Bài học quản lý nước sạch từ Singapore
Bài học quản lý nước sạch từ Singapore
Khi nguy cơ khan hiếm nước do tình trạng lãng phí và ô nhiễm đang đe dọa thế giới, những giải pháp hiện tại chỉ mới dừng ở ý tưởng, thì Singapore đã trở thành hình mẫu, đem đến cho các quốc gia khác bài học về xử lý nguồn nước.
Là một hòn đảo nhỏ nằm ở Đông Nam Á, Singapore là một trong những quốc gia có mật độ dân số đông nhất hành tinh. Trong những thập kỷ gần đây, hòn đảo này cũng đã chuyển đổi thành một trung tâm kinh doanh quốc tế hiện đại với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Sự bùng nổ dân số đã khiến lượng nước tiêu thụ của đất nước tăng hơn 12 lần kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ Malaysia vào năm 1965 và nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Không có tài nguyên nước tự nhiên, quốc gia này phải dựa vào nhập khẩu từ nước láng giềng Malaysia thông qua một loạt thỏa thuận cho phép mua nước với giá rẻ từ sông Johor của quốc gia này. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm 2061 và chưa chắc đã được gia hạn.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu, khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng, dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh nguồn nước.
“Đối với chúng tôi, nước không phải là món quà vô tận của thiên nhiên. Đó là một nguồn tài nguyên chiến lược và khan hiếm”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tại lễ khai trương cơ sở xử lý nước vào năm 2021.
“Chúng tôi luôn vượt qua các giới hạn về tài nguyên nước của mình. Và việc sản xuất thêm mỗi giọt nước ngày càng khó khăn hơn và ngày càng tốn kém hơn”, ông nói.
Để tìm kiếm giải pháp cho tình trạng căng thẳng về nước, chính phủ Singapore đã dành nhiều thập kỷ để phát triển một kế hoạch tổng thể tập trung vào cái mà họ gọi là bốn “vòi nước quốc gia”: trữ nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu.
Trên khắp hòn đảo, Singapore thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất. Singapore được công nhận là nhà tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước.
Năm nhà máy khử muối sản xuất nước uống bằng cách đẩy nước biển qua màng để loại bỏ muối hòa tan và khoáng chất, hoạt động trên khắp hòn đảo, tạo ra hàng triệu gallon nước sạch mỗi ngày.
Một chương trình tái chế nước thải quy mô lớn sẽ lọc nước thải thông qua quá trình lọc vi mô, thẩm thấu ngược và chiếu xạ tia cực tím, bổ sung vào các bể chứa nước uống.
Được mệnh danh là “NEWater”, nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% lượng nước cho Singapore và chính phủ hy vọng sẽ tăng công suất lên 55% nhu cầu trong những năm tới.
Để giúp xây dựng niềm tin của người dân vào sự an toàn, cơ quan nước quốc gia Singapore đã hợp tác với một nhà máy bia thủ công địa phương để tạo ra dòng bia làm từ nước thải đã qua xử lý.
Harry Seah, Phó giám đốc điều hành hoạt động tại PUB, Cơ quan Nước Quốc gia Singapore, cho biết: “Chúng tôi sử dụng dữ liệu thời gian thực để quản lý nước mưa. Tất cả lượng nước này sẽ đi đến bến du thuyền và các hồ chứa”.
Phương pháp này đã giúp một trong những quốc gia căng thẳng nhất về nước trên thế giới đảm bảo tương lai về nước của mình. Những đổi mới của đất nước này đã thu hút sự chú ý của các quốc gia khan hiếm nước khác đang tìm kiếm giải pháp.
Năm 2006, chính phủ đã phát động Chương trình Nước sạch, Đẹp, Năng động, nhằm biến hệ thống nước thành các khu vực phục vụ hoạt động công cộng.
Thông qua chương trình, người dân có thể chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài và dã ngoại trên các hồ chứa nước, mang lại cảm giác sở hữu và giá trị cao hơn đối với nguồn cung cấp nước của đất nước.
Một số cơ sở cung cấp nước hiện có không gian xanh công cộng trên mái nhà, nơi công chúng có thể dã ngoại giữa những bãi cỏ xanh tươi lớn.
Ở trường học, trẻ em được dạy về những thực hành tốt nhất để sử dụng và bảo tồn nước. Các trường học tổ chức các bài tập mô phỏng về việc phân phối nước trong đó các vòi nước sẽ bị khóa và học sinh lấy nước vào thùng.
Cộng đồng quốc tế cũng đã khai thác sự đổi mới về nước của Singapore. Đất nước này đã trở thành trung tâm công nghệ nước toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu và tổ chức Tuần lễ Nước Quốc tế hai năm một lần.
Công nghệ nước được phát triển và sử dụng ở Singapore, như bộ lọc nước di động, công nghệ kiểm tra nước và công cụ quản lý lũ lụt, đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia và Nepal.
Nhưng không phải tất cả các giải pháp được sử dụng ở Singapore đều phù hợp với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị