Bài 3: Từ những tuyến đường huyết mạch trở thành những công trình giao thông trọng điểm

(Xây dựng) – Giao thông vận tải được xem là mạch máu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Suốt những năm chiến tranh, đây là một mặt trận nóng bỏng. Trên mặt trận này, cuộc chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ diễn ra rất quyết liệt. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, những người chèo lái con tàu đất nước vẫn không ngừng nỗ lực để cho thành tựu của sự phát triển được thông suốt dặm dài mảnh đất hình chữ S. Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hàng loạt các dự án phát triển kinh tế – xã hội đang được Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ…

bai 3 tu nhung tuyen duong huyet mach tro thanh nhung cong trinh giao thong trong diem
Quốc lộ 1A từng được gọi là con đường thiên lý, đi xuyên suốt qua 31 tỉnh, thành của Việt Nam.

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải, để giao thông vận tải đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: “Giao thông vận tải là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’ và “Giao thông vận tải phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân’’.

Quốc lộ 1A – huyết mạch kinh tế của cả nước

Trong những năm đầu quá trình đổi mới, ngành đường bộ đã hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: cầu Bến Thuỷ, Thái Bình, Yên Bái, Đò Quan, Việt Trì, Tràng Tiền, Phong Châu… và các quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 80, Quốc lộ 24. Nhiều đô thị mới cũng đã mọc lên dọc theo các tuyến đường. Giao thông miền núi, giao thông nông thông trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với ngân sách địa phương và sức dân, hàng ngàn con đường liên huyện, liên xã… đã được mở ở nhiều nơi từ Bắc – Trung – Nam, tạo ra mạng lưới giao thông trải rộng trên khắp đất nước.

Quốc lộ 1A được ví như xương sống và kéo dài suốt từ Bắc vào Nam. Khởi đầu từ (Km0) tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan trên biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc (thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) và điểm kết thúc là huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 2.360km. Đây là tuyến đường quan trọng hàng đầu Việt Nam, đi qua trung tâm của nhiều thành phố lớn từ Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

PGS.TS Bùi Phú Doanh – Trưởng khoa Cầu Đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ về tầm quan trọng trong việc nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đối với sự phát triển kinh tế – xã hội: Tuyến đường Quốc lộ 1A phục vụ rất hữu ích cho quá trình thông thương giữa 3 miền. Nhờ sự thuận lợi về vận tải giúp thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, giao lưu kinh tế giữa các vùng với nhau. Từ đó, những động lực kinh tế mới hình thành, thúc đẩy sự phát triển cho nhiều khu vực. Nhiều tuyến đường song hành được bố trí để tăng cường kết nối.

Tuyến đường Quốc lộ 1A đi dọc theo đất nước phục vụ cho quá trình giao thông – giao thương, đảm bảo và thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh nền kinh tế trong nước và tăng cường giao lưu kinh tế giữa các vùng trong và ngoài nước.

Hầm Hải Vân – dấu ấn hành trình Bắc Nam của hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á

bai 3 tu nhung tuyen duong huyet mach tro thanh nhung cong trinh giao thong trong diem
Với tổng chiều dài 13,938 km trong đó chiều dài đường hầm là 6,280 km, hầm Hải Vân là công trình hầm giao thông đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á và là 1 trong 30 hầm dài nhất thế giới.

Không chỉ là một công trình có quy mô lớn và hiện đại, hầm Hải Vân còn đem đến cho các kỹ sư xây dựng Việt Nam những quan điểm mới, những bài học kinh nghiệm quý báu trong thiết kế, thi công và khai thác công trình hầm nói chung và công trình hầm giao thông đường bộ nói riêng.

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là công trình giao thông tổng hợp gồm: Đường, hầm, cầu và hệ thống trang thiết bị vận hành kèm theo với tổng chiều dài 13,938 km, trong đó chiều dài của đường hầm là 6,280 km. Phía bắc hầm Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế, phía Nam thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng.

Trước khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác, các phương tiện giao thông trên tuyến huyết mạch Bắc – Nam phải qua đèo Hải Vân. Đường đèo dài khoảng 21 km với những nhược điểm cố hữu là hẹp, độ dốc lớn, đường cong bán kính nhỏ, tầm nhìn hạn chế, sương mù, một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng với bao nguy hiểm rình rập trên từng mét đường. Những sự cố, tai nạn giao thông lúc nào cũng có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Sụt mái taluy dương, trượt mái taluy âm, một tảng đá lăn, một vụ tai nạn giao thông xảy ra đều có thể làm dòng giao thông huyết mạch phải dừng lại vài tiếng đồng hồ, có khi đến vài ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, an ninh quốc phòng. Năm 1999, mưa lũ đã làm cho nhiều điểm trên đèo Hải Vân bị sụt trượt, thậm chí một vài đoạn đường đã bị trượt xuống vực sâu, làm cho giao thông trên Quốc lộ 1A bị ngưng trệ mấy ngày và phải mất vài tháng với biết bao sức người, sức của mới khôi phục lại được tuyến đường như cũ. Hầm Hải Vân được xây dựng nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân thuộc địa phận ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng.

Khi hầm Hải Vân được đưa vào hoạt động, giao thông qua hầm Hải Vân rút ngắn được gần 1/2 chiều dài, nhưng thời gian chỉ còn 1/4 so với đi đường đèo. Mức độ tiêu hao nhiêu liệu, hao mòn xe, khả năng tai nạn giảm nhiều, tạo động lực phát triển công nghiệp, kinh tế – xã hội, du lịch cho tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung, đồng thời là cửa ngõ cho trục giao thông Đông – Tây từ Lào, Thái Lan vươn ra biển Đông, đến với thế giới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, hầm đường bộ Hải Vân là một minh chứng sinh động cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của những kỹ sư xây dựng. Bên cạnh ý nghĩa về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình hầm Hải Vân còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Đông – Tây, góp phần đưa khu vực miền Trung-Tây Nguyên Việt Nam xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á cũng như hội nhập quốc tế.

Cao tốc Bắc Nam – tương lai hội nhập với thế giới

Nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch là đường cao tốc Bắc – Nam, cũng nối thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam.

bai 3 tu nhung tuyen duong huyet mach tro thanh nhung cong trinh giao thong trong diem
Cao tốc Bắc – Nam kết nối các tỉnh, thành phố các trung tâm kinh tế – chính trị lớn của đất nước.

Trong thời kỳ mới, xây dựng con đường cao tốc Bắc – Nam có ý nghĩa rất lớn. Đây là sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan tỏa kinh tế – xã hội cấp quốc gia, là động lực vật chất thúc đẩy các địa phương cất cánh. Nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá chiến lược này, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai để sớm hoàn thành.

Có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế – chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế…

PGS.TS Bùi Phú Doanh nhận định: Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…

Ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương. Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%… trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Trong thời kỳ mới, đường bộ cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên (thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương), đến nay cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km, tương ứng 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm; chưa hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc” như Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hàh Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra. Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định một trong 3 đột phá chiến lược là Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông…”.

Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã thông qua.

Cầu Thăng Long – Biểu tượng hòa bình của Thủ đô

Ngày 6/7/1973, Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long nay là Tổng Công ty xây dựng Thăng Long được thành lập để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cầu Thăng Long – cây cầu lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

bai 3 tu nhung tuyen duong huyet mach tro thanh nhung cong trinh giao thong trong diem
Cầu Thăng Long có hai tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435 mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5 m (có thể chạy ô-tô 10 tấn). Tầng trên là đường ô-tô rộng 15 m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5 m. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5 km, tính theo đường ô-tô (tầng trên) hơn 3,1 km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6 km.

Khi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang bước vào giai đoạn kết thúc thì Đảng và Chính phủ ta quyết định xây dựng một cây cầu lớn vượt sông Hồng tại Hà Nội để nối liền mạng lưới giao thông đường sắt và đường bộ ở phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long là một công trình cầu lớn đặc biệt cả về quy mô và khối lượng, một công trình xây dựng trọng điểm của cả nước ta trong hai thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước.

Để triển khai thi công xây dựng cầu Thăng Long, ngành Giao thông Vận tải đã tập trung lực lượng của 12 công ty tinh nhuệ của bộ và lực lượng gồm 9.805 người, trong đó có 6.000 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật.

Công trường có mặt bằng trải rộng trên 100ha đất của 8 xã thuộc hai huyện Đông Anh và Từ Liêm. Công tác giải phóng mặt bằng trên 100ha để chuẩn bị công trường nhanh gọn phải kể đến sự đóng góp quan trọng của nhân dân và chính quyền 8 xã thuộc hai huyện Đông Anh và Từ Liêm nơi có câu đi qua.

Sau hơn một năm chuẩn bị, ngày 26/11/1974, cầu Thăng Long được chính thức khởi công xây dựng. Ngày 9/5/1985, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe cầu Thăng Long, sau 11 năm thi công, cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô.

Nói về tầm vóc của công trình cầu Thăng Long, PGS.TS Bùi Phú Doanh cho biết: Với tổng chiều dài toàn bộ cầu khoảng 10,7 km, Thăng Long là cây cầu dài nhất Việt Nam tính ở thời điểm đó. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55 cm. Cầu cũng được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, xứng danh với tên gọi “công trình thế kỷ”, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm tháng qua đi, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng trên địa bàn Thủ đô vượt qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn mang một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền Thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Ngày cầu Thăng Long thông xe, người dân Thủ đô đã được thưởng thức mãn nhãn màn pháo hoa chúc mừng khánh thành cầu bên cây cầu hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Từ quá trình thi công cầu Thăng Long, một thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được trui rèn, trở thành lao động lành nghề, nắm vững kỹ thuật xây dựng thêm nhiều công trình “100% nội địa hóa”, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông nước nhà. Hơn 30 năm khai thác, cầu Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía bắc với Thủ đô Hà Nội. Đến nay, mỗi khi đi qua cầu Thăng Long, nhiều người vẫn chú ý đến tấm biển biểu tượng hữu nghị Việt – Xô dựng ở ngay đầu cầu. Khí thế Rồng Bay hòa quyện biểu tượng mang hình cánh buồm thể hiện tình hữu nghị mãi mãi vươn xa, vững bền.

Những công trình trên đây là những công trình còn mãi với thời gian, đây cũng là thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực của ngành Xây dựng, ngành Giao thông vận tải. Trong thời gian ngắn, những công trình này góp phần đã làm thay đổi diện mạo và tầm vóc đất nước, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của đất nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bài 4: Nâng tầm vóc đất nước với những đại đô thị hiện đại

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích