Bài 4: Đếm không xuể các dự án du lịch chậm tiến độ kéo dài tại Quảng Bình
(Xây dựng) – Nhiều năm qua, hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp ở Quảng Bình được xây dựng nhưng lại nằm phơi mưa nắng. Người dân không chỉ xót xa sự lãng phí trong đầu tư xây dựng mà còn thấy rất nhiều vấn đề yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng được bộc lộ.
Qua 10 năm, Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh mới thi công phần thô tòa khách sạn. |
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án được thực hiện tại những vị trí sinh lời cao, đã thuê đất nhiều năm nhưng chậm tiến độ. Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh của Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu và được cho thuê đất từ năm 2009 với diện tích 4,25ha. Dự án này có tổng mức đầu tư 425 tỷ đồng, thời gian hoàn thành tháng 9/2020.
Tuy vậy, sau hơn 10 năm, dự án chỉ mới triển khai xây dựng phần thô 19 tầng của tòa nhà khách sạn, các hạng mục công trình khác chưa xây dựng. Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, chủ đầu tư dự án còn nợ ngân sách 5,539 tỷ đồng.
Dự án Khách sạn 5 sao Pullman (tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) với diện tích hơn 56.000m2. Dự án này được cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất vào năm 2016 với diện tích 5,85ha, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng. Quy mô sẽ xây dựng khối khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng 283 phòng ngủ khách sạn và 18 căn biệt thự nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế mang thương hiệu Pullman do Tập đoàn ACCOR quản lý và các dịch vụ đi kèm khác.
Thời gian hoàn thành dự kiến vào ngày 31/12/2019, song đến nay, dự án mới thi công phần thô của khối khách sạn và một số hạng mục phụ trợ khác với tổng giá trị thực hiện khoảng 300 tỷ đồng; hiện công trường đã tạm dừng thi công, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần du lịch Hà Nội – Quảng Bình còn nợ ngân sách 1,867 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã nộp hồ sơ trình thẩm định thiết kế kỹ thuật tại Bộ Xây dựng để xin cấp phép các hạng mục còn lại. Khó khăn nhất, nhà đầu tư đang gặp vấn đề về tài chính do các cổ đông chưa hoàn thành thủ tục góp vốn bổ sung. Mới đây, nhà đầu tư đang đề nghị điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ 1.100 tỷ đồng xuống mức 600 tỷ đồng.
Khách sạn 5 sao Pullman mới thực hiện phần xây lắp khoảng 300 tỷ đồng, đã tạm ngừng thi công. |
Tương tự, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà – Đá Nhảy tại xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) của Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình, được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 02/10/2009, diện tích sử dụng đất 16,1ha, với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thành dự án trong vòng 36 tháng kể từ ngày có quyết định giao đất.
Đến nay, dự án mới san gạt mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng công trình do chưa hoàn thành thủ tục xin đấu nối tại Cục Quản lý đường bộ – Bộ Giao thông Vận tải. Cùng đó, dự án đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết và cấp phép xây dựng.
Ngày 26/8/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 3227/QĐ-UBND cho Công ty Việt Thiên Bình gia hạn sử dụng đất đến tháng 8/2021. Tuy vậy, mốc thời gian này đã trôi qua, bên cạnh việc lập lán trại và cho xe máy, công nhân túc trực tại khu vực dự án, nhà đầu tư vẫn chưa có động thái mới.
Ngoài ra, một số dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư trước năm 2019, có diện tích lớn tại vị trí đẹp, nhưng đều chưa thực hiện ký quỹ đầu tư, chậm khởi công dự án như: Dự án Khách sạn 5 sao tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) của Công ty TNHH Đầu tư 533 Miền Trung; Resort Mgallery Quảng Bình của Công ty Cổ phần Đầu tư Trường Sơn; Khu du lịch sinh thái Phong Nha Retreat của Công ty Cổ phần Thảo Li…
Trước tình trạng nhiều dự án “án binh bất động” nhiều năm, lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến cơ hội của các nhà đầu tư có năng lực, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ để tổ chức rà soát các dự án chậm tiến độ; giám sát, đánh giá đầu tư theo kế hoạch đã được phê duyệt, Tổ rà soát còn có chức năng tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình xử lý các dự án chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phan Phong Phú – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết: Tỉnh sẽ xem xét những dự án chậm tiến độ quá lâu, nhà đầu tư chưa triển khai, hoặc không còn khả năng triển khai, tỉnh sẽ xem xét thu hồi quyết định giao đất, quyết định đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới.
Phòng Quản lý Đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình từng cho hay: Thời gian tới, đối với các dự án đã thuê đất nhưng chậm tiến độ nhiều năm không thuộc trường hợp giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định.
Phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang quá “nhẹ tay” cho các doanh nghiệp chậm tiến độ. Bởi chiếu theo các quy định pháp luật, nhiều dự án đã đáng lẽ phải bị thu hồi. Theo Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Luật đầu tư cũng quy định sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư.
Không những thế, dư luận đang đặt vấn đề các dự án này có được tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch hay không? Nếu đấu thầu thì việc xem xét năng lực, tài chính, kinh nghiệm của các nhà đầu tư có đúng không? Tại sao lại dẫn đến các tình trạng nêu trên. UBND tỉnh Quảng Bình cần kiểm tra và làm rõ trên để trả lời công luận.
Nguồn: Báo xây dựng