“Bán tháo trong phiên giảm sàn không là lựa chọn khôn ngoan”
Chia sẻ được ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Phòng phân tích, CTCK Maybank KimEng Việt Nam đưa ra khi trao đổi với BizLIVE về diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay.
PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh thời gian qua?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi cho rằng thông tin trọng yếu nhất làm cho thị trường giảm mạnh giai đoạn vừa qua chủ yếu từ tình hình dịch bệnh, bởi số liệu kinh tế có thể quý 3 ít nhiều bị tác động nhưng không là nguyên nhân lớn nhất. Thị trường có đoạn tăng khá tốt trước đó nên tâm lý chốt lời khi đối mặt với thông tin xấu dễ được kích hoạt. Khi nhà đầu tư có dư địa với khoản lời tương đối thì dễ chọn bán ra để bảo vệ thành quả.
PV: Sau khi đã giảm hơn 10% từ vùng đỉnh hơn 1.400, ông có cho rằng thị trường đã về vùng hấp dẫn?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Với đợt điều chỉnh vừa qua, P/E thị trường mức hiện tại điều chỉnh dự phóng về khoảng 14 lần. Tôi cho rằng thị trường đã về vùng hợp lý, hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước đây. Theo nhận định của Maybank KimEng, P/E thị trường năm nay là 17 lần, tương đương vùng điểm 1.500, như vậy hiện nhà đầu tư có thể cân nhắc theo hướng trung dài hạn.
PV: Những nhóm cổ phiếu nào có sức hút đầu tư hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Để lựa chọn cổ phiếu, tôi có cách nhìn nhận khác, không nhất thiết cổ phiếu giảm giá nhiều thì hấp dẫn. Từ nay tới cuối năm tôi có nhìn nhận tích cực với nhóm bất động sản, đây là nhóm có mức độ tăng chưa phải là quá nhiều cho giai đoạn nửa đầu năm; định giá nhìn chung khá hợp lý và dư địa tăng tốt trong giai đoạn tới.
Với bất động sản, tôi đánh giá tích cực với bất động sản khu công nghiệp. Dịch bệnh ảnh hưởng ngắn hạn lên tất cả nhưng bất động sản khu công nghiệp có định giá hiện hợp lý sau đợt giảm, cộng kỳ vọng dịch kiểm soát trở lại, vaccine trong nước được sản xuất thì tiềm năng 6 tháng 1 năm tới với nhóm này rất là ổn.
Trong khi đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất của dịch bệnh này với nhóm bất động sản là doanh nghiệp làm về dịch vụ bất động sản, như DXS. Với doanh nghiệp còn lại, đặc biệt với các “anh lớn” như VHM, NVL thì đây là những doanh nghiệp có những sản phẩm ổn định, lượng người mua ổn định, nên ảnh hưởng dịch bệnh là không quá nhiều, mọi thứ cải thiện nhanh khi tình hình dịch đi qua. Tạm thời họ vẫn có của để dành, lượng bán trước vẫn ở mức tốt nên trong ngắn hạn kết quả kinh doanh của nhóm này chưa có gì xấu.
Thứ hai là cổ phiếu với nhóm nhành ngân hàng, nhưng có sự phân hóa. Bên cạnh một phần ngân hàng nhỏ cho thấy mức định giá hơi cao còn một số ngân hàng có câu chuyện, tiềm năng tăng trưởng như VPB, TCB, OCB… Bên cạnh đó, còn có ngành thép, vẫn trong quá trình hưởng lợi từ việc giá thép tăng nên kết quả kinh doanh quý 2,3 vẫn tốt, hợp lý để tham gia cổ phiếu nhóm này.
PV: Ông có ý kiến gì về nhận định dòng tiền của nhà đầu tư đang bị rút khỏi thị trường?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi cho rằng đợt vừa rồi khi có thông tin bất lợi, nhà đầu tư trong nước chuyển hướng phòng thủ mạnh hơn, giữ tiền mặt nhiều hơn. Nhưng việc này không đồng nghĩa là họ rút tiền ra khỏi thị trường, họ có thể giữ và chờ đợi. Hầu hết kênh đầu tư khác khó để xoay chuyển, kiếm được tiền trong giai đoạn hiện nay, lượng tiền nhà đầu tư trong TTCK sẽ chưa thể có nhiều cơ hội chuyển sang kênh khác. Có thể họ chờ đợi vùng giá thấp hơn để giải ngân, chờ sự cải thiện tương đối chắc chắn hơn trong việc kiểm soát dịch.
PV: Lúc này, ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Với nhà đầu tư trong nước nói với họ câu chuyện đầu tư trung dài hạn có vẻ hơi lý thuyết. Kêu họ mua đi 6 tháng tới thấy thành quả thì khó!
Theo tôi, nhà đầu tư đang trong trạng thái sử dụng hơn 50% margin thì việc quan trọng nhất trong giai đoạn này không phải là chuyện tìm kiếm lợi nhuận mà là đảm bảo an toàn tài khoản. Bởi trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ tuần cuối tháng 7 khả năng thị trường vẫn còn chịu áp lực khá lớn.
Với nhà đầu tư tiền mặt đang cao, chưa sử dụng vốn vay thì tôi nghĩ họ không cần thiết phải bán tháo bằng mọi giá lúc này. Việc bán tháo trong 1 phiên giảm sàn không là lựa chọn khôn ngoan. Nếu nhà đầu tư đã cân đối tỷ trọng hợp lý thì có thể kiên nhẫn chờ đợi, nhưng cũng cần xem lại danh mục cổ phiếu có phải cốt lõi không, có lành mạnh không. Nếu thị trường về vùng 1.215 điểm thì nhà đầu tư có thể mạnh dạn giải ngân một phần tiền mặt để mua cổ phiếu có sức khỏe đề kháng tốt trong thị trường.
PV: Xin ông đưa ra dự báo kịch bản cho VN-Index trong tuần cuối tháng 7, trong những tháng cuối năm 2021?
Những phiên còn lại của tháng 7 tôi cho rằng thị trường khó kỳ vọng bứt phá mà mong ổn định. Kịch bản tích cực là thị trường rung lắc nhiều, tiêu cực hơn sẽ kiểm tra vùng đáy 1.215 điểm. Tôi vẫn nghiêng về hướng xác suất bảo vệ vùng trên 1.200.
Còn về cuối năm, tôi vẫn giữ quan điểm tích cực. Dịch bệnh rồi cũng được kiểm soát, chiến lược tiêm vắc xin được đẩy mạnh từ tháng 8 tới cuối năm với kỳ vọng 30 -50% người dân được tiêm chủng. Theo đó P/E dự phóng khoảng 17-18 lần tương đương quanh 1.450 – 1.500 điểm.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!