Bài toán vỉa hè và kế sinh nhai của người dân Thủ đô
(Xây dựng) – Vỉa hè từ lâu đã gắn với cuộc sống của người dân Thủ đô. Đây vừa là nét đặc biệt trong du lịch, cũng là một phần quan trọng của nền kinh tế. Giải quyết bài toàn vỉa hè và hài hòa lợi ích đôi bên là vấn đề mà các bên quan tâm.
Vỉa hè hiện là nơi người dân để xe máy, kinh doanh, buôn bán. |
Dẹp rồi… đâu lại vào đó
Sau khi Thành phố Hà Nội ra chỉ thị “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”, chính quyền các quận, huyện đã ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Theo đó, lực lượng chức năng phải liên tục tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm.
Đa phần tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định đang diễn ra phổ biến ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên. Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đua nhau bày bán hàng hoá, bàn ghế, lập bãi gửi xe… tràn lan trên vỉa hè.
Theo quan sát, các cửa hàng tranh thủ lấn chiếm một phần vỉa hè để bày hàng, phần còn lại của vỉa hè được dùng để đỗ xe cho khách, hoàn toàn không còn khoảng trống nào cho người đi bộ. Do đó, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường do vỉa hè quá hẹp, rất nguy hiểm.
Không chỉ xe máy, ôtô cũng đang lấn chiếm vỉa hè. Vốn là nơi dành cho người đi bộ, giờ đây nhiều vỉa hè trở thành nơi để ôtô đỗ la liệt, cày nát đá vỉa hè. Để lách luật, nhiều tài xế sẵn sàng đỗ xe theo kiểu một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường.
Ban đầu khi mới được cơ quan chức năng nhắc nhở, người dân có phần hợp tác, dọn dẹp gọn gàng và làm sạch vỉa hè. Tuy nhiên, ngay khi lực lượng này vừa đi qua thì các quán ăn lại tiếp diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bất chấp các quy định, họ ngang nhiên bày bán các mặt hàng giày dép, quần áo, bàn ghế ăn uống tràn lan, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Chị Nguyễn Thị Hoa, sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết, việc dẹp vỉa hè diễn ra rầm rộ rồi một thời gian sau lại tái diễn, không thay đổi.
“Hà Nội đã có nhiều đợt ra quân xử lý giành lại vỉa hè trong nhiều năm qua. Cứ có đội tới dẹp xong rồi đâu lại vào đó. Tình trạng này không thể biến mất hay xử lý hết được, khi mà việc buôn bán trên vỉa hè là kế sinh nhai của rất nhiều người”, chị Hoa nói.
Anh Nguyễn Văn Hùng là chủ quán ăn nhỏ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Anh Hùng cho biết, việc kinh doanh buôn bán của gia đình anh phụ thuộc vào vỉa hè.
“Nhiều năm qua gia đình tôi đã kinh doanh, buôn bán mà có sử dụng vỉa hè. Bây giờ khách cũng không được ngồi mà chỗ để xe cũng không có luôn. Giờ cấm đỗ xe trên vỉa hè nhưng lại không thiết lập các điểm trông giữ gần khiến nhiều người mua thấy phiền mà bỏ đi, rất ảnh hưởng đến kinh doanh của tôi và có thể của rất nhiều người”, anh Hùng bày tỏ.
Tìm kiếm những giải pháp
Bài toán về vỉa hè đã tồn tại nhiều năm qua, nhiều người băn khoăn đâu là cách tốt nhất để cân bằng giữa trật tự giao thông, mỹ quan đô thị với cuộc sống của những người dân. Bởi vì vỉa hè cũng là nơi mưu sinh của rất nhiều người lao động. Thậm chí, nhiều gia đình phụ thuộc vào vỉa hè là nơi kiếm sống.
Ngồi trà đá vỉa hè, mua hàng rong vốn là thói quen của người dân Thủ đô. |
Về phía người dân, họ đều mong muốn được giữ lại những giá trị từ kinh tế vỉa hè mang lại. Chị Nguyễn sống tại quận Long Biên cho rằng: “Nếu thiếu hàng quán vỉa hè, Hà Nội có thể mất đi một nét đẹp rất riêng, gắn bó với nhiều thế hệ người Thủ đô. Tôi nghĩ rằng, mặc dù một số hàng quán có thể gây mất mỹ quan đô thị nhưng nếu bỏ hẳn hay xóa sổ các hàng quán vỉa hè thì rất tiếc. Du khách trong và ngoài nước rất yêu thích nét đặc biệt này của nước mình”.
Là người dân sinh sống tại phố cổ nhiều năm, ông Trương Văn Hoàng cho biết, không thể xóa sổ việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, mà nên tìm cách sống chung với điều đó.
“Kinh tế vỉa hè tồn tại từ nhiều năm về trước, là nghề để mưu sinh của người dân. Việc buôn bán, mua và trao đổi hàng hóa ngay trên vỉa hè cũng đã dần biến thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện lợi của nó. Chỉ cần một bước ra đường, dựng xe lên vỉa hè là người dân dễ dàng chọn mua được mọi mặt hàng thiết yếu mà không cần ra chợ hay siêu thị. Điều này vừa có giá trị về mặt kinh tế, cũng là một điểm thu hút về du lịch”, ông Hoàng nói.
Còn theo các chuyên gia, cần phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp hài hòa cho cả phía chính quyền và cho chính người dân. Bởi lẽ giải bài toán vỉa hè không chỉ là giải bài toán trật tự đô thị mà còn là bài toán nhân văn, nhất là với người nghèo, người có cuộc sống nhờ vào vỉa hè. Theo đó, thay vì thường xuyên ra quân, xử lý vi phạm, các bên nên tìm ra những hướng đi đúng đắn và linh hoạt hơn, có thể tính đến các biện pháp như cho thuê vỉa hè; thêm các quy định buôn bán theo thời điểm; dành quỹ đất trống để buôn bán hàng rong…
Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả hay không cũng cần phải xét đến trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Muốn giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì trước hết mỗi người dân phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, không nên biến vỉa hè là của mình. Việc kết hợp để mưu sinh trên vỉa hè vẫn có thể có nhưng phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về thời gian, địa điểm, các hoạt động cụ thể.
Bên cạnh đó, chính quyền, cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của người dân; cần quyết liệt hơn nữa trong việc ban hành các quy định cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về việc sử dụng vỉa hè sao cho đúng nhất; cần phải tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân, đặc biệt là những người nghèo. Nếu các giải pháp này được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ và có lộ trình, việc giữ được trật tự vỉa hè của Hà Nội có thể làm được và bền vững.
Nguồn: Báo xây dựng