Bài ca sâu lắng về “Thủ đô gió ngàn”
(Xây dựng) – “Hương chè” – Đó là ca từ. Không, đầu tiên vẫn là bài thơ mới nhất của Thi – Nhạc sỹ – Nhà báo Tào Khánh Hưng, viết về đất chè – nơi chốn vốn đã, đang là “danh bất hư truyền” của loài cây đặc sản ẩm thực (đồ uống) số 1 cả nước, cũng là “Thủ đô kháng chiến” – “Thủ đô gió ngàn” thời 9 năm đánh Pháp.
Nhà báo Lê Quang Vinh (bên trái) trao đổi với Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng về ý tưởng và nội dung ra đời ca khúc “Hương chè’ – một tác phẩm âm nhạc sâu lắng về “Thủ đô gió ngàn”. |
Sau vài lần nghe ca khúc “Hương chè” qua giọng ca của nữ ca sỹ Hoài Phương – Giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo); thực sự đã lôi cuốn tôi bởi hai thứ cốt lõi nhất trong một bài hát – là “tứ thơ” kết hợp với “tứ nhạc” không thể nhuần nhị hơn, hay nói cách khác “như hình với bóng” của bài ca này. Sự ăn nhập đó, đúc thành “hình tượng âm nhạc” (tư duy trừu tượng của nhạc siỹ, thông qua cảm xúc thẩm mỹ để đến với người nghe) trong một tác phẩm âm nhạc vốn là sở trường của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn – Người nhạc sỹ tài hoa, trọn đời chỉ có thể phổ nhạc trên chính các ca từ do mình đặt – thực chất là những bài thơ độc lập do ông sáng tạo nên. Thế nên, Trịnh Công Sơn gần như không phổ thơ người khác khi làm ca khúc. Trong cả kho tàng nhạc sỹ để lại (hiện chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm), ước đoán không dưới 600 ca khúc; tuy nhiên số ca khúc của ông được công chúng biết đến rộng rãi đã là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Điều này lý giải được phần nào, tại sao tác phẩm để đời của những tác giả vừa là “thi” vừa là “nhạc”, luôn dễ dàng lay động hàng triệu người nghe, trở thành những bài ca “đi cùng năm tháng”.
Tào Khánh Hưng chưa và còn lâu nữa mới trở thành một tác gia âm nhạc. Nhưng con đường thơ – nhạc anh đang khai phá, bước đầu phải nói là khá thành công. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thi – nhạc – nhà báo này đã có một chùm ca khúc đáng nể trọng: “Trường Sa yêu thương”, “Tự hào cô giáo trẻ”, “Về Hà Nam anh nhé”, “Cha ở đâu?”, “Mường Tè quê em”, “Tình người Hà Nội”…
Nghề báo đã cho anh nhiều cơ hội của những chuyến đi đến với nhiều vùng miền trên đất nước. Ở đâu từng in dấu chân anh, cũng để lại nhiều ấn tượng được thể hiện khá sâu đậm trong các tác phẩm báo chí đăng ở báo Trung ương lẫn địa phương. Tào Khánh Hưng đi để cảm nhận, nhập tâm; cũng là dịp để chắt lọc chất liệu cho những ca từ, hình ảnh thơ sau này trong các bài hát.
“Trường Sa yêu thương” là ca khúc viết ngay sau chuyến đi công tác hơn mười ngày trên quần đảo Trường Sa cùng Nhà giàn ĐK1 giữa đại dương. Cảm xúc từ lời ca đến nét nhạc trong đó thật dạt dào, lắng đọng, lại quá gần gũi với đời sống của người chiến sỹ Hải quân ngày đêm kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió trước sự rình rập của kẻ thù. Bài hát từng được vang lên trong một chương trình của Kênh truyền hình Quốc hội, thu hút hàng triệu người nghe, khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam; gửi gắm đến các chiến sỹ Trường Sa, Hoàng Sa nỗi lòng tác giả cũng như mọi người dân Việt: những người lính biển khơi luôn trong trái tim đồng bào; đồng bào cả nước luôn hướng về Trường Sa, Hoàng Sa: “Trường Sa quần đảo linh thiêng/ Em biết không có máu xương bao người/ Em ơi ra đảo một lần/ Để lòng ta thấy thêm gần Trường Sa…”.
Bài hát “Cha ở đâu?”, là cảm xúc của Tào Khánh Hưng sau chuyến cùng Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Hòa nhập Nguyễn Ngọc Quyết vào Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt ỹ quốc gia Đường 9 ở Quảng trị trong dịp tháng 7/2019. Tại đây, hơn 2 ngày Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng cùng đoàn công tác đã dâng hương hoa, lễ vật tri ân các Anh hùng – Liệt sỹ, tặng quà bà con một số xã ở huyện Hướng Hoóa; thăm những địa danh nổi tiếng như Tà Cơn, Khe Sanh, Làng vây, Thành cổ Quảng trị. Sau chuyến đi, Tào Khánh Hưng viết bài thơ “Cha ở đâu?”, kịp gửi đi tham dự cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề “Tri ân chiến sỹ” do Trung tâm thơ ca Việt Nam tổ chức.
Bài thơ có những câu khi đọc lên, khiến lay lắt cả cõi lòng: “Tiếng con gọi cha trời đất cũng rưng rưng/ Nghĩa trang Trường Sơn hào quang sáng bừng hàng mộ/ Con thắp nén hương thơm, hương chia đều theo gió/ Vòng hoa con dâng linh hồn cha bay cao, trường tồn”.
Không ngẫu nhiên, bài thơ “Cha ở đâu?” đã vượt lên gần một nghìn bài thơ khác để đoạt giải Ba. Tứ thơ là cả câu chuyện có thật về người cha liệt sỹ của chính vợ mình; cộng hưởng cùng cảm xúc khi chứng kiến hàng hàng lớp lớp các ngôi mộ vô danh (chưa biết tên) tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 đang hiện hữu trước mắt tác giả.
Bài thơ sau vài ngày ra đời, được Tào Khánh Hưng phổ thành ca khúc cùng tên. Nó cũng lập tức được tuyển chọn để trình diễn trong chương trình đặc biệt “Những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng”, phát sóng lúc 9 giờ đến 9 giờ 30 phút sáng ngày 27/7/2021 – đúng dịp Kỷ niệm 74 năm “Ngày Thương binh – Liệt sỹ” trên sóng VOV (Đài tiếng nói Việt Nam).
Sự kiện âm nhạc đặc biệt này có tất cả 5 ca khúc, thì “Cha ở đâu?” là ca khúc mới toanh, vinh dự được cất lên cùng giọng ca opera của ca sỹ Tường Lâm (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), bên cạnh 4 ca khúc đã rất nổi tiếng suốt mấy chục năm nay, gồm: “Màu hoa đỏ” (của Nhạc sỹ Thuận Yến), “Cỏ non thanh cổ” (của Nhạc sỹ Tân Huyền), “Bài ca không quên” (của Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn), “Miền xa thẳm” (của Nhạc sỹ Đức Trịnh).
Rồi một ca khúc khác, “Về Hà Nam anh nhé!”. Với ca từ giản dị, chất nhạc chủ đạo là dân ca đồng bằng Bắc bộ mượt mà, sâu lắng; bài hát đã giới thiệu với nhân dân cả nước quê hương nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Hữu Tiến – người con của mảnh đất truyền thống Núi Đọi, Sông Châu (Duy Tiên, Hà Nam) – tác giả Quốc kỳ nước ta (người vẽ lá cờ Tổ quốc). Bài hát được hát vang trong chương trình ca nhạc đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam chào mừng Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sáng 26/1/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội). Chương trình phát sóng trước 1 ngày, lúc 11h 30 phút trưa ngày 25/1/ 2021.
Trở lại bài thơ – lời ca khúc “Hương chè”
Mở đầu là những câu thơ hào sảng nhưng không kém phần trữ tình thường thấy trong các trường ca viết về đất nước – đề tài rộng lớn, trùm lên cả những giai đoạn lịch sử: “Câu hát then, tiếng đàn tính/ Đưa anh về – về quê em bát ngát đồi chè”; “Dòng sông Công mơ màng, con đò ai đứng đợi/ Núi Cốc chung tình vời vợi chờ mong”…
Khổ thơ tiếp theo, vẫn trên nền của tinh thần niềm tự hào vùng đất “danh bất hư truyền” về cây chè, nhưng được đẩy lên cao trào mang tính thời đại – thứ mà trong truyền thống, dù đã rất đẹp rồi (“Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…” – bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu); nhưng chưa bao giờ có: “Thành phố lung linh ánh thép rực hồng/ Nhà máy vào ca xanh màu xanh áo thợ/ Núi rừng trập trùng nhớ chiến khu xưa/ Còn in bóng Bác Thủ đô gió ngàn”.
(Tác giả cực kỳ khôn khéo, khi đang cao hứng miêu tả hiện thực ập ùa trong trái tim, thì lập tức gợi lại trọng trách đặc biệt được lịch sử giao phó của quê hương Thái Nguyên đã từng là trái tim của chiến khu Việt Bắc – vinh dự không một miền quê nào có: “Núi rừng trập trùng nhớ chiến khu xưa/ Còn in bóng Bác Thủ đô gió ngàn”).
“Anh qua sông Cầu dạt dào câu hát
Khúc dân ca lời khoan nhặt ngọt ngào
Thái Nguyên ơi… thơm, ngọt hương chè
Câu sli, câu hát lượn mời người về thăm
Thái Nguyên ơi… thấp thoáng bóng áo chàm
Xanh ngát đồi chè, xanh nương lúa, nương ngô
Nón lá nghiêng nghiêng tay em nâng búp chè
Đón anh về, về Thái Nguyên quê hương em”.
Đây là hai khổ thơ hay nhất, trữ tình nhất, đáng yêu nhất khó có thể viết hay hơn về Thái Nguyên – “Thủ đô gió ngàn” của “thì hiện tại”.
Có lẽ bài thơ và sau đó là nét nhạc vừa trữ tình vừa hào sảng, lại rất sâu lắng của nhạc phẩm, Tào Khánh Hưng đã “đo ván” các Ban biên tập âm nhạc Đài phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh cũng như Trung ương, để bài hát ngay sau khi ra đời chỉ vài ngày, đã được phủ sóng toàn quốc – thời điểm cả nước chuẩn bị mừng Quốc khánh 2/9 lần thứ 76 (2/9/1945 – 2/9/2021) trong hoàn cảnh toàn Đảng toàn dân quyết tâm cao nhất, bằng mọi giá khống chế – kiểm soát dịch ngay trong tháng 9 này – tháng từng mở đầu kỷ nguyên mới của đất nước, Tổ quốc Việt Nam thân yêu cách đây hơn 3/4 thế kỷ.
Nguồn: Báo xây dựng