Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Khẳng định văn hóa, chủ quyền Việt Nam từ góc nhìn môi trường biển – Bài 2: Giải mối nguy cơ hiện hữu
(TN&MT) – Rác và rác biển, mối nguy cơ vẫn đang hiện hữu hàng ngày và Việt Nam không nằm ngoài mối nguy cơ ấy.
Môi trường Việt Nam nói chung, biển Việt Nam nói riêng chịu sự “bức tử” của tổng hợp các loại rác mà phần lớn là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp… sinh ra từ hoạt động của con người. Bên cạnh sự cố gắng của Nhà nước, các tổ chức, hội nhóm và cá nhân để làm sạch biển, thì ý thức xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng môi trường biển trở thành thói quen đã phần nào xóa đi những cố gắng trên.
Rác “Thạch Sanh”
Tôi đã chứng kiến nhiều phong trào, chương trình, hoạt động làm sạch môi trường biển ở các bãi biển nước ta… Phong trào nào, cuộc ra quân nào cũng để lại ấn tượng, mang ý nghĩa thân thiện và giá trị với môi trường biển, thu hút được khá đông các thành phần tham gia. Ví dụ, chỉ cần có một tổ chức, đơn vị phát động phong trào thì y rằng, sẽ có rất nhiều người đăng ký hoặc tại nơi diễn ra hoạt động đó, nhiều người vô tình chứng kiến sẽ chủ động tham gia cùng mọi người. Đó là những hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần làm sạch rác ven bờ đồng nghĩa với làm sạch môi trường biển.
Tuy nhiên, có một thực tế xảy ra là ô nhiễm từ rác vẫn tồn tại và nguyên nhân cơ bản lại… đều do con người xả rác ra. Tức là, cũng chính trên bãi biển vừa được dọn sạch sẽ hôm trước thì ngay ngày hôm sau, rác đã lại xuất hiện và chỉ cần một vài ngày không dọn dẹp, tình trạng rác vất vưởng đầy bãi biển lại tái diễn. Nguy hiểm nhất là trong số rác đó phần nhiều là túi ni lông, vỏ bánh kẹo và chai nhựa, những sản phẩm nhựa không chỉ khó phân hủy trên đất liền mà khi trôi nổi ra biển, nó sẽ là mối đe dọa đối với các sinh vật biển; trong quá trình tương tác, rác thải nhựa sẽ sinh ra các hạt vi nhựa và dễ dàng đi vào cơ thể con người qua con đường thức ăn từ biển. Đó là một thực tế đáng báo động, một mối nguy cơ bắt nguồn từ rác, và rác lại chính là mối nguy cơ bắt nguồn từ con người.
Người dân vô tư đổ chất thải xuống biển |
Giải quyết rác tại môi trường biển luôn là vấn đề được quan tâm, ưu tiên, bởi biển không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân có biển, ven biển, mà môi trường biển, không gian biển có vai trò quan trọng, tác động đến mọi hoạt động và đời sống của con người. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ở một số lĩnh vực, biển đóng vai trò trung tâm chi phối, trong đó đặc biệt là nền kinh tế biển, văn hóa, chủ quyền biển. Điều này đã được đặt ra trong Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhưng, tất cả mọi cố gắng đặt ra đang gặp phải một cản trở rất lớn là rác và ý thức của con người trước rác.
Ý thức vẫn là vấn đề hàng đầu
Đã từ lâu, xả rác bừa bãi là vấn nạn của xã hội. Học sinh đi đường, ăn xong cây kem, vứt luôn que ra đường. Người lớn hút xong điếu thuốc, vứt đầu mẩu xuống đất. Du khách đến bãi biển vô tư vứt rác, hộp xốp đựng đồ ăn, sản phẩm nhựa đựng đồ uống và túi ni lông đựng đồ xuống cát mà không thèm quan tâm đến thùng rác ở ngay cạnh đó. Những sự việc quen thuộc, tưởng chừng như rất bình thường đó đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trước mắt chúng ta. Thế mới biết, thói quen xả rác bừa bãi đã trở thành một căn bệnh trầm kha, một phản xạ ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người. Tất cả cũng chỉ quy về một mối, đó là “bệnh” thiếu ý thức đã trở thành đại dịch. Thực trạng nhức nhối này ai cũng biết, cả người dân lẫn các nhà quản lý. Nhưng biết thì biết như vậy, việc xả rác bừa bãi vẫn cứ xảy ra thường xuyên.
Ra quân làm sạch môi trường bãi biển Bình Minh (Quảng Nam). Ảnh: HM |
Ở các bãi biển lớn trên thế giới, người dân rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Người dân không bao giờ xả rác bừa bãi, bất kể trong đô thị, ngoài đường phố hay ven biển. Vì sao ở Singapore, bãi biển sạch như lau như li? Ở đây, vấn đề luật pháp đi đôi với ý thức. Ý thức bảo vệ môi trường của họ rất tốt. Nó có thể coi như một thứ “văn hóa” ăn sâu vào tiềm thức của họ. Một nguyên nhân nữa khiến bãi biển rất sạch bởi hành vi vứt rác bị xử phạt rất nặng, có thể người vi phạm sẽ phải thực hiện tháng lao động công ích, không kể mất một khoản tiền phạt lớn. Chính vì thế, nạn xả rác gây ô nhiễm môi trường được giải quyết mà không tốn nhiều công sức. Còn ở ta, tuy đã có luật cấm xả rác bừa bãi nơi công cộng nhưng công tác xử lý còn chưa nghiêm. Phần lớn người dân đều coi xả rác là việc bình thường và chẳng buồn nhắc nhở. Vì thế đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm, nhất là ở các bãi biển.
Luật pháp nước ta đã quy định rõ mức xử phạt hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định tại Điểm c và d, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Luật pháp là vậy, nhưng rõ ràng trên thực tế rất khó xử phạt những người cố tình vứt rác nói chung và vứt rác trên bãi biển nói riêng, bởi một lẽ rất đơn giản là do không bắt được tận tay. Việc xác minh chứng cứ, nôm na là bắt quả tang, bắt tận tay hành vi vứt rác trên bãi biển rất khó vì hiện cơ bản không thể bố trí đủ lực lượng chức năng chuyên trách công việc này. Mặt khác, tại các không gian công cộng, không gian bờ biển chưa trang bị camera hỗ trợ giám sát toàn bộ bãi biển.
Như vậy tức là, trong điều kiện cụ thể hiện nay, nguyên nhân chủ yếu quyết định thành bại để giải quyết vấn đề rác và rác ven biển cơ bản phụ thuộc vào ý thức của con người. Phải làm sao để không cần lực lượng chuyên trách vẫn giám sát được hành vi xả rác, và quan trọng hơn, đó là phải làm sao để không cần giám sát thì việc vứt rác bừa bãi vẫn không xảy ra.
Việt Nam có diện tích biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền. Các bãi biển nước ta vừa là nơi khai thác du lịch và sinh kế cho người dân, vừa thể hiện bộ mặt đất nước với du khách quốc tế. Chính vì vậy, rác chính là một vấn nạn ảnh hưởng đến đời sống người dân và cản trở phát triển du lịch, phát triển kinh tể biển cũng như ảnh hưởng đến không gian văn hóa biển, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông; Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Vì vậy, phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo mà một trong những mục tiêu đề ra là giải quyết vấn đề môi trường, trong đó có môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Và như vậy, mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương… với các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong Nghị quyết 36 (các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường) sẽ khó thực hiện nếu bên cạnh quyết tâm của Đảng, Nhà nước lại thiếu đi ý thức của con người mà bắt đầu từ việc xả rác bừa bãi ra môi trường biển.
Bài dự thi xin gửi về địa chỉ
Email: [email protected]
Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)