Bài 41: Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân giai đoạn 2 sau 12 năm vẫn là bãi đất trống

(Xây dựng) – Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân (giai đoạn 2) tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) được phê duyệt và phải triển khai xây dựng các hạng mục từ năm 2010. Thế nhưng sau 12 năm, khu đất hơn 41,5ha của dự án vẫn đang là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

bai 41 du an truong dai hoc cong nghe van xuan giai doan 2 sau 12 nam van la bai dat trong
Đại học Công nghệ Vạn Xuân sau nhiều năm mới chỉ xây dựng xong giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động cầm chừng, còn giai đoạn 2 thì đang bị đề xuất thu hồi vì chậm tiến độ.

Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân được chứng nhận đầu tư ngày 7/8/2007. Mục tiêu của dự án là xây dựng trường Đại học tư thục công nghệ đào tạo khoa học công nghệ, khoa học quản lý kinh tế và nghiên cứu khoa học với tôn chỉ là coi trọng chất lượng đào tạo, có mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Quy mô dự án ước tính khoảng 6.500 sinh viên sau 4 năm, từ năm thứ 5 trở đi sẽ duy trì từ 8.000 – 10.000 sinh viên. Địa điểm thực hiện dự án tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò với diện tích sử dụng đất là 50ha. Dự án có tổng mức đầu tư đăng ký hơn 345 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 của dự án khoảng 54,3 tỷ đồng; giai đoạn 2 hơn 291 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Giai đoạn 1, từ năm 2007-2010, gồm xây dựng cơ sở vật chất: Khu nhà hiệu bộ, khu giảng đường, ký túc xá, thư viện, hội trường, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, các khu giáo dục thể chất, quốc phòng. Xây dựng cơ sở hạ tầng: Xây dựng tường bao, san nền khu đất xây dựng giai đoạn 1 trên diện tích 8,47ha, xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, mạng lưới nội bộ, mua sắm trang thiết bị. Giai đoạn 2, từ năm 2010-2015 thực hiện đầu tư xây dựng trên khu đất 41,53ha, bao gồm các hạng mục: Khu hiệu bộ hành chính, trung tâm hội thảo quốc tế, khu giảng đường, ký túc xá, nhà giáo viên, nhà thi đấu đa năng.

Tuy nhiên, sau khi triển khai thi công các hạng mục và đưa vào sử dụng của giai đoạn 1 thì đến nay đã hơn 12 năm trôi qua (kể từ năm 2010), giai đoạn 2 (từ năm 2010-2015) thực hiện đầu tư xây dựng trên khu đất 41,53ha, bao gồm các hạng mục: Khu hiệu bộ hành chính, trung tâm hội thảo quốc tế, khu giảng đường, ký túc xá, nhà giáo viên, nhà thi đấu đa năng… vẫn chỉ “nằm trên giấy”, còn trên thực địa là một khu đất trống hàng chục ha đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm…

Được biết, trước đó, năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân và có báo cáo kết quả kiểm tra, giai đoạn 2 của dự án này đã chậm tiến độ theo quy định. Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có kết luận tại Văn bản số 6804/UBND-ĐTXD ngày 27/9/2013 với nội dung: “Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân vi phạm và cho gia hạn để hoàn thành thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong quý I/2014; hoàn thành giai đoạn 2 của dự án trong quý IV/2016”. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án vẫn “im hơi, lặng tiếng” không chịu triển khai dự án.

bai 41 du an truong dai hoc cong nghe van xuan giai doan 2 sau 12 nam van la bai dat trong
bai 41 du an truong dai hoc cong nghe van xuan giai doan 2 sau 12 nam van la bai dat trong
Hiện tại, Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân giai đoạn 2 đang là khu đất trống bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Đến ngày 13/3/2017, vì trường Đại học Công nghiệp Vạn Xuân chưa thực hiện các nội dung theo kết luận, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Văn bản số 1590/UBND-CN giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xử lý đối với dự án (giai đoạn 2 chưa xây dựng). Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 3137/STNMT-QLĐĐ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đủ điều kiện thu hồi giai đoạn 2 của dự án này.

Vì vậy, trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng và lấy ý kiến của các sở, ngành, UBND thị xã Cửa Lò, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 41,53ha thuộc giai đoạn 2 của Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Lý do thu hồi: Dự án chậm tiến độ vi phạm Điểm 1 Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013; Luật Đầu tư, chủ đầu tư không chấp hành các kết luận kiểm tra của UBND tỉnh. Ngày 25/7/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1905/SKHĐT-KTĐN báo cáo UBND tỉnh, đề xuất thu hồi giai đoạn 2 của dự án.

Tiếp đó, ngày 7/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 9556/UBND-CN về việc xử lý dự án chậm tiến độ triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân, từ kết quả kiểm tra, kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh có ý kiến: “Giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu bố trí lịch làm việc của UBND tỉnh với chủ đầu tư trong tháng 12/2021 để xem xét cụ thể các nội dung liên quan trước khi quyết định phương án xử lý. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị nội dung làm việc của UBND tỉnh với chủ đầu tư dự án nêu trên”.

Và mới đây, ngày 11/8/2022, UBND tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có Công văn số 5878/UBND.CN về việc xử lý Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An và xem xét nội dung đề nghị của trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương thu hồi diện tích 41,53ha thuộc giai đoạn 2 của Dự án trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Lý do thu hồi là do dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đầu tư.

Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: UBND tỉnh đã có chủ trương thu hồi hơn 41,5ha đất thuộc giai đoạn 2 của trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân (tại thị xã Cửa Lò). Dự án chậm tiến độ nên theo quy định, tỉnh sẽ thu hồi về để quản lý, theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, phần diện tích hơn 41,5ha thuộc trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân giai đoạn 2 có 20ha được quy hoạch là đất hỗn hợp (khu đô thị, du lịch, thương mại…), phần còn lại vẫn là đất giáo dục. Hiện, UBND tỉnh đang giao cho thị xã Cửa Lò phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn tất các quy trình thủ tục thu hồi theo quy định.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành liên quan và đặc biệt là quyết tâm xử lý các dự án chậm tiến độ của UBND tỉnh Nghệ An sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề một dự án “ôm đất” bỏ hoang kéo dài hàng chục năm qua.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích