Bài học phong tỏa nhìn từ Australia và Newzealand

Bài học phong tỏa nhìn từ Australia và Newzealand

MTĐT –  Thứ tư, 08/09/2021 10:45 (GMT+7)

Nhiều quốc gia đang dần thực hiện các biện pháp phong tỏa khác nhau thay cho chiến lược “Không COVID-19” nhằm mở cửa lại nền kinh tế.

Người dân New Zealand đã được ra đường tại một số khu vực đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa
Người dân New Zealand ra đường tại một số khu vực đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Mới đây, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng, chống COVID-19 trên cả nước, ngoại trừ ở thành phố Auckland, trong bối cảnh nước này đang tiến tới thoát khỏi một đợt bùng phát biến thể Delta.

Cụ thể, 1,7 triệu người dân ở Auckland – “tâm dịch” của New Zealand, sẽ vẫn phải thực hiện mức độ phong tỏa hoàn toàn cấp 4 ít nhất đến ngày 14/9. Chỉ những hoạt động và dịch vụ thiết yếu được mở cửa. Cũng như chỉ những người dân làm trong những lĩnh vực này mới được tới chỗ làm.

Người dân tại Auckland được yêu cầu ở yên trong nhà, trừ khi ra ngoài phục vụ các nhu cầu cần thiết của cá nhân, bao gồm cả việc tập thể dục, đi mua thực phẩm…

Các địa phương còn lại giảm trạng thái cảnh báo từ mức 3 xuống mức 2. Theo đó các trường học, văn phòng, doanh nghiệp tại các vùng này được mở cửa trở lại, việc đi lại giữa các vùng cũng sẽ nối lại.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc bên trong hầu hết các địa điểm công cộng, trong đó có cửa hàng và trung tâm thương mại. Các buổi tiệc trong nhà sẽ giới hạn tối đa 50 người tham dự, ở ngoài trời giới hạn 100 người.

Tương tự như New Zealand, việc phong tỏa theo 4 cấp độ cũng được chính phủ Australia áp dụng. Tại bang New South Wales, với những khu vực đang áp dụng lệnh phong tỏa thì người dân được yêu cầu ở trong nhà.

Người dân chỉ được ra khỏi nhà với 6 lý do: Mua thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ trong bán kính 5km tính từ nơi ở; đi học nếu không thể học ở nhà; tham dự cuộc phỏng vấn liên quan đến công việc mà không thể thực hiện tại nhà; tập thể dục trong bán kính 5km kể từ nhà; các lý do y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khác hoặc đi tiêm vaccine; đi làm những công việc không thể thực hiện từ nhà.

Đặc biệt, để được cấp giấy đi lại trong khu phong tỏa, người dân sẽ phải truy cập vào tài khoản cá nhân trên trang của chính quyền bang New South Wales, và khai báo các thông tin về tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi cần đến, lý do và thời gian đi lại.

Sau đó ngay lập tức giấy đi đường sẽ được tạo và người dùng có thể tải xuống điện thoại. Trong giấy đi đường này sẽ có 1 mã QR và các thông tin như đã khai báo để người sử dụng có thể tải xuống điện thoại và sử dụng trong quá trình di chuyển. Cảnh sát sẽ chỉ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên để quét mã QR này và kiểm tra những thông tin cần thiết.

Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cấp phép đi làm cho người lao động không đúng quy định sẽ bị phạt 21.808 USD (khoảng 370 triệu VNĐ) đối với cá nhân và 109,044 USD (khoảng 1,8 tỉ VNĐ) với doanh nghiệp.

thành phố Brisbane, Australia
Thành phố Brisbane, Australia cũng đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Các chuyên gia nhận định, việc thực hiện nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa cho phép các quốc gia tái khởi động các hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh tế trong khi nhanh chóng tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Theo Paul Hunter, nhà vi sinh học và là giáo sư tại Đại học East Anglia, Anh đánh giá, các quốc gia có thể mở cửa theo từng mức độ tại các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao.

“Hầu hết các quốc gia đều không muốn quay lại việc phong tỏa hạn chế do những tổn thất kinh tế kéo dài. Vì thế, chúng ta phải dựa vào các hàng rào phòng thủ theo từng lớp, song song với đẩy mạnh tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng”, chuyên gia này cho biết.

Mặc dù vậy, về lý thuyết, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã làm các quốc gia chuyển dần sang cách quản lý bệnh bền vững với những chiến lược không yêu cầu áp đặt các lệnh phong tỏa quá chặt chẽ và tốn kém. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sống chung với COVID-19 phức tạp hơn nhiều.

Các biện pháp y tế công cộng khác như kiểm tra tiếp xúc và cách ly nhanh chóng các ca nhiễm mới vẫn sẽ là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của virus. Việc không thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả để ngăn chặn dịch bùng phát có thể nhanh chóng gây áp lực lên các hệ thống y tế như đã xảy ra ở nhiều quốc gia vào tháng Bảy.

Nói cách khác, sống chung với COVDI-19 có thể rất tốn kém. Mức độ phơi nhiễm càng cao thì rủi ro càng lớn. Với hệ thống y tế của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam vẫn còn mỏng manh, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể là thảm họa./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích