Ban Bí thư triển khai Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM
Nghị quyết 31 sẽ tạo điều kiện TP.HCM phát triển bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, KHCN, hội nhập và có vị trí nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Khu vực trung tâm TP.HCM dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Chí Hùng. |
Sáng 16/1, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định Nghị quyết 31 đã xác định quan điểm và mục tiêu, sứ mệnh của TP.HCM.
“Chúng ta không so sánh TP.HCM với cả nước mà so sánh với các thành phố lớn khác trên thế giới. TP.HCM phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu và tầm nhìn đã nêu trong Nghị quyết 31”, ông Nên nhấn mạnh và nhìn nhận Nghị quyết 31 sẽ tạo điều kiện thuận lợi đưa TPHCM phát triển.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh với tính chất, vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM, Bộ Chính trị luôn quan tâm, có nhiều nghị quyết về phát triển thành phố.
Theo ông Thưởng, TP.HCM cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghị quyết,với tinh thần, thái độ quyết liệt, chủ động, năng động, sáng tạo, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
“Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này phải tạo chuyển biến thực sự, kết quả cụ thể, trước mắt phải giải quyết tốt vấn đề ngập úng, an ninh, an toàn, trật tự đô thị… phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo bước tiến mới trong sự phát triển của thành phố”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thường trực Ban Bí thư lưu ý TP.HCM phải phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 31, TP.HCM xác định tập trung 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cơ cấu lại tổng thể kinh tế thành phố đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Với mục tiêu thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách ưu đãi và xúc tiến đầu tư nhằm chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài; đồng thời thực hiện Đề án huy động nguồn lực đầu tư xã hội; Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn.
Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM cũng xác định phát triển TP Thủ Đức dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của TP.HCM.
TP.HCM tiếp tục xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới. Cụ thể như chương trình phát triển nhà ở gắn với cơ bản giải quyết dứt điểm nhà ở ven kênh rạch, chung cư cũ xuống cấp; chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng; phát triển không gian ngầm…
Quận 1 là trung tâm tài chính sôi động nhất của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó có giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nghị quyết 31 nêu rõ TP.HCM phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, có nguồn năng lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tăng trưởng bình quân của TP.HCM đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.5000 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Nguồn: Báo xây dựng