Bài 44: Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia gần 1.500ha bị bỏ hoang
(Xây dựng) – Được xây dựng từ năm 2014 với tổng diện tích gần 1.500ha, thế nhưng sau 8 năm triển khai xây dựng, Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình vẫn đang trong tình trạng dang dở, bỏ hoang.
Sau 8 năm triển khai đầu tư xây dựng, Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình mới thi công xong khu nhà làm việc của Ban quản lý. |
Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 1.488ha thuộc địa phận 2 xã Phú Long và Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 7.368 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỷ đồng (chiếm 71,2%), còn lại là vốn Ngân sách Nhà nước khoảng 2.121 tỷ đồng (chiếm 28,8%).
Mục tiêu dự án là bảo tồn các loại động vật quý hiếm. Dự án được triển khai xây dựng với 6 phân khu chính: Phân khu động vật hoang dã; Phân khu chăm sóc – nghiên cứu và phát triển; Phân khu trung tâm dịch vụ; phân khu vui chơi giải trí theo chủ đề; phân khu cây xanh sinh thái; phân khu tái định cư và nhà công vụ. Trong đó, phân khu động vật hoang dã là điểm nhấn của dự án với cảnh quan thiên nhiên được cải tạo và tổ chức theo mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới như: Vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á, vùng sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ…
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng, Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2012 – 2015; giai đoạn 2 từ năm 2016 – 2020; giai đoạn 3 từ năm 2020 – 2025 sẽ đưa toàn bộ dự án vào hoạt động và khai thác.
Thế nhưng, sau 8 năm triển khai xây dựng, Dự án Công viên động vật hoang dã nghìn tỷ này mới chỉ thi công được khu nhà làm việc của Ban quản lý và các hạng mục tuyến đường kết nối. Nhiều hạng mục khác như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước tạm, hệ thống đường nội bộ, hồ cảnh quan, hệ thống hàng rào động vật… vẫn nằm trong tình trạng thi công dở dang. Từ năm 2017 đến nay, dự án không được Nhà nước cấp vốn nên phải tạm dừng thi công và bị bỏ hoang suốt 5 năm qua.
Do bị bỏ hoang nhiều năm nên một số hang mục có dấu hiệu bị xuống cấp. |
Theo quan sát của PV, khu nhà làm việc của Ban quản lý và một số hạng mục được đầu tư xây dựng cách đây 8 năm cũng đã bị xuống cấp, tường bong tróc, ẩm thấp, hệ thống cấp nước, bể nước cỏ dại mọc um tùm…
Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là khó khăn do vốn, UBND tỉnh Ninh Bình đã 2 lần có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án từ danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách sang đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi nên tỉnh Ninh Bình vẫn đang bị vướng, do đó chưa thể chuyển nguồn vốn để tiếp tục đầu tư.
Hệ thống cấp nước bị bỏ hoang, chưa thể hoàn thiện, cỏ dại mọc um tùm. |
Vừa qua, trong ngày 9/6/2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị nghe báo cáo về tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án trên. Tại Hội nghị, ông Trần Song Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Dự án Công viên động vật hoang dã không chỉ mang giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa cao đẹp trong việc gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên; giáo dục, gieo mầm ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ và là động lực giúp cho Ninh Bình đa dạng sản phẩm, nâng tầm về phát triển du lịch.
Vì vậy, tỉnh Ninh Bình cam kết, quyết tâm đồng hành cùng với các đơn vị có liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án. Trước mắt, UBND tỉnh sớm có cuộc khảo sát thực địa và tổ chức một Hội nghị riêng để bàn bạc, thống nhất xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư về trình tự, thủ tục nhằm sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nho Quan tiến hành rà soát lại ranh giới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.
Chúng tôi cho rằng, sự vào cuộc của UBND tỉnh Ninh Bình là rất quyết liệt, hy vọng các khó khăn sẽ sớm được giải quyết và dự án sớm được hoàn thành như ý tưởng đã nêu. Nhưng cũng nói thêm rằng, ở một số tỉnh, với một vài công trình quy mô tương đối lớn, Nhà nước cũng muốn bỏ vốn cùng với các chủ đầu tư (nguồn vốn xã hội hóa) để có những tác động trong triển khai dự án và trong điều hành khi dự án hoàn thành.
Gần 1.500ha quỹ đất dành cho dự án cũng bị “treo” ngần ấy năm. |
Nhưng có điều rất lạ, ở một vài dự án nào đó, nguồn vốn “đối tác” của tỉnh chỉ bỏ ra xấp xỉ 30% tổng đầu tư dự án với mục đích trốn tránh sự điều chỉnh và quản lý của pháp luật trong hoạt động đấu thầu và các hoạt động khác trong đầu tư xây dựng. Việc này thường rất hợp ý với các chủ đầu tư, bởi nhiều công trình và hạng mục công trình sẽ được nâng giá, gây thất thoát cho Nhà nước và hậu quả của dự án gây ra là khó lường.
Trên thực tế, với những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực về kinh tế và tâm huyết với dự án thường không muốn có sự liên kết này. Họ muốn độc lập đầu tư xây dựng dự án và chỉ mong muốn các cấp chính quyền giải quyết các thủ tục pháp lý nhanh gọn.
Nguồn: Báo xây dựng