Bản sắc “ngoại giao cây tre”
(Xây dựng) – Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, nếu phải trả lời câu hỏi, ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc nhất trong năm qua là gì, thì sẽ nhận được câu trả lời từ nhiều người: Ấn tượng ngoại giao Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình dự tiệc trà. |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, thì năm 2023, thêm một minh chứng hùng hồn cho nhận định ấy. Cuối tháng 12 vừa qua, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những thành tựu về công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta đã “khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có chính sách đối ngoại độc lập của mình, vì sự phục hưng, phát triển của họ. Trung Quốc có chính sách “ngoại giao láng giềng”, đối nội, đối ngoại đều hướng tới mục tiêu: “Kiên trì thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Mỹ đề ra đường lối đối ngoại trong giai đoạn mới, dựa trên phương châm: “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ” (Thông điệp Liên bang ngày 04/02/2021 của Tổng thống Mỹ Joe Biden). Và Việt Nam chúng ta: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Trở lại năm 2023, hiếm có quốc gia nào, trong vòng 6 tháng được đón hai nguyên thủ của hai cường quốc – Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm cấp Nhà nước. Đặc biệt, Việt Nam – Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. Việt Nam – Mỹ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta đã có 40 chuyến thăm đến các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Đáp lại, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam. Đây thật sự là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước ta. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, có ba nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Bản sắc “ngoại giao cây tre” độc đáo đã hình thành từ lâu đời và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước. Ngược dòng lịch sử, chúng ta nhớ lại rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ bang giao từ gần 300 năm trước. Cái bắt tay qua Thái Bình Dương ấy có từ giai đoạn đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1776. Những năm 1784 – 1789, ngài Thomas Jefferson, Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp đã liên hệ với Triều Nguyễn để xin giống lúa thơm xứ Nam Kỳ về trồng tại quê hương. Thomas Jefferson cũng là người chắp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và sau này trở thành Tổng thống thứ ba của nước này.
Đối với Trung Quốc, quốc gia láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông” có mối quan hệ, gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mối tình thắm thiết Việt – Hoa/ Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Cùng nhau “chia sẻ tương lai”, hai nước đã đề ra những phương hướng cụ thể, toàn diện. Những văn kiện vừa được hợp tác ký kết trong nhiều lĩnh vực sẽ tạo khuôn khổ và đặt những cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác trong giai đoạn mới, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước, trên nguyên tắc “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Chợt nhớ câu nói của Winston Churchill (1874 – 1965), người hai lần giữ cương vị Thủ tướng Vương quốc Anh: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Còn Bác Hồ của chúng ta, với một chiêm cảm lớn, đã đúc kết: “Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?…” (Nói chuyện về công tác đối ngoại tại Bắc Bộ phủ, ngày 09/10/1945). Bác cũng thường nói rằng, bất luận làm công việc gì cũng phải linh hoạt thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sau câu này, còn có câu tiếp theo là “dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (lấy chúng sinh làm tâm của mình). Khi đặt mục đích của người dân lên trên hết, “dĩ công vi thượng” thì sẽ có cách nhìn, thái độ và cách làm đúng.
Kinh nghiệm lịch sử cho ta những bài học thấm thía, khi thế nước lâm nguy, vẫn có thể tìm ra con đường sáng. Nửa cuối thế kỷ XIX, khi Triều đình có xu hướng đóng cửa với bên ngoài, Nguyễn Trường Tộ, một danh sĩ và là nhà cải cách xã hội Việt Nam, cùng các nhà canh tân đất nước đã tìm cách “thiết kế” lại con đường đi của đất nước, bằng cách canh tân, mở cửa. Tháng 5/1863 Nguyễn Trường Tộ đã soạn xong bản Tế cấp luận (Bàn những việc khẩn cấp). Nội dung đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước. Với Tế cấp luận, ông khẳng định: “Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay… Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết”. Làm mới và mở cửa với bên ngoài, tìm đến các quốc gia phát triển nhất thời bấy giờ, đó chính là cách “học khôn” thiên hạ, là đặc sắc trong đường lối ngoại giao của tiền nhân. Học khôn không phải bằng cách xóa mình đi, mà là bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình.
Trở lại với đặc sắc “ngoại giao cây tre”, trở lại với những giá trị truyền thống, chúng ta thêm yêu “làng tôi xanh bóng tre” (Văn Cao); thêm gắn bó những lũy tre biết “hy sinh để bảo vệ con người” (Thép Mới); và biết ơn những cây tre Việt tự ngàn năm “Thân gầy guộc lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi” (Nguyễn Duy). Xa xưa hơn nữa, thiêng liêng hơn nữa là cây tre đằng ngà làng Gióng. Cây tre biết giục cậu bé lên ba lớn nhanh, vươn vai thần Phù Đổng, lên lưng ngựa, nhổ tre thay gậy sắt mà đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đủ bao hàm sự vững chắc và mềm mại, uyển chuyển của cây tre thân thiết làng quê ta. Cây tre, lũy tre “vững ở gốc” là truyền thống tự lực tự cường, là lập trường kiên định, là tinh thần cố kết cộng đồng. “Chắc ở thân” là can trường trước mọi giông bão. “Uyển chuyển ở cành” là sự mềm mại, khôn khéo, không dễ bị gió to vặn gẫy.
Ngày nay, chúng ta cũng thường nói đến sức mạnh của văn hóa, “sức mạnh mềm”. Đó là khả năng đạt được những gì mà một quốc gia mong muốn, thông qua việc gây ảnh hưởng, thu hút, tạo sự hấp dẫn đối với quốc gia khác. Đó là một câu chuyện, một vấn đề rất dài và luôn mới. Mới như mùa Xuân nhân loại có từ triệu năm, nhưng khi nào cũng mây nõn, nhành non, lộc biếc…
Nguồn: Báo xây dựng