Bản lĩnh doanh nghiệp vượt qua thử thách

Bản lĩnh doanh nghiệp vượt qua thử thách

Ông Bùi Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Điện toán và Truyền thông Quốc gia VCCTECH

Kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, phần mềm viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, các dự án chúng tôi hợp tác triển khai trong thời gian vừa qua trọng tâm về lĩnh vực phần mềm ứng dụng trong ngành Giáo dục – Đào tạo, phần mềm quản lý và số hóa thông tin trong các cơ sở Giáo dục và các trường học. Chúng tôi cũng đang xúc tiến các dự án trọng điểm, và sắp tới chúng tôi sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ phần mềm hội tụ đa dạng các tính năng tiêu biểu, ưu việt và các tiện ích vượt trội ứng dụng trong các lĩnh vực Y tế.

Cùng với đó, chúng tôi tư vấn và xây dựng các giải pháp xử lý các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, sản xuất, tích hợp, đào tạo, chuyển giao các hệ thống thông tin và ứng dụng vào các công nghệ khác. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp khác trong thời kỳ đại dịch, nhiều hoạt động của công ty bị chững lại, các dự án đang triển khai phải tạm dừng hoặc hoạt động trong phạm vi hạn chế để đảm bảo phòng, chống dịch. Điều này cũng ảnh hướng tới các đơn vị liên quan trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý hạ tầng trên nền tảng công nghệ của VCCTECH.

Trong thời gian qua, lực lượng nhân viên kỹ thuật buộc phải xử lý dữ liệu khách hàng qua hình thức trực tuyến, dẫn tới việc xử lý chưa được hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đã quay lại làm việc và xử lý dữ liệu trực tiếp, chuẩn bị nhân lực để chạy tiếp các dự án còn dang dở. Chúng tôi vừa duy trì đội ngũ nhân viên cũ và tiếp tục tuyển dụng đội ngũ nhân viên mới, xác định sống chung với dịch để hoàn thành các dự án.

Trong tình hình hiện nay, nếu như các doanh nghiệp không thể quay lại phục hồi sản xuất sớm, sống chung với dịch thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất là cao, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người lao động. Tôi cho rằng, là doanh nhân thời đại dịch, cũng là doanh nhân thời công nghệ số, sống chung với dịch chính là mở ra một nút gỡ cho bản thân chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp.

Bản lĩnh doanh nghiệp vượt qua thử thách

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tảo xoắn Đại Việt, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn DVH

Tinh thần Doanh nhân Việt Nam trong những năm gần đây được Đảng, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện để doanh nhân chung tay, góp sức xây dựng nền kinh tế nước nhà. Trong những thời điểm khó khăn nhất, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành đặc biệt quan tâm tìm mọi giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là những doanh nhân, doanh nghiệp trẻ. Doanh nghiệp nằm trong nhóm Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước đó cũng chính là vấn đề mà cả xã hội quan tâm và lo lắng cho doanh nghiệp, doanh nhân sau đại dịch Covid 19. Việc vượt qua mọi khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19 đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ là cả một vấn đề cần phải bàn và cần phải có những giải pháp hỗ trợ cụ thể từ Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, trong đó báo chí cũng đóng góp một phần khá quan trọng để hỗ trợ và thay mặt các doanh nhân, doanh nghiệp để nói lên những tiếng nói khách quan về khó khăn thực tại và cùng với các cơ quan, ban ngành phối hợp tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Tuy vậy theo quan điểm của chúng tôi, tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp vào lúc này cần phải hết sức chủ động để “Tự cứu lấy mình – Trước lúc trời đến cứu”. Tinh thần, bản lĩnh của doanh nhân lúc này đóng một vai trò vô cùng quan trọng để chèo lái doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn thách thức. Bên cạnh đó, “trong cái khó – ló cái khôn”, rất có thể là cơ hội tuyệt vời cho những doanh nghiệp biết phát huy và tận dụng những thế mạnh vốn có của mình để vươn ra biển lớn và có những thành công rực rỡ sau đại dịch Covid-19.

Tập đoàn Tảo xoắn Đại Việt cũng là một đơn vị vừa mới khởi nghiệp tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn nhất của Covid 19 trong suốt gần 2 năm quan tất cả lãnh đạo Tập đoàn đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt việc tái cơ cấu và tổ chức chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Chính vì vậy đến hiện tại Tập đoàn đã gặt hái được những thành tựu đáng kể đặc biệt là đơn vị tiên phong số 1 tại Việt Nam trong việc sản xuất, kinh doanh Tảo xoắn Spirulina trên quy mô lớn được Liên hiệp hội khoa học Việt Nam công nhận. Bên cạnh đó, Tập đoàn Tảo xoắn Đại Việt còn nhận được 3 danh hiệu cao quý đó là: Giải nhì, Giải thưởng sáng tạo khoa kỹ thuật Việt Nam, được vinh danh vào Sách vàng Việt Nam năm 2021 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về sản xuất, kinh doanh năm 2021.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn chúng tôi trân trọng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công đến toàn thể quý doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2021. Kính chúc quý vị đủ tài năng và bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19.

Bản lĩnh doanh nghiệp vượt qua thử thách

Bà Trần Thị Thương Huyền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Âu Cơ

Tôi cho rằng, mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra “Vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh” là hoàn toàn chính xác. Doanh nghiệp không thể rơi vào trạng thái ngủ đông, vì chúng ta sẽ đánh mất thị trường và cơ hội kinh doanh. Thời điểm hiện tại, chủ trương “sống chung với dịch bệnh” là đúng đắn và cởi mở, nhất là trong bối cảnh không thể hết dịch hoàn toàn. Các doanh nghiệp cần ổn định để hoạt động, tạo việc làm cho người lao động và duy trì được mạch sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tổ chức chuỗi cung ứng, đây là mấu chốt quan trọng nhất để thiết kế và ổn định sản xuất.

Cùng với đó, doanh nhân cần nắm bắt ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh hay chuyển đổi số doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 luôn rình rập. Đơn vị chúng tôi đã và đang thay đổi nhận thức ngay từ người lãnh đạo đến các vị trí nhân sự nòng cốt, nhân viên cho đến lái xe, bảo vệ. Chúng ta phải tập trung thay đổi tư tưởng để toàn thể doanh nghiệp đồng thuận việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất, kinh doanh theo xu thế của xã hội. Là một đơn vị sản xuất kinh doanh ngành dược phẩm, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng mới, xác định “sống chung với dịch” cho nên trong thời gian qua, Âu Cơ vẫn tiếp tục có những tăng trưởng nhất định.

Bản lĩnh doanh nghiệp vượt qua thử thách

Bà Phạm Nguyễn Anh Thư – Quản lý Bộ phận Hỗ trợ Nhà bán hàng Lazada Việt Nam

Khi nhìn vào bức tranh tổng thể thì Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế số. Theo một nghiên cứu thị trường, năm 2020 thì vào năm 2015, tổng doanh thu về thương mại điện tử chỉ đạt 5 tỷ đô la Mỹ, nhưng chỉ sau 5 năm, năm 2020, tổng doanh thu đã đạt 62 tỷ. Nghĩa là gấp hơn 12 lần.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 thì nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao, đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà bán hàng có thể chuyển đổi số lên thương mại điện tử. rất nhiều doanh nghiệp, nhà bán hàng đã xây dựng được thương hiệu trên nền tảng số và đạt được rất nhiều thành tựu ấn tượng trong thời gian vừa qua.

Theo tôi, việc kinh doanh online cũng như các việc kinh doanh khác đều cần có sự đầu tư đúng đắn để thành công. Bản thân tôi và đội ngũ bán hàng của Lazada khi tiếp xúc với các doanh nghiệp trên sàn của mình đã được truyền cảm hứng về tinh thần học hỏi, sự đam mê và nỗ lực đầu tư tâm huyết, cháy hết mình với công việc kinh doanh.

Thế nhưng có một thực trạng rằng vai trò, vị trí của các nhà bán hàng trên thương mại điện tử chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, đâu đó trong cộng đồng vẫn còn những quan điểm cũ về hình tượng về người kinh doanh online khiến cho một số nhà bán hàng khi nói về công việc của mình có cảm giác kém tự tin hoặc e dè.

Đứng trước thực trạng đó, Lazada với vai trò là sàn thương mại điện tử luôn đồng hành cùng nhà bán hàng. Với nỗ lực của mình, chúng tôi hy vọng sẽ góp tiếng nói đưa công việc kinh doanh online về đúng vị trí xứng đáng. Kinh doanh online không đơn thuần là một công việc mà còn là một nghề nghiệp đáng qúy, đáng tự hào và được trân trọng.

Nhóm PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích