Bán hàng livestream: Làm sao để trở thành kênh kết nối khách hàng hiệu quả?

Kênh bán hàng hiệu quả

Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử hiện nay, không khó để bắt gặp hàng loạt bài đăng, livestream bán các sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong đó, phổ biến nhất là các hoạt động bán hàng nông sản.

Thực tế, năm 2023, thị trường nông sản online bùng nổ với nhiều phiên livestream “chục tấn” như 72 tấn cam ở Nghệ An, 50 tấn vải ở Bắc Giang, 23 tấn bí xanh ở Bắc Kạn… Những con số “khủng” kể trên đã góp phần tăng niềm tin vào hình thức bán hàng mới của người nông dân.

Bán hàng livestream: Làm sao để trở thành kênh kết nối khách hàng hiệu quả?
Hoạt động livestream bán các sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm ngay trên môi trường online.

Đáng chú ý, sau các sự kiện này, nhiều người đã học cách thực hiện một phiên livestream từ cách nói chuyện, giới thiệu hàng hóa cho đến công nghệ. Là một trong những người mới “lấn sân” vào livestream bán hàng, bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Công ty Hoa quả Phương Toản chia sẻ, ý tưởng xây dựng trang Fanpage Hoa quả Phương Toản, kênh TikTok Phương Toản Long Biên được hình thành năm 2023. Thời điểm đó, đều đặn mỗi ngày, Hoa quả Phương Toản livestream 3 buổi, thu hút hàng nghìn lượt xem. Với lối chia sẻ dí dỏm, chân thật, mộc mạc, từng sản phẩm hoa quả được giới thiệu đến người tiêu dùng qua livestream.

Trong những buổi livestream, bà Nguyễn Thị Phương đã kết hợp giới thiệu các loại hoa quả cùng những mẹo phân biệt, cách chọn hoa quả ngon. Nhờ sự khéo léo lồng ghép này, sản phẩm của bà đã tiếp cận được khách hàng với mức giá phải chăng.

Tương tự, chọn thế mạnh là sản phẩm quần áo trẻ em, chị Hoàng Thị Chiên (quận Hà Đông) cũng thường xuyên tiếp cận khách hàng của mình qua các phiên livestream. Với hình thức này, chị không chịu “sức ép” phải thuê mặt bằng nên giá cả đến tay người tiêu dùng cũng hợp lý hơn, đối tượng khách hàng cũng đa dạng mọi độ tuổi.

Hướng về người tiêu dùng

Để thúc đẩy phong trào livestream bán hàng nông sản, các địa phương đang tích cực nhập cuộc với những chương trình hỗ trợ cụ thể. Điển hình như tỉnh Sơn La mới đây đã tổ chức tập huấn kỹ năng livestream cho nông dân, giúp họ tiếp cận thị trường trực tuyến một cách hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh trước đó cũng đã tổ chức phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam, kết hợp bán hàng trực tuyến và trực tiếp, thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng. Livestream bán hàng không chỉ là xu hướng hiện tại mà còn là tương lai của thị trường nông sản Việt.

Theo tìm hiểu từ phía Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phương thức bán hàng trực tiếp mang lại nhiều lợi ích, giúp người tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu khi lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, bán hàng trực tiếp còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí để tiếp cận nguồn hàng hóa. Bởi hàng hóa được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, nên người tiêu dùng không cần phải di chuyển đến tận nơi để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ, từ đó tiết kiệm chi phí cũng như thời gian. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch Covid-19, việc cung cấp hàng hóa trực tiếp đã giúp người tiêu dùng vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân, vừa bảo đảm giãn cách theo quy định của cơ quan nhà nước.

Dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên livestream vẫn tiềm ẩn những rủi do, trong đó không ít những hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém mà không có kiểm soát đã tràn ra thị trường. Hơn nữa, hoạt động sử dụng các trang thương mại điện tử, ứng dụng điện tử, các trang mạng xã hội để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok… với địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư hoặc từ tỉnh ngoài… khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh.

Bán hàng livestream: Làm sao để trở thành kênh kết nối khách hàng hiệu quả?
Bên cạnh hoạt động livestream, hiện các sản phẩm chủ yếu vẫn được người tiêu dùng tìm mua ở các siêu thị và cửa hàng uy tín.

Để bảo vệ người tiêu dùng, theo tìm hiểu các ngành chức năng đang từng bước thiết lập các “hàng rào” pháp lý liên quan. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới, như: Livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới…

Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng… được xác định cụ thể, giúp xử lý vi phạm cụ thể hơn.

Ngoài ra, năm 2024, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” với thông điệp “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” tiếp tục được triển khai nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được Bộ Công Thương xác định là: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm”.

Rõ ràng, việc bán hàng livestream là “lối ra” tiềm năng, đưa các sản phẩm tiếp cận gần hơn tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok… phát triển nhưng quyền lợi của người tiêu dùng vẫn được đảm bảo thì cần nhiều hơn tới ý thức, trách nhiệm của người bán; đồng thời cần sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích