Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng: Những “viên ngọc” sinh thái trong lòng Hà Nội
Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng: Những “viên ngọc” sinh thái trong lòng Hà Nội
Theo dõi MTĐT trên
Giữa những tòa nhà cao ốc cứ không ngừng mọc lên, thật khó mà tin rằng vẫn còn những “ốc đảo” xanh cho các loài động thực vật quý hiếm quần hội ở Hà Nội.
Bỏ lại đằng sau nhịp sống tấp nập, chúng ta vẫn có thể ngắm nhìn những không gian, hệ sinh thái tự nhiên hoang dã ở một nơi vẫn thường được xem là “sân sau” của thủ đô: bãi bồi, bãi giữa sông Hồng.
Trong hình dung của nhiều người, bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là nơi tụ hội những gì luộm thuộm, nhếch nhác nhất của thành phố, do đó việc những loài chim hoang dã, trong đó có nhiều loài di trú xem bãi bồi là điểm dừng chân lý tưởng quả thực là điều kỳ lạ. Song đối với những người làm trong lĩnh vực bảo tồn như TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) ở Việt Nam, đó là lẽ đương nhiên.
Những “ốc đảo” giữa thủ đô
“Năm 2016, chúng tôi ghi nhận được các khu vực bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có khoảng 250 loài chim di trú, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh mục Đỏ IUCN và danh mục các loài động vật hoang dã được bảo vệ theo quy định pháp luật Việt Nam như cú lợn lưng nâu (Tyto capensis), diều Ấn Độ (Butastur indicus), diều hoa miễn điện (Spilornis cheela), cắt lớn (Falco peregrinus), ưng lưng đen (Accipite soloensis), đại bàng đen (Aquila clanga), Vịt mỏ nhọn (Mergus squamatus), Đuôi cụt bụng đỏ (Pitta nympha)…”, TS. Mạnh tiết lộ con số do ông và các đồng nghiệp khảo sát.
Không chỉ một mình TS. Mạnh quan tâm đến sự đa dạng sinh học của bãi giữa sông Hồng. Cách đây một vài năm, PGS.TS. Hà Quý Quỳnh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thực hiện khảo sát bằng phương pháp tiếp cận khác, điều tra viễn thám và GIS về phân bố khu hệ chim tại Hà Nội, và bước đầu khẳng định khu vực bãi giữa sông Hồng nằm trên tuyến di cư Đông Á-Úc châu (EAAF), một trong những đường chim bay lớn nhất thế giới. Có thể nói bãi giữa là một địa chỉ hiếm hoi trong nội thành Hà Nội mà người ta có thể gặp gỡ hơn 100 loài chim hoang dã.
Vì cớ gì các loài chim lại chọn nơi đây – chỉ cách hồ Hoàn Kiếm vài km – làm bến đỗ, thay vì những khác? Để giải đáp điều này, chúng ta cần truy về sự vận động của con sông Hồng – con sông chuyên chở đến hàng triệu tấn phù sa mỗi năm qua lòng Hà Nội. Sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực Hà Nội, có chiều dài khoảng 120 km. Chính dòng chảy uốn khúc quanh co tạo ra đổi dòng liên tục đã gây bồi lắng, hình thành nên hàng trăm bãi bồi, bãi giữa lớn nhỏ giữa sông! Các phân tích ảnh vệ tinh cho thấy tổng diện tích các bãi giữa sông Hồng khoảng 5 km2. Qua nhiều năm diễn thế sinh thái tự nhiên, các bãi bồi, bãi giữa tạo thành các sinh cảnh độc đáo. “Ban đầu các bãi chỉ toàn là cát, dần dần hạt giống nương theo gió, theo làn nước phát tán đến, các loài chim ăn hạt rồi thả xuống. Cỏ dại, lau sậy đâm rễ, cố định đất cát.., từ đó mọc lên bụi, cây thân gỗ. Song song với sự hình thành của thực vật, một số loài động vật cũng kéo đến cư trú, dừng chân trên đường di trú”, Đây là quá trình diễn thế tự nhiên mà chúng ta có thể quan sát trong thời gian ngắn, TS. Vương Tiến Mạnh mô tả.
Diễn thế tự nhiên này hệt như cách vạn vật sinh sôi trong các truyền thuyết về loài người. Nó lặp lại gần như hoàn toàn quá trình hình thành đồng bằng, khi vật chất hữu cơ quần tụ lại và tạo ra hệ sinh thái đặc biệt giữa lòng sông Hồng, giữa lòng Hà Nội.
Các loại sinh cảnh khi tập hợp lại phù hợp với các loài chim với đặc tính khác nhau. Họ Chim chích sử dụng cây bụi tự nhiên, họ Vàng Anh thường ở các loại thân cây gỗ, còn họ Chìa Vôi hay có mặt tại sinh cảnh đất nông nghiệp. Dô nách cần nhiệt độ cao để đẻ trứng, vào mùa hè bãi cát nóng là địa điểm lý tưởng để loài chim này đến sinh sản. Cú cần cỏ tranh tự nhiên để làm tổ. Chim ăn thịt lại thích đậu trên những ngọn cây cao để kiếm ăn. Những yếu tố tự nhiên không có tác động của con người là nơi sinh sống và dừng chân di trú của những loài chim ấy.
Không chỉ có các loài chim, các bãi giữa, bãi bồi sông Hồng còn là “nhà” của một số loài thú gặm nhấm, bò sát, lưỡng cư, nhiều loài côn trùng và là bãi đẻ của một số loài cá nước ngọt. Trong đó, loài phổ biến là nhông hàng rào, ăn các loại côn trùng và động vật có xương nhỏ, bao gồm cả động vật gặm nhấm và thằn lằn. Do bị săn bắt để ngâm thuốc và chế biến các món ăn nên số lượng nhông hàng rào ngày càng bị suy giảm và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đáng chú ý, năm 2015, báo chí bất ngờ đưa tin về một loài thú hoang dã xuất hiện ở bãi nổi sông Hồng – đó là loài mèo gấm lông mềm màu vàng trắng, điểm nhiều đốm đen không đều, quanh các đốm đen có viền màu vàng nâu; bụng và chân của mèo gấm có màu xám trắng, đầu có sọc màu đen, trắng chạy dọc từ đỉnh đầu xuống mũi. Theo TS. Vương Tiến Mạnh, mèo gấm sống ở rừng thứ sinh nghèo, trên các cây bụi hay các bãi cây ven sông, không có nơi ở cố định. Đặc điểm đặc trưng của loài mèo này là vận động nhanh nhẹn, leo trèo và bơi lội. Ban ngày, mèo gấm ngủ ở trong các hốc cây, hang đá, bụi rậm hay trên cây to, ban đêm chúng bắt đầu đi kiếm ăn. Thức ăn chủ yếu của mèo gấm là chuột, sóc, chim, lưỡng cư và các loại côn trùng. Những đặc trưng kể trên hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tự nhiên tại khu vực này. Loài thú này có da, lông đẹp, cho nguyên dược liệu và có giá trị thương mại, vì bị săn bắt quá nhiều nên chúng nằm trong nhóm động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Không chỉ phong phú về các loài động vật, khu bãi giữa sông Hồng còn là nơi có một số loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao, trong đó phổ biến nhất là ngưu bàng. Theo Đông y, ngưu bàng có vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát khuẩn.
Dòng chảy của sông đã hình thành nên những ốc đảo đặc biệt: không chỉ cách biệt với đời sống hiện đại mà còn biến động không ngừng theo thời gian và theo dòng chảy. Cần biết rằng tại Việt Nam, số lượng mèo gấm, đuôi cụt bụng đỏ, diều trắng, diều hoa Jerdon v.v. ghi nhận không còn nhiều. Chính quá trình đắp bồi thuận theo tự nhiên đã tạo ra đa dạng sinh thái loài, qua nhiều năm nơi đây trở thành một “khu rừng”, nhờ đó những loài động, thực vật hoang dã đã có được một vùng đất yên bình để trú ngụ.
Để tự nhiên như nó vốn thế
Tháng 8/2022, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã kết hợp với ThS. Phạm Hồng Phương, cán bộ nghiên cứu Viện Sinh thái nhiệt đới (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga), thực hiện bộ ảnh ghi lại “chân dung” của 12 loài chim, trong đó có hai loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Bộ ảnh đã phản chiếu một phần vẻ đẹp đa dạng sinh học tại bãi giữa và khiến không ít người sửng sốt về giá trị sinh thái nơi đây.
Song bên cạnh những bình luận xuýt xoa vì vẻ đẹp của các loài chim, nhiều người vẫn không khỏi lo sợ về số phận của chúng: “Nếu một ngày bãi giữa bị chiếm hữu làm nhà hàng, du lịch, rồi hai bên bờ mọc toàn cao ốc, thì sẽ sao đây nhỉ?”
Những lo ngại ấy hoàn toàn có cơ sở khi bãi giữa, bãi bồi hiện nay là nơi ở và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương sau nhiều thế kỷ không người sinh sống. Ban đầu bãi bồi, bãi giữa chỉ toàn cát nên không thích hợp để canh tác; sau khi các loài thực vật giúp cố định cát, chất dinh dưỡng và hình thành lớp mùn thì người dân bắt đầu đốt cỏ, chặt cây để trồng chuối, rau, các loài cây họ đậu. “Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, các bãi bồi đã hoàn toàn biến thành đất thổ cư “, TS. Vương Tiến Mạnh chỉ cho chúng tôi xem hình ảnh vệ sinh các bãi từ năm 2000 đến thời điểm hiện tại. Cứ sau mỗi năm, hình dáng của bãi bồi, bãi giữa lại thay đổi tuỳ theo dòng nước. Tuy nhiên, cho đến gần đây, càng ngày các bãi lại càng dính vào đất liền, trở thành đất canh tác nông nghiệp. “Bãi giữa đối diện Hồ Tây đã liền vào một khối với hai bên bờ. Không nói đâu xa, bãi giữa dưới chân cầu Long Biên độ chục năm trước toàn cát trắng, giờ đây đã thành đất trồng rau và chăn thả gia súc”.
Quá trình xâm lấn, chuyển đổi các sinh cảnh tự nhiên thành đất nông nghiệp và du lịch đã làm giảm đáng kể diện tích các bãi tự nhiên. Tại Hồng Hà, Trung Châu, trảng cỏ chiếm phần diện tích khá lớn thu hút dân địa phương chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, dê, gà, lợn) ảnh hưởng lớn đến các trảng cỏ, cây bụi tự nhiên, làm mất sinh cảnh, gây nhiễu loạn đời sống của các loài động vật hoang dã. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các loại thuốc diệt cỏ, thuốc diệt ruồi đục quả kéo theo việc tiêu diện các loài côn trùng khác là thức ăn của hàng trăm loài chim trong khu vực. Thậm chí hoạt động xây dựng và phát triển các điểm du lịch cũng làm mất sinh cảnh của các loài chim hoang dã. So sánh bản đồ vệ tinh giai đoạn 2013 đến 2017, chỉ riêng khu vực Bãi Đá sông Hồng đã được mở rộng lên gấp đôi.
Không chỉ như vậy, con người bắt đầu đẩy những loài động vật ra khỏi đời sống yên bình vốn có. Thực trạng săn bắt chim, động vật hoang dã tại đây diễn ra khá phổ biến và không được kiểm soát, đặc biệt cao điểm ra vào mùa chim di cư. Quá trình khảo sát cũng ghi nhận thực trạng khai thác cá quanh các bãi. “Ngoài việc sử dụng lưới truyền thống, một số ngư dân địa phương còn dùng cả xung điện để khai thác tận diệt, đặc biệt là khu vực gần bờ nơi nhiều loài cá lựa chọn làm bãi đẻ. Mặt khác, việc khai thác thủy sản diễn ra mạnh vào mùa sinh sản khiến quần thể của các loài cá bị đe dọa nghiêm trọng”, TS. Mạnh nhận định.
Còn nhớ thời điểm khi người dân phát hiện loài mèo gấm quý hiếm ở bãi Văn Khê và bãi Thạch Đà (Mê Linh, Hà Nội), họ không biết đây là con gì, liền mang đến vườn thú. Tuy nhiên, về sau khi phát hiện chúng có giá trị cao, họ liền bán chúng vào các quán nhậu. Hiện tại, cá thể mèo gấm đang dần biến mất khỏi những bãi đá nơi chúng từng được ghi nhận.
Hoạt động khai thác cát cũng như xói lở tự nhiên cũng tác động đến mất sinh cảnh của các loài động thực vật tại khu vực nghiên cứu. Quan sát ảnh vệ tinh cho thấy một số bãi bồi, bãi giữa đã, đang bị khai thác cát như bãi Liên Hồng, Thượng Cát. Các sà lan chở cát để xây dựng nên các tòa nhà, nhưng cũng từ đó mà các loài động vật không còn chốn dừng chân. Mới đây ngày 9/01/2023 UBND thành phố Hà Nội vừa ra thông báo tình trạng sạt lở khẩn cấp (khoảng 500m) bờ hữu sông Hồng đoạn qua phường Chương Dương, Hà Nội, đe doạ tính mạng, tài sản hàng chục hộ dân. Dù hiện tại vẫn chưa biết hiện tượng này xảy ra do nguyên nhân tự nhiên hay do tác động của con người, nhưng nó đã gióng hồi chuông cảnh báo cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng các bãi bồi bãi giữa.
Liệu có thể làm gì để cứu vãn? “Bãi bồi, bãi giữa hiện vẫn là khoảng xanh ít ỏi giữa lòng Hà Nội. Tôi nghĩ chỉ cần thiết kế đường mòn làm du lịch sinh thái, đó là cách hữu hiệu nhất nếu muốn giữ gìn đa dạng sinh học”, TS. Mạnh gợi ý. Kế hoạch xây dựng công viên hay địa điểm du lịch tâm linh sẽ dẫn đến hình thành nhiều hạ tầng, công trình, lượng người đổ về nhiều. Ông cũng cho rằng các cơ quan chuyên môn cần tiến hành nghiên cứu thêm để có cơ sở thiết lập Khu bảo vệ cảnh quan bãi bồi, bãi giữa sông Hồng theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch, giám sát, quản lý sử dụng đất đai các khu vực bãi bồi, bãi giữa, ven sông Hồng một cách chặt chẽ. “Dọc sông Hồng vẫn còn một số bãi hoang sơ, vì quá trình hình thành bãi vẫn đang diễn ra. Một số bãi ở phía Đan Phương hoặc làng Chèm chưa bị canh tác nông nghiệp nhiều do nằm cách biệt xa bờ. Tôi nghĩ đó là những gì còn sót lại mà chúng ta nên bảo tồn quyết liệt ngay từ đầu”.
Giá trị sinh thái của các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng đã cho chúng ta một gợi ý về công tác bảo tồn: hãy thuận theo tự nhiên, đừng can thiệp một cách thô bạo. Thiên nhiên tự thân nó đã là vẻ đẹp hài hòa. Đó dường như cũng là điều mà anh Hải, người lái thuyền đưa chúng tôi đến khu vực bãi giữa vào một buổi chiều cuối tuần, muốn nhắn nhủ: “Đố các bạn tìm ở đâu trong trung tâm Hà Nội một nơi có thể ngắm hoàng hôn đẹp như bãi giữa”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị