Bài cuối: Làm thế nào bảo vệ tài nguyên nước?

(Xây dựng) – Tháng 11/2023, Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 86 điều quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Đã đến lúc cần có các giải pháp trữ nước, hoặc bổ sung nước nhân tạo, bảo vệ nước ngầm.

Bài cuối: Làm thế nào bảo vệ tài nguyên nước?
Hệ thống đập trữ nước ngọt.

Trữ nước, tiết kiệm nước

Để hạn chế việc khai thác nước ngầm quá mức, Hậu Giang đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh về khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập danh mục khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đồng thời, tỉnh lập danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, cập nhật hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Nhiều biện pháp nhằm đẩy dòng mặn ra xa. Trữ nước ở cả tầng nước mặt và nước ngầm là giải pháp được tính đến hiện nay. Các nhà khoa học khuyến cáo, một giải pháp lâu dài, cơ bản, khoa học là lưu giữ nước trên mặt, trong các tầng chứa nước vào mùa mưa để khai thác vào mùa khô thì chúng ta giảm thiểu được xâm nhập mặn. PGS. TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng: Đã đến lúc trong sản xuất lúa, nông dân phải quý trọng nguồn nước ngọt và ứng dụng một cách phù hợp trong sản xuất lúa với từng chu kỳ sinh trưởng của lúa. Không chỉ đem lại sử dụng nguồn nước hiệu quả, mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất giảm phát thải thấp, như ứng dụng “tưới ngập, khô xen kẽ”, “1 phải + 5 giảm”…

Về lâu dài, kinh tế dựa vào nông nghiệp và nuôi thủy sản chỉ có thể phát triển mạnh nếu sử dụng tài nguyên nước bền vững ở các vùng nước lợ và nước mặn. Vì vậy, cần điều chỉnh sử dụng nước cho phù hợp với nguồn và chất lượng nước ở các khu vực khác nhau của vùng đồng bằng. Chẳng hạn, với địa hình trũng và trong bối cảnh nước biển dâng và sụt lún đất, việc sử dụng nước ngọt phục vụ nông nghiệp sẽ không còn hiệu quả và bền vững, ngành Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người sản xuất lúa không sản xuất lúa theo cách “trầm thủy” như trước đây.

Để ứng phó với hạn mặn, tỉnh Bến Tre tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: Tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực. Báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống hơn 100 cống thủy lợi trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương và các địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé, vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất an toàn.

Với kết quả ban đầu, việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục được các địa phương chú trọng thực hiện với các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Sử dụng nước ngọt hiệu quả và bền vững để đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân toàn vùng là việc làm cần thiết. Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác tiềm năng nước lợ và nước mặn ở vùng ven biển một cách hợp lý để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Qua nhiều hội nghị chuyên đề tài nguyên nước, các cơ quan chuyên môn khẳng định, biến đổi tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính dài hạn và có thể ngày càng nghiêm trọng hơn do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Do đó, xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn của vùng là rất cần thiết. Để giảm nhẹ nguy cơ xâm nhập mặn từ phía biển đến Đồng bằng sông Cửu Long do tác động thủy triều và nước biển dâng, cần phải có giải pháp công trình kiểm soát mặn hoàn chỉnh. Đây cũng là giải pháp căn cơ hướng đến việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt một cách chủ động và hiệu quả. Trong đó, theo các chuyên gia, việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng thủy lợi vùng đồng bằng là rất cần thiết để giảm nhẹ nguy cơ tác động của những rủi ro liên quan đến nước và khí hậu.

Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi được xem là nền tảng cơ bản, giải pháp “cứng” để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh tác động bất lợi từ thượng lưu, phía biển và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán là giải pháp căn cơ ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài cuối: Làm thế nào bảo vệ tài nguyên nước?
Để không còn thiếu nước, người dân nên tiết kiệm nước (Trong ảnh, lực lượng Quân khu 9 bơm nước ngọt cho người dân Cà Mau).

Tận dụng khoa học kỹ thuật

Ngoài việc trữ nước, tiết kiệm nước, các chuyên gia khuyến cáo nên tận dụng khoa học kỹ thuật. Tất cả các giải pháp như lọc nước mặn thành nước ngọt, dẫn truyền nước từ nơi thừa tới nơi thiếu, thậm chí là làm mưa nhân tạo thì cũng đều đã có kỹ thuật và được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Đã đến lúc cần tính toán, nghiên cứu những giải pháp đột phá, căn cơ hơn để giải quyết bài toán khủng hoảng nước sạch. “Đơn cử, một số nước trên thế giới đã thử triển khai và ứng dụng công nghệ làm mưa nhân tạo để ứng phó hạn hán. Mặc dù về hiệu quả, tác động vẫn còn nhiều nghi vấn và tranh cãi, cần thời gian dài để xác nhận, song trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, chúng ta cũng cần tính toán thí nghiệm, đánh giá để sẵn sàng ứng dụng khi cần thiết. Về mặt kỹ thuật thì nước ta hoàn toàn có thể làm được, vấn đề chỉ là chi phí. Tương tự, công nghệ lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt, Việt Nam đã ứng dụng rồi nhưng ở quy mô nhỏ do chi phí cao. Cần nghiêm túc tính toán về hiệu quả kinh tế, chi phí vận hành để lên kế hoạch phù hợp”, một chuyên gia cho biết.

Nhiều ý kiến minh chứng, Trung Quốc đã phải hình thành nên những công trình khổng lồ trị giá hàng tỷ USD để dẫn nước đi hàng ngàn km từ các vùng Tây Tạng xuống thành thị. Việt Nam cũng cần tiến tới làm những kênh dẫn nước lớn song song hệ thống đường cao tốc hoặc tận dụng các kênh thủy lợi có sẵn. Không chỉ từ biến đổi khí hậu, tài nguyên nước giờ còn trở thành vấn đề bức thiết trên bình diện quốc gia. Sau khi Campuchia hình thành kênh dẫn nước, chặn thêm nguồn từ dòng Mê Kông thì tình trạng khô hạn, nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn trầm trọng hơn nữa, thậm chí không còn đủ “cửu long” (9 cửa sông). Vì thế, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngay từ bây giờ, mạnh dạn đề ra những giải pháp táo bạo để cùng nghiên cứu, triển khai. Trước sau gì chúng ta cũng buộc phải hành động.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích