Ban hành quy chuẩn về an toàn trong thi công xây dựng
Thông tư số 16/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20/6/2022 và thay thế Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 05/9/2014, ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “An toàn trong xây dựng”, mã số QCVN 18:2014/BXD.
Theo đó, Quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng. Đáng chú ý, Quy chuẩn mới đã bổ sung các yếu tố có hại ảnh hưởng đến người lao động và buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người lao động đối với các công việc mà người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố hoặc nguy cơ gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động theo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và y tế. Các yếu tố có hại cho sức khỏe bao gồm 06 nhóm chính: Vi khí hậu bất lợi; vật lý (ví dụ: tiếng ồn, rung động); bụi các loại; các chất, hóa chất, hơi khí độc; tâm sinh lý và ec-gô-nô-my; tiếp xúc nghề nghiệp.
QCVN 18:2021/BXD cũng có quy định rõ về chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Cụ thể, tại công trường, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động phải thiết lập bộ phận y tế hoặc cung cấp quyền sử dụng cơ sở y tế (hoặc dịch vụ y tế) phù hợp với đặc điểm công việc, nghề nghiệp và đảm bảo điều kiện theo các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và y tế. Người lao động phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ và được giám sát để đảm bảo sức khỏe phù hợp với loại công việc được giao; người lao động không làm việc từ 06 tháng trở lên ở công trường.
Ảnh minh hoạ
Căn cứ vào đặc điểm công việc, điều kiện và môi trường làm việc trên công trường, công trình, người lao động phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, trong đó một số nội dung cần chú ý:
Mũ bảo hiểm hoặc mũ cứng để bảo vệ đầu do vật rơi, bay vào hoặc va chạm với các vật thể xung quanh. Kính bảo vệ trong suốt hoặc có màu, màn che, tấm chắn mặt hoặc phương tiện phù hợp khác khi có khả năng bị tổn thương mắt hoặc mặt do: Bụi, các vật nhỏ hoặc chất, hóa chất nguy hiểm bắn vào; nhiệt độ cao, ánh sáng hoặc bức xạ khác. Một số công việc thường có nguy cơ gây tổn thương mắt hoặc mặt như hàn (cắt) bằng ngọn lửa; cắt gạch, đá, sắt; đục, khoan, phá đất đá; bắn đinh; trộn bê tông, vữa; tháo dỡ ván khuôn; phá dỡ kết cấu;
Các loại găng tay, quần áo bảo hộ phù hợp, kem bảo vệ da để bảo vệ tay hoặc toàn bộ cơ thể khi tiếp xúc, thao tác hoặc xử lý với: Vật, chất có nhiệt độ cao, bức xạ nhiệt; chất, hóa chất nguy hiểm. Giày, ủng phù hợp để bảo vệ chân khỏi nguy cơ chấn thương do: Vật, dụng cụ sắc nhọn; vật rơi, đổ; vật, chất có nhiệt độ cao; chất, hóa chất nguy hiểm; di chuyển trên các bề mặt nguy hiểm, trơn trượt.
Phương tiện để bảo vệ đường hô hấp khi biện pháp thông gió hoặc các biện pháp khác không đủ để đảm bảo an toàn cho hoạt động hô hấp. Phương tiện bảo vệ đường hô hấp phải phù hợp với đặc điểm của môi trường làm việc như: Có các loại bụi, khói, khí thải; chất, hóa chất nguy hiểm loại dễ bay hơi hoặc hơi xăng, dầu trong không khí.
Phương tiện bảo vệ thính lực tại các khu vực có tiếng ồn cao; quần áo không thấm nước, mũ bảo vệ có trùm đầu khi làm việc trong điều kiện thời tiết bất lợi (ví dụ: khi làm việc dưới mưa). Dây an toàn, dây cứu sinh độc lập (trong trường hợp không thể bố trí được sàn công tác, giàn giáo).
Bảo Lâm