Bài cuối: Gỡ nút thắt đầu ra sản phẩm
Tìm “đầu ra” để… giữ chè
Là một hộ trồng chè lâu năm trên vùng đất Phú Cát, huyện Quốc Oai, anh Nguyễn Văn Phương cho biết, đã từ lâu gia đình anh trồng xen canh cây chè và cây bưởi trên 2ha đất của gia đình. Trước đây trên thửa đất này gia đình anh hoàn toàn trồng chè bởi giá trị kinh tế mà cây chè mang lại khá bền vững. Nhưng sau này, cuộc sống đổi thay, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên, cộng với gốc chè cũ đã gần 30 năm nên cho sản lượng và chất lượng “đuối” so với thị trường.
Diện tích trồng chè của anh Nguyễn Văn Phương (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai). (Ảnh: B.T) |
Chính vì vậy, để không bỏ hết “vốn” vào chè, anh xen canh thêm cây bưởi để có thu nhập. Anh Phương cũng cho biết hiện nay giá bán chè của gia đình anh là từ khoảng 100.000-150.000 đồng/1kg, rẻ hơn so với các vùng chè khác của Hà Nội.
“Chè của gia đình tôi chưa được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tự thu hoạch, tự xao, tự bán chứ không có nhãn mác gì cả. Cây chè không cho thu nhập cao nhưng cho thu nhập bền vững, lại không mất nhiều công canh tác, mỗi tuần có thể thu hoạch một lần, tuy nhiên đầu ra sản phẩm còn khó khăn, giá thành lại thấp nên nhiều người không còn mặn mà với cây chè. Nếu chính quyền địa phương, Thành phố có định hướng, giúp đỡ phát triển, chúng tôi sẵn sàng bỏ giống cũ, trồng giống mới, trồng theo tiêu chuẩn chè sạch. Chúng tôi muốn “giữ chè”, bởi nếu cứ phá bỏ thì sẽ đến lúc không còn chè nữa…”, anh Phương cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Chè Long Phú (thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) cũng cho biết, hiện nay vấn đề đầu ra của sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù Quốc Oai đã có thương hiệu tập thể Chè Long Phú được nhiều người biết đến.
Với đặc thù địa hình miền núi trung du, các đồi chè tại Long Phú phần lớn được trồng từ năm 1988. Trải qua nhiều năm, cây chè dần bộc lộ nhược điểm là già cỗi cho năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương. Để tận dụng những tiềm năng, thế mạnh vốn có cùng với sự xúc tiến của Ủy ban nhân xã Hòa Thạch và Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, năm 2012, công tác khôi phục, cải tạo diện tích chè cũ đã được tiến hành.
Năm 2016, mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap đã bước đầu định hình, từng bước trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các công ty sản xuất chế biến chè. Theo ông Đỗ Tiến Hùng, sản xuất chè theo mô hình VietGap cho năng suất chè trung bình đạt 9-16 tấn/ha, giá trị đạt 150.000-225.000 đồng/kg. Hợp tác xã chè Long Phú đã thực hiện xong một mô hình VietGap và đang chuẩn bị tiếp tục làm mô hình thứ hai với tổng cộng hai lần là trên 40ha.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lo lắng không đạt kế hoạch vì vùng nguyên liệu chè tại Long Phú không còn nhiều. “Hiện nay Hợp tác xã có 243 thành viên, canh tác khoảng 160ha chè, giống chè đa số là chè trung du, giống mới chỉ chiếm số lượng ít. Sản lượng chè trước đây đạt cao, nhưng cho đến đã nhiều người chuyển đổi sang trồng giống cây khác bởi cây chè giờ không còn là nguồn thu đáng kể đối với người dân. Hợp tác xã hiện nay chỉ quản lý mang tính chất truyền tải về mặt chính sách, mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật cho bà con, còn đầu ra thì không thể đảm bảo. Kinh phí, thu nhập, đầu ra… đều do bà con tự túc. Hiện nay Hợp tác xã cũng đã làm hồ sơ xét duyệt chất lượng sản phẩm OCOP, tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn là tiên quyết trong việc phát triển thương hiệu”, ông Hùng cho biết.
Cùng với đó, ông Hùng cũng cho rằng, muốn tạo được thương hiệu tốt thì phải được đầu tư về cơ sở vật chất, có nhà máy sản xuất để Hợp tác xã thu mua chè của bà con, tạo sự cạnh tranh về chất lượng mới nâng cao được thương hiệu của chè Long Phú. Hơn nữa cũng cần phải cải tạo giống chè để cho ra năng suất, sản lượng, chất lượng tốt hơn.
Cần định hướng phát triển vùng chè tập trung
Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) có 9 làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận làng nghề truyền thống. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Được sự hỗ trợ và quan tâm của Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, xã Ba Trại cải tạo những vườn chè già cỗi, xen canh trồng mới những nương chè.
Ông Đỗ Tiến Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Chè Long Phú chia sẻ với phóng viên những băn khoăn về đầu ra của sản phẩm có thương hiệu. |
Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành nông nghiệp, người trồng chè ở Ba Trại đã thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến trồng chè sạch, chất lượng cao… Hơn nữa, các hộ gia đình đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao giá trị của cây chè. Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè…
Nói rõ hơn về hiệu quả của cây chè đối với sự phát triển kinh tế của xã, ông Hoàng Văn Chuyển – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Trại cho hay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn xã 471ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 436ha năng suất ước đạt 8,5 tấn/ha, sản lượng 3.706 tấn, đăng ký trồng thay thế 35ha chè già cỗi cho nhân dân do Hội Nông dân trực tiếp nhận và giao cho hộ dân, duy trì chăm sóc diện tích chè trồng mới năm thứ nhất và năm thứ hai.
Trong xã, 80% lao động địa phương tham gia trồng, sản xuất chè. Cây chè hiện đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân trong vùng. Do đó, hiện nay địa phương tập trung thay đổi cơ cấu giống, từ giống chè lá nhỏ chuyển sang các giống mới cho năng suất cao, đồng thời tiếp cận với chương trình hỗ trợ của thành phố Hà Nội, địa phương được hỗ trợ cây giống để đẩy mạnh phát triển các diện tích trồng chè.
Theo ông Hoàng Văn Chuyển, để đạt được những kế hoạch đề ra mặc dù địa phương đang có một số điều kiện tự nhiên thuận lợi như hạ tầng được đầu tư một cách khá bài bản, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa trên 90% nhưng vẫn có nhiều khó khăn. Trong đó quan trọng nhất cần thay đổi ý thức của bà con nhân dân. Trước kia chỉ sản xuất hàng hóa theo hướng nhỏ lẻ, tự phát nay cần định hướng người dân sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung.
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm, thực hiện các hoạt động liên kết, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm chè bền vững, thành phố Hà Nội đã đang chú trọng giới thiệu sản phẩm chè của thành phố ra thị trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhiều năm qua đã tổ chức các hội nghị hợp tác 4 nhà, hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết để tranh thủ tư vấn của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn; hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ chè trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì. Tỷ lệ chè đã thực hiện liên kết theo chuỗi đạt 9,2% sản lượng chè được sản xuất.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng tổ chức cho các Hợp tác xã sản xuất chè tham dự các Hội chợ và Festival chè để quảng bá sản phẩm chè Hà Nội với nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố bạn (kết quả tại Festival chè 2012, chè Bắc Sơn (Sóc Sơn) đã được giải Ba về chất lượng)./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô