay địa phương đang triển khai nghiệp vụ đối chiếu, rà soát, kêu gọi sự tự giác khai báo của những người có hành vi “nhận nhầm”. Đồng thời, huyện sẽ dùng công nghệ thông tin để đối chiếu, rà soát các trường hợp khai gian để có hướng xử lý cụ thể.

“Hướng xử lý của huyện Hóc Môn sẽ được báo cáo cụ thể cho UBND TP” – ông Lâm khẳng định và cho biết dự kiến đầu tháng 11, TP.HCM sẽ tổ chức ba đoàn kiểm tra công tác hỗ trợ ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó có một đoàn do Thường trực UBND TP làm trưởng đoàn.

Công an phường 14 (quận Gò Vấp) đối chiếu thông tin khi chi hỗ trợ đợt 3, ngày 30/9 (Ảnh: vnexpress.net).

Trước đó, UBND huyện Hóc Môn cho biết qua rà soát, đối chiếu trên hệ thống dữ liệu riêng của huyện này đã phát hiện 713 trường hợp kê khai không chính xác khi nhận tiền hỗ trợ đợt 3.

Đáng chú ý, có trường hợp kê khai không trung thực khi khai báo hai nơi ở để nhận hỗ trợ hai lần, dùng CMND khai báo ở nơi này nhưng dùng CCCD khai báo ở nơi khác để phần mềm không phát hiện và nhận hỗ trợ khi vẫn đang hưởng lương.

Tương tự, quận 11 phát hiện nhiều trường hợp nhận hỗ trợ đợt 3 bị trùng thông tin; một số người có việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, đang nhận lương nhưng không khai báo; nhiều người khá giả, không thực sự khó khăn nhưng cũng được hỗ trợ.

Quận Gò Vấp cũng phát hiện nhiều người đang tham gia bảo hiểm xã hội, đang nhận lương từ doanh nghiệp vẫn đăng ký nhận hỗ trợ…

Giá xăng dầu sẽ lại tăng mạnh?

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, giá xăng dầu trong nước vào kỳ điều chỉnh hôm nay (26/10) sẽ tăng mạnh theo xu hướng chung của thế giới.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/10 của xăng RON 92 ở mức 95,89 USD/thùng, xăng RON 95 là 98,63 USD/thùng, cùng tăng 9% so với kỳ trước. Trong khi đó, giá dầu cũng có xu hướng đi lên, khi có ngày chạm mức 96,11 USD/thùng.

Giá xăng hôm nay có thể tăng mạnh?

Đại diện doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, giá xăng dầu trong nước vào kỳ điều chỉnh ngày mai sẽ tăng mạnh theo xu hướng chung của thế giới. Mức tăng xăng RON 95 có thể rơi vào mức vẫn có thể rơi vào khoảng 1.200-1.700 đồng/lít xăng. Trong khi đó xăng E5 RON 92 có thể sẽ tăng ở mức thấp hơn, từ 1.000 – 1.360 đồng/lít. Giá dầu có thể tăng ở mức 1.000 đồng/lít. Mức tăng chính xác ra sao sẽ phụ thuộc vào điều hành quỹ bình ổn của liên bộ.

Nếu nhà quản lý điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, đây sẽ là lần tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích