Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”

(Xây dựng) – Sau thành tựu trong phát triển công trình xanh đối với lĩnh vực nhà ở, mới đây Tổng Công ty Viglacera – CTCP chính thức công bố 2 dự án bất động sản khác phát triển theo hướng xanh, thông minh. Đó là Khu công nghiệp (KCN) Thuan Thanh Eco-Smart IP tại tỉnh Bắc Ninh và dự án du lịch nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn tại tỉnh Quảng Ninh.

Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”
Viglacera công bố phát triển Thuan Thanh Eco-Smart IP thành KCN xanh và thông minh.

Chuyển hướng khai thác và kinh doanh KCN xanh, thông minh

Đầu năm 2024, Viglacera chính thức công bố Thuan Thanh Eco-Smart IP, quy mô 262ha là KCN xanh và thông minh, với mục tiêu hướng đến là mang lại những giá trị thiết thực đối với môi trường cũng như đối với nhà đầu tư. Sâu xa hơn nữa, Viglacera quyết tâm đổi mới quan điểm về đầu tư khai thác KCN theo hướng hiện đại, nhân văn.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng, Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera – CTCP cho biết, để thực hiện mục tiêu nói trên, Viglacera tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp thứ nhất là tiết kiệm năng lượng với hệ thống chiếu sáng thông minh, đề cao sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu đề ra tối thiểu lượng điện từ năng lượng mặt trời đáp ứng được nhu cầu chiếu sáng chung và một phần hệ thống phụ tải chung cho KCN.

Nhóm giải pháp thứ hai là kiểm soát phát thải ra môi trường thông qua việc áp dụng công nghệ trong quản lý hệ thống cấp nước, hệ thống tưới cây tự động, tái sử dụng nước mưa… Viglacera phấn đấu tái sử dụng 5%-25% nước thải làm nước tưới cây, đáp ứng khoảng 40%-100% nhu cầu nước rửa đường; giảm bùn thải không nguy hại với định lượng khoảng 406kg/ngày, tương đương 40% tổng lượng bùn thải phát sinh.

Nhóm giải pháp thứ ba là xanh hóa KCN với các loại cây có mức độ hấp thụ CO2 cao, hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn CO2/1 năm trong những năm đầu, tương đương với mức phát thải của gần 500 ô tô chạy xăng hàng năm. Giải pháp thứ tư là chuyển đổi số, quản lý tích hợp bằng phần mềm tại trung tâm điều hành, hệ thống quản lý chia sẻ dữ liệu, trung tâm tư vấn một cửa…

Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”
Viglacera phát triển Thuan Thanh Eco-Smart IP thành KCN xanh và thông minh với nhiều giải pháp.

“Mong muốn của chúng tôi là các nhà đầu tư được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN Thuan Thanh Eco-Smart IP”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Tại lễ công bố Thuan Thanh Eco-Smart IP là KCN xanh và thông minh, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Những gì Viglacera đang công bố và triển khai cho thấy doanh nghiệp hướng đến mức chi phí vận hành tối ưu hơn, hiệu quả hơn không chỉ cho chính họ mà cho các nhà đầu tư vào KCN”.

Đầu tư công trình xanh trên đảo

Dự án Angsana Quan Lạn Halong Bay Hotel and Resort (Angsana Quan Lạn) là dự án nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế trên đảo đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh. Ngay ở giai đoạn khởi động dự án có quy mô lớn này, Viglacera đã xác định đầu tư Angsana Quan Lạn đồng bộ, bài bản, theo tiêu chí công trình xanh, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này phù hợp với điều kiện công trình trên biển đảo, việc cung cấp nước ngọt và điện có nhiều hạn chế.

Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”
Angsana Quan Lạn là dự án nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế trên đảo đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và cũng là dự án du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên do Viglacera làm Chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Viglacera Vân Hải, đơn vị trực tiếp đầu tư Dự án Angsana Quan Lạn cho biết, dự án khai thác tối đa các giải pháp thân thiện với môi trường như hệ thống mái che bể bơi trang trí hoàn toàn bằng gỗ tầm vông, một loại vật liệu sẵn có của Việt Nam. 100% vật dụng gỗ khác của Angsana chỉ sử dụng gỗ công nghiệp. 100% hệ chiếu sáng là đèn led.

Tất cả các chủng loại vật liệu xanh do Viglacera sản xuất đều được ứng dụng tại dự án. Toàn bộ tường ngăn sử dụng gạch bê tông khí chưng áp AAC, tấm panel ALC. Thiết bị vệ sinh, sen vòi đều sử dụng thiết bị tiết kiệm nước. Hệ thống mặt dựng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng Low-E…

Hệ thống điều hoà được hỗ trợ bởi hệ thống chiller giải nhiệt nước. Nguyên tắc quay vòng tận dụng nhiệt lạnh thừa từ điều hoà các phòng hội trường, nhà hàng diện tích lớn được áp dụng triệt để. Lượng nhiệt thừa này được lọc gió tiếp một lần nữa, bảo đảm chất lượng, rồi chuyển tới cấp mát cho các phòng kỹ thuật. Hệ thống nước nóng sử dụng máy bơm nhiệt heat pump.

Tại lễ khai trương dự án Angsana Quan Lạn, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ghi nhận: Việc Viglacera đầu tư dự án Angsana Quan Lạn theo tiêu chí xanh chính là hành động đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”…

Đối diện tình trạng hiếm nguồn nước ngọt tại đảo Quan Lạn, Viglacera đầu tư hệ thống thu gom nước thải, đưa về trạm xử lý tập trung, rồi tận dụng tưới cây, rửa đường. Dự án Angsana Quan Lạn đã được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) cấp chứng nhận Công trình xanh EDGE Advance.

“Càng tự hào hơn nữa khi thông qua dự án, Viglacera góp phần phát triển ngành Du lịch sinh thái tại Quảng Ninh, gìn giữ môi sinh môi trường, góp phần bảo vệ an ninh biển đảo”, ông Nguyễn Thế Chinh tâm đắc nói.

Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”
Không gian nội thất thân thiện của dự án Angsana Quan Lạn.

Cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn

Việc chuyển đổi xanh mạnh mẽ của Viglacera trên cả 2 lĩnh vực hoạt động chủ chốt là sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư bất động sản cho thấy, tiêu chí “xanh” đã và đang là điều kiện tiên quyết trong các dự án do doanh nghiệp này đầu tư phát triển. Hơn thế, trong thời gian tới, Viglacera sẽ từng bước đưa ra những cam kết phát triển xanh mạnh mẽ hơn nữa, gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Theo đó, trong sản xuất VLXD, Viglacera đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, công nghệ xanh, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất xanh, đồng thời nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới như pin mặt trời, sản phẩm tấm sillic, tấm trần thạch cao, gạch block thủy tinh… từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Đối với bất động sản, Viglacera tiếp tục đầu tư kinh doanh nhiều loại hình sản phẩm như nhà ở thương mại, NƠXH, nhà ở công nhân, hạ tầng KCN, đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng.

Bài 4: Không ngừng thu nhỏ “dấu chân carbon”
Dự án Angsana Quan Lạn đã được IFC cấp chứng nhận Công trình xanh EDGE Advance.

Riêng trong phát triển KCN, giai đoạn từ nay đến đến năm 2025, Viglacera dự kiến phát triển thêm hơn 10 KCN, với diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000-3.000ha tại các địa bàn tiềm năng, nâng tổng số các KCN mang thương hiệu Viglacera lên trên 25, tổng diện tích các KCN lên 6.000-7.000ha.

Viglacera định hướng phát triển các KCN mới theo mô hình xanh, thông minh, với những mục tiêu cốt lõi là cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu; giảm tiêu thụ nước; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải…

Tại các KCN xanh, sinh thái mới này, Viglacera ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao. Đối với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, Viglacera cũng sẽ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất. Với chiến lược “xanh hóa” này, Viglacera kỳ vọng sẽ đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất thông minh, sản xuất xanh, thu hút các doanh nghiệp “đại bàng” lớn trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đến đầu tư nhà máy, nhà xưởng.

Nhìn lại hành trình gần 15 năm tiên phong phát triển xanh, có thể thấy các mảng hoạt động của Viglacera tương tác và hỗ trợ nhau mạnh mẽ. Các dự án bất động sản của Viglacera trở thành công trình mang tính biểu tượng trực quan sinh động cho thành tựu về vật liệu xanh, thông minh. Ngược lại, vật liệu xanh, thông minh góp phần giảm giá thành dự án và tạo ra các giá trị khác biệt về chất lượng, thương hiệu cho dự án bất động sản. Viglacera đĩnh đạc trở thành Thương hiệu Quốc gia uy tín.

Với những nỗ lực trong phát triển các dự án xanh, với cam kết phát triển xanh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Viglacera đang quyết tâm từng bước thu nhỏ “dấu chân carbon”, góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP 26.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích