Bản tin Hòa Nhập ngày 22/11/2021: Rút ngắn thời gian cách ly F0 xuống còn 7 ngày

F0 khi không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Ảnh minh họa.
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 6/10, đặc biệt sử dụng thuốc Molnupiravir kháng virus, đã có nhiều F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau một tuần cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bày tỏ ủng hộ quan điểm và kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly F0 của TP.HCM.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng với người mắc COVID-19 đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm tải lượng virus SARS-CoV-2, thể hiện qua chỉ số CT thấp có thể giảm thời gian cách ly xuống còn bảy ngày.
Với F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sau một tuần điều trị hầu như đã không còn hoặc chỉ còn rất ít nguy cơ lây nhiễm, thậm chí có thể đã khỏi bệnh.
Quảng Bình: Trao 799 xe lăn cho người khuyết tật
GIBTK mong muốn góp phần giúp người khuyết tật vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Mới đây, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình “Cấp phát xe lăn nhân đạo” do Tổ chức Trả lại tuổi thơ (GIBTK) trao tặng.
Trong chương trình “Cấp phát xe lăn nhân đạo”, có 529 xe lăn dành tặng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh của Tổ chức Trả lại tuổi thơ (GIBTK) trao tặng. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên chương trình sẽ được chia làm 2 đợt (tổng cộng 799 chiếc)
Theo đó, đợt 1 cấp phát 270 chiếc xe lăn; đợt 2 sẽ cấp phát 259 chiếc xe lăn còn lại dự kiến đợt 2 sẽ tổ chức vào tháng 4/2022.
Đây là món quà có ý nghĩa thiết thực và cũng là nguồn động viên, khích lệ đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Bắc Ninh tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ do dịch Covid-19
Bắc Ninh tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, tối 21/11, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Luyến cho biết, tỉnh tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ.
Cụ thể, tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tất cả thời gian trong ngày (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người đến hết ngày 30/11/2021, đồng thời tạm dừng hoạt động tổ chức tiệc cưới (mời khách) cho đến khi có thông báo mới.
Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài từ 21h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về. Những trường hợp này phải có giấy tờ liên quan như thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải yêu cầu khách hàng quét mã QR, đồng thời phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cả nước đã tiêm gần 108 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Cả nước đã tiêm gần 108 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Theo cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến ngày 21/11, cả nước đã tiêm được gần 108 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Có 58 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Năm tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thanh Hóa (53,6%), Sơn La (56,8%), Nghệ An (61,1%), Nam Định (64,4%) và Quảng Bình (68,4%).
34 tỉnh, thành đã triển khai điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết số tỉnh, thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà hiện đã lên 34 (đầu tháng 11 là 22 tỉnh, thành).
Tiếp nhận 14 nạn nhân của các vụ mua bán người từ Myanmar về Việt Nam
Đại diện các đơn vị chức năng trao quà hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán người được giải cứu từ Myanmar về Việt Nam.
Ngày 21/11, tại Tuyên Quang, Cục Đối ngoại, Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ tiếp nhận, bàn giao nạn nhân bị mua bán người từ Myanmar về Việt Nam.
Theo đó, 14 nạn nhân là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương, Kiên Giang.
Trước đó, các nạn nhân đã được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội), Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các cơ quan liên ngành nước bạn phối hợp giải cứu, đưa trở về Việt Nam và được cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung đoàn 247, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang.
Phó chủ tịch phường tử vong bất thường trong căn nhà hoang
Hình ảnh căn nhà hoang phát hiện thi thể (Ảnh: Báo Lao động).
Chiều 21/11, Công an tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Công an TP Phan Rang – Tháp Chàm điều tra cái chết của bà H.T.T.T. (35 tuổi), phó chủ tịch UBND một phường trên địa bàn TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Khoảng 13h cùng ngày, một người nhặt ve chai phát hiện bà T. chết trong căn nhà bỏ hoang trên đường 16 Tháng 4, phường Mỹ Bình, TP Phan Rang – Tháp Chàm, nên trình báo công an.
Theo người nhà, tối 20/11, bà T. đưa 2 con sang nhà mẹ ruột nhờ trông hộ để đi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Sáng hôm sau, khi không thấy con gái về, gọi điện thoại không liên lạc được nên gia đình tổ chức đi tìm kiếm.
Nguồn: hoanhap.vn