Bản tin Hoà Nhập ngày 25/11/2021: Số người rối loạn tâm thần thời Covid-19 tăng cao 3 lần

Khai tử thẻ ATM băng từ vào cuối năm 2021

Các điểm giao dịch sẽ không chấp nhận thể ATM băng từ sau ngày 31/12/2021

Theo thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc sau ngày 31/12/2021. 

Thông tin trên Báo thanh niên, sau ngày 31/12.2021, các thẻ ATM sẽ không được chấp nhận giao dịch tại các điểm chấp nhận thẻ trên toàn quốc. Các ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ ATM trước đó đã thông báo đến khách hàng về việc chuyển đổi thẻ ATM công nghệ băng từ sang thẻ chip. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) từ nay đến cuối năm 2021 thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ (thẻ có dải băng từ ở mặt sau) sang thẻ gắn chip contactless và hỗ trợ miễn phí chuyển đổi cho toàn bộ khách hàng. TPBank đã tạm khóa các thẻ công nghệ từ chưa chuyển đổi sang thẻ gắn chip contactless kể từ ngày 15/11/2021 và khóa vĩnh viễn/không chấp nhận giao dịch từ nhóm thẻ này sau ngày 31/12/2021.

Đăng trên VTV, nhiều chuyên gia nhận định việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi này cũng mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng.

Thông tin trên VTC, để tránh mất phí quá cao khi thực hiện giao dịch với thẻ chip, khách hàng lưu ý rút tiền tại ATM trong hệ thống; chuyển khoản trong nội bộ hệ thống qua máy ATM.

Việc sử dụng quen thẻ từ khiến không ít khách hàng lo lắng khi các ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Trên thực tế, cách sử dụng thẻ chip cũng không có quá nhiều khác biệt so với thẻ từ. Người dùng vẫn có thẻ sử dụng thẻ chip thực hiện các giao dịch thanh toán tại cửa hàng, siêu thị hay rút tiền nhanh chóng tại các điểm rút tiền tự động ATM. Đặc biệt, thẻ gắn chip có thể mua hàng online dùng trên toàn cầu. Có điều, phí duy trì thẻ hàng năm có thể cao hơn thẻ từ, tùy vào mỗi ngân hàng.

Hà Nội: Người phụ nữ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất thiệt mạng

Chiều 24/11, nhiều người dân hoảng hốt phát hiện người phụ nữ rơi từ tầng cao chung cư PCC1 44 Triều Khúc (Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội) xuống đất, tử vong.

Trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Nam xác nhận sự việc và cho biết, hiện công an có mặt tại hiện trường xác minh nhân thân của nạn nhân cũng như làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, khoảng hơn 15h cùng ngày, người dân sống tại khu vực chung cư PCC1 44 Triều Khúc nghe thấy tiếng động lớn phát ra trước cửa một quán cà phê ở tầng 1. Khi tới kiểm tra, họ hốt hoảng thấy một người phụ nữ nằm bất động dưới nền đất, tử vong.

Vẫn theo một số người dân, nạn nhân được cho là rơi từ tầng 23 tòa chung cư kể trên xuống đất.

Trả lời PV VTC News, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang có mặt tại hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ một phụ nữ thiệt mạng do rơi từ tầng cao chung cư 44 Triều Khúc (phường Thanh Xuân Nam) xuống đất.

Lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Nam cũng xác nhận vụ việc và cho biết, hiện các lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm Covid – 19 cho nạn nhân.

Trước đó, người dân sống tại chung cư ở 44 Triều Khúc phát hiện một phụ nữ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất, ngay dưới sảnh quán cà phê.

Hà Tĩnh: Trao tặng nhà tình nghĩa trị giá 500 triệu đồng cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn

Lế cắt băng khánh thành và trao tặng nhà tình nghĩa cho thương binh Lê Văn Minh (Ảnh: Baodansinh)

Theo Báo dân sinh, ngày 24/11, thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) vừa phối hợp với chính quyền địa phương làm lễ bàn giao nhà tình nghĩa (trị giá 500 triệu đồng) cho thương binh Lê Văn Minh (71 tuổi) ở thị trấn Thạch Hà.

Vừa qua, Bộ Tư lệnh 86, thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện và cấp ủy, chính quyền Thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh) tổ chức lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Lê Văn Minh là thương binh 4/4, ở tổ dân phố 15, thị trấn Thạch Hà .

Thương binh Lê Văn Minh cùng vợ năm nay đều đã ngoài 70 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm, nhiều năm qua sống trong căn nhà sập sệ. Ông bà có 2 người con ruột, trong đó con gái đầu bị bệnh tâm thần và con trai út chưa lập gia đình.

Thông qua kết nối của Ban CHQS huyện Thạch Hà, Bộ Tư lệnh 86 đã hỗ trợ 80 triệu đồng; cùng với đó là sự giúp đỡ vật chất và ngày công lao động của các tổ chức hội, đoàn thể, anh em, bà con lối xóm để xây dựng ngôi nhà mới, 3 gian mái bằng, diện tích 100m2, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Đến nay, sau 5 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ.

Được sống trong ngôi nhà mới khang trang, vợ chồng thương binh Lê Văn Minh và bà Võ Thị Lục vô cùng phấn khởi, đồng thời bày tỏ sự cám ơn Bộ Tư lệnh 86, chính quyền địa phương và sự chung tay chia sẻ của xóm làng, các tổ chức, cá nhân.

Thi tuyển lớp 10 Hà Nội: Đề xuất bỏ môn thi thứ 4

Học sinh lớp 9 trong một giờ học trực tiếp tại Hà Nội

Do học sinh lớp 9 năm nay phải học trực tuyến kéo dài, nhiều người đề xuất Hà Nội bỏ môn thi thứ 4.

Theo Báo Tiền phong. Bà Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội), cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có thể gần hết học kỳ I học sinh mới được đến trường. Do đó, bà Giang kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, thậm chí chỉ nên thi tuyển vào lớp 10 gồm 2 môn Toán, Ngữ văn. Cách đây 2 năm, Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4. Năm ngoái, thành phố rút ngắn thời gian làm bài thi nhưng năm đó, thời gian học trực tiếp ở trường khá nhiều.

Hiệu trưởng một số trường THCS khác cho rằng, chất lượng dạy học trực tuyến khó có thể đánh giá đạt bao nhiêu phần trăm so với trực tiếp. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giảm thời lượng môn học từ 45 phút xuống còn 40 phút; nhiều nội dung đã khuyến khích học sinh tự đọc, tự học hoặc giáo viên gửi video để giảm thời gian các em ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại. “Năm ngoái, các địa phương như: Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Tuyên Quang… đều thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi. Vì lẽ đó, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 hoặc công bố môn thi sớm để các trường, học sinh chủ động có kế hoạch dạy học và ôn tập nhằm giảm áp lực cho học sinh”, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội nói.

Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, nói rằng, thời gian tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về nguyện vọng có nên thi bài thi thứ 4 hay không, sau đó đơn vị có đề xuất với Sở GD&ĐT. Trước mắt, nhiều phụ huynh mong muốn các trường THCS xếp lịch dạy ôn tập, phụ đạo kiến thức 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9, tuy nhiên đơn vị cũng phải xin ý kiến Sở GD&ĐT, vì Hà Nội chưa cho phép các trường dạy thêm buổi chiều nhằm giảm áp lực học trực tuyến cho các em. “Với năm học đặc biệt, học trực tuyến kéo dài gần hết học kỳ I như năm nay, Hà Nội nên tính đến phương án bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Nếu không giảm hoặc không công bố sớm, học sinh vừa phải học vừa phải ôn tập tất cả các môn sẽ vất vả, áp lực”, bà Hằng nói.

Thông tin trên Báo Vtc. Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nói rằng, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Trong khi Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả các môn. Do đó, bà Lan cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau.

Di chứng hậu COVID-19

Đại biểu chia sẻ những câu chuyện xúc động trong thời gian dịch bệnh tại hội thảo. (Ảnh: tienphong)

Thông tin trên Báo Tiền phong tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” “Các bệnh nhân COVID-19 chịu nhiều di chứng và hiện tại còn 300 bệnh nhân đang nằm ở Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM”, BS Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM cho biết. Theo BS Thanh, những di chứng để lại cho người bệnh sau khi nhiễm SARS-CoV-2 gồm mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp, suy giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với người bệnh nặng, tuổi cao, có bệnh đi kèm.

TS tâm lý Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng, ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch COVID-19. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính, nhận thức tiêu cực, trầm cảm, lo âu, hoảng sợ, ám sợ, triệu chứng cơ thể, tự sát… Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm, ám ảnh, sợ hãi… “Do đó, cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong và sau đại dịch COVID-19. Thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khoẻ tâm thần, cân nhắc giãn cách xã hội, cách ly y tế quá dài; hạn chế điều trị nội trú”, TS Công nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Vtc news, sức khoẻ tâm thần nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng do di chứng nặng nề của Covid – 19.

TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là thời điểm dịch bệnh, ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần. Điển hình như trường hợp phải nghỉ việc do dịch bệnh, không ra ngoài được do giãn cách, làm việc online quá dài, trẻ ít được vận động hơn, người già thì thay đổi môi trường sống vốn đã quen thuộc… Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trong đó hai bệnh lý thường gặp nhất đó là rối loạn lo âu, trầm cảm.

Để cân bằng trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng, lo âu nói chung và trong giai đoạn dịch bệnh nói riêng, mọi người cần tránh hai thái cực tâm trạng.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích