Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – Phần truy nhập vô tuyến
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã nghiên cứu ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 117:2023/BTTTT) nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về quy hoạch băng tần cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý thiết bị đầu cuối thông tin di động 2G, 3G, 4G theo thực tế triển khai mạng lưới tại Việt Nam.
Cụ thể, QCVN 117:2023/BTTTT có nhiều điểm mới so với QCVN 117:2020/BTTTT. Đáng chú ý là các thông số “Độ nhạy bức xạ tổng cộng của máy thu (TRS)”; “Công suất bức xạ tổng cộng (TRP)” và “Yêu cầu VoLTE” trong “Quy định kỹ thuật”. Ngoài ra còn có các điểm mới về “Độ nhạy bức xạ tổng cộng của máy thu (TRS)”; “Công suất bức xạ tổng cộng (TRP)” trong “Phương pháp đo”.
“Độ nhạy bức xạ tổng cộng của máy thu (TRS)”. Yêu cầu kỹ thuật này áp dụng đối với các UE có kích thước lớn hơn hoặc bằng 56mm và nhỏ hơn hoặc bằng 72mm. Giá trị trung bình độ nhạy bức xạ tổng cộng đo được của các kênh thấp, giữa và cao đối với UE cầm tay phải nhỏ hơn giá trị TRS trung bình quy định trong Bảng 39. Việc lấy giá trị trung bình phải được thực hiện theo thang tuyến tính đối với các kết quả TRS cho phía trái và phía phải đầu mô hình. Giới hạn TRS trung bình được thể hiện trong cột “Giá trị trung bình” của bảng dưới đây:
Bảng giới hạn giá trị TRS tối thiểu.
“Công suất bức xạ tổng cộng (TRP)”. Điều kiện ban đầu được quy định tại ETSI TS 137 544, mục 6.1.5.4.1 đối với FDD và 6.1.6.4.1 đối với TDD. Thủ tục đo được quy định tại ETSI TS 137 544, mục 6.1.5.4.2 đối với FDD và 6.1.6.4.2 đối với TDD. Trong trường hợp thiết bị hỗ trợ các tính năng thích ứng cho phép điều chỉnh động khối thu phát vô tuyến phần tương tác với người dùng và điều chỉnh công suất TX để đạt hiệu suất tối ưu trong vùng hoạt động, mẫu đo phải đại diện cho cấu hình thiết bị được sử dụng bởi người dùng trong khu vực đó.
Việc này có thể bao gồm cài đặt giá trị MCC hoặc một tham số khác được sử dụng trong vùng đó. Đối với thiết bị hỗ trợ chuyển mạch ăng ten phát sử dụng hệ thống nhiều ăng ten TX, TRP phải được đo cho từng ăng ten phát riêng lẻ. Ăng ten có TRP lớn hơn được sử dụng để đánh giá đạt/không đạt. Thủ tục đo, phương pháp buồng đo phản xạ quy định tại ETSI TS 137 544, mục 6.1.5.4.3 đối với FDD và 6.1.6.4.3 đối với TDD.
Bảng giới hạn giá trị TRP tối thiểu.
Quy định quản lý và tổ chức thực hiện
Đối với quy định quản lý, QCVN 117:2023/BTTTT quy định thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất GSM, W-CDMA, E-UTRA thuộc phạm vi điều chỉnh trong mục 1.1 phải tuân thủ quy định kỹ thuật trong quy chuẩn. Tần số hoạt động của thiết bị phải tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam. Việc đo kiểm đối với yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn để thực hiện về chứng nhận, công bố hợp quy phải thực hiện theo các quy định hiện hành.
Đối với các yêu cầu kỹ thuật nêu tại mục 2.2.12, 2.2.13, B.2.2.18 và B.2.2.19, các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng kết quả đo kiểm, thử nghiệm của phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận, hoặc các phòng thử nghiệm trong nước và ngoài nước được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, hoặc kết quả đo kiểm/thử nghiệm của nhà sản xuất. Phương tiện, thiết bị đo phải tuân thủ các quy định hiện hành.
Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy các thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy chuẩn này (trừ các yêu cầu tính năng VoLTE) và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định hiện hành. Tổ chức, cá nhân thực hiện công bố hợp quy với yêu cầu VoLTE đối với máy điện thoại di động phải sử dụng công nghệ E-UTRA.
Khánh Mai