Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên: Hiệu quả từ công tác giao khoán bảo vệ rừng

(TN&MT) – Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) được đánh giá khá cao về tính hiệu quả. Để có được kết quả đó, ngoài cố gắng nỗ lực của Ban lãnh đạo, cán bộ… thì các hộ dân được giao nhận khoán rừng đóng vai trò hết sức quan trọng.  

Những hộ dân được nhận giao khoán đất rừng để quản lý tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đang phát dọn và chuẩn bị trồng rừng

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 cho 227 hộ gia đình chia làm 21 nhóm hộ với tổng diện tích giao khoán: 3.441,12 ha. Năm 2021, chi tạm ứng 3 đợt với tổng số tiền: 1.396,9 triệu đồng. Trong năm 2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đã thực hiện công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo nhóm hộ gia đình.

Cùng với đó, hàng tháng vào cuối tháng nhóm trưởng và trạm quản lý bảo vệ rừng ra kế hoạch trực chốt, tuần tra rừng và thông báo trước cho hộ nhận khoán tham gia bảo vệ rừng. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã Nhân Đạo, Đạo Nghĩa, Đắk Sin và Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp.

Theo ông Lê Văn Quang – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, trong những năm qua, đơn vị đã xác định việc giao khoán rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ là nhiệm vụ cốt lõi. Ban lãnh đạo cũng đã cùng với cán bộ phối hợp chặt chẽ với người dân được nhận khoán để cùng tuần tra, kiểm soát xử lý những vụ vi phạm lâm luật với mục tiêu ngăn chặn tối đa các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt thú rừng trái phép. 

Ngoài ra, các hộ được giao khoán cũng được chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần hỗ trợ cho người dân có cuộc sống ổn định hơn, bước đầu đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người kinh nghèo, bảo đảm an ninh. 

“Thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, việc quản lý tài nguyên rừng đã tập hợp được một lực lượng lớn lao động của cộng đồng địa phương tham gia. Mỗi thành viên tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ góp công sức của mình trong việc bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng, hạn chế cháy rừng, khi đó rừng không ngừng tăng về số lượng và chất lượng” – ông Quang cho hay. 

Phút nghỉ chân của cán bộ và người dân cùng phối hợp đi tuần tra rừng tại lâm phần thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

Cũng theo ông Quang, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân được giao khoán về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, để tập thể Ban Quản lý ngày càng được ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ Nhà nước giao và không ngừng nâng cao đời sống của người lao động.

Bên cạnh đó, phối hợp các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng giáp ranh, Ban lâm nghiệp các xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên toàn lâm phận; nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái pháp luật; tăng cường công tác PCCCR theo phương án PCCCR mùa khô năm 2021-2022, hạn chế thấp nhất các xâm hại đến rừng, phấn đấu đạt mục tiêu không để mất rừng.

Bạn cũng có thể thích