Bài 3: Quy hoạch đô thị – Cần bảo tồn, phát huy, phát triển những đô thị di sản
(Xây dựng) – “Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tỷ lệ đô thị hóa cao, vị trí gần Thủ đô Hà Nội cùng sức hút từ Vùng Thủ đô, Bắc Ninh sẽ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và trở thành một trong những đô thị mạnh nhất trong Vùng Thủ đô với 2 tính chất nổi trội là “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp” – Đó là chia sẻ của PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra nhanh và mạnh, diện mạo đô thị khởi sắc, thay đổi từng ngày. |
PV: Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về đô thị, ông đánh giá như thế nào về quy hoạch đô thị ở Việt Nam nói chung và quy hoạch đô thị Bắc Ninh nói riêng?
PGS.TS Lưu Đức Hải: Hiện nay, quy hoạch đô thị Việt Nam đã từng bước hoàn thiện cùng với sự hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp quy. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, các đô thị cổ của nước ta được hình thành từ rất sớm như các cụm đô thị với chức năng hành chính, kinh tế, quân sự là: Hà Nội – Hải Phòng, Huế – Đà Nẵng, Sài Gòn – Chợ Lớn…
Để thúc đẩy quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đặc biệt đến quá trình đô thị hóa. Hiện, chúng ta đã có Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009) và Luật Quy hoạch (năm 2017), hai luật này đã có sự phối kết hợp trong tiến trình phát triển đô thị Việt Nam, trên cơ sở xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt và theo pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta cần hoàn thiện đồng bộ Bộ luật Đô thị, theo tinh thần “Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 06 đề ra đó là: “Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới…”.
Theo tôi, việc thực hiện Nghị quyết 06 là cơ sở chính trị quan trọng, gợi mở ra 4 vấn đề chính cần có trong Bộ luật về đô thị là: Quy hoạch đô thị; Xây dựng đô thị; Quản lý đô thị; Phát triển đô thị. Trong đó, Bộ luật về đô thị sẽ gồm nhiều luật thành phần.
Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa xây dựng được đầy đủ các luật thành phần thì cần phải có đề tài nghiên cứu khoa học, nhằm đề xuất một bộ khung về Bộ luật Đô thị nói chung; và từ cơ sở khoa học đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các Luật thành phần lần lượt ra đời, từng bước lấp đầy các khoảng trống cho tới khi hoàn thành các luật thành phần của Bộ luật Đô thị.
Hình ảnh Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc nhìn từ trên cao. Đây là kết quả của quá trình thực hiện xây dựng theo quy hoạch đầu thế kỷ XXI; tái hiện hình ảnh về những mái đình, chùa vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc xưa. |
Về Bắc Ninh, sau 27 năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), kinh tế – xã hội của tỉnh này đã và đang phát triển mạnh mẽ. Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, với những thị xã, thị trấn “đèn dầu”, cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay đã được xây dựng khang trang và bề thế, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Về hệ thống đô thị, Bắc Ninh có tốc độ phát triển nhanh. Tỉ lệ đô thị hóa tăng từ 9% năm 1997 lên 60,3% năm 2023, vượt 15,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước (41,8%). Trong đó, tỉnh này có 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh) và 01 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn). Cả 2 thành phố có 100% đơn vị hành chính là phường. Có 3 đô thị loại IV là: Thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và huyện Yên Phong, 4 đô thị loại V là các thị trấn: Lim (huyện Tiên Du), Thứa (huyện Lương Tài), Gia Bình và Nhân Thắng (huyện Gia Bình)…
Lấy cảm hứng từ cấu trúc mái đình, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang nét kiến trúc độc đáo, thể hiện hơi thở của thời đại. |
Về quy hoạch đô thị, năm 2015, Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đầu tiên được phê duyệt (theo Quyết định số 1560/QĐ-TTg). Các Trung tâm hành chính của Bắc Ninh lần lượt được xây dựng như: Cung quy hoạch, Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Nhà hát quan họ… với lối kiến trúc sáng tạo, vừa mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn đan xen được yếu tố truyền thống, các công trình kiến trúc của tỉnh Bắc Ninh đã thể hiện được sự gắn kết đô thị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai trong tiến trình đô thị hóa.
Cùng với sự phát triển của đô thị hóa, Bắc Ninh cũng là một trong những “đô thị công nghiệp” phát triển với 16 khu công nghiệp tập trung (tổng diện tích 6.397,68ha), 01 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp…; tuy là tỉnh có diện tích nhỏ, nhưng tổng diện tích các khu công nghiệp cũng như quy mô trung bình một khu công nghiệp của tỉnh này đều ở mức cao, chỉ đứng sau Quảng Ninh và Hải Phòng (trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ).
Minh chứng rõ nét về “Đô thị công nghiệp” của tỉnh này còn thể hiện ở hiệu quả thu hút FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2024, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước.
Để nói sâu hơn, Bắc Ninh – Kinh Bắc xưa là vùng đất có thành Kinh Bắc nằm ở phía Bắc của kinh thành Thăng Long (Hà Nội); cùng với thành Nam Định (phía Nam), thành Hải Dương (phía Đông), thành Sơn Tây – xứ Đoài (phía Tây), tạo thành 04 đô thị vệ tinh của kinh thành Thăng Long, trường tồn qua mọi thời kỳ lịch sử và đi cùng năm tháng…
Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn được biết đến là một vùng đất hiếm và linh thiêng, cái nôi hình thành nền văn hóa Việt với 7 Thủy tổ (Thất tổ) là: Nam Bang Thủy Tổ – Kinh Dương Vương; Chùa Tổ – chùa Dâu; Nam giao học tổ – Sĩ Nhiếp; Thủy tổ – Lý Thái Tổ (vị vua sáng lập vương triều Lý); Tổ Trúc Lâm Thiền sư – Lý Đạo Tái (Huyền Quang); Tổ quân khí – Cao Lỗ Vương; Thủy tổ Quan họ – Đức Vua Bà.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu không nhắc đến: Đền Tổ – đền Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ (được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành), nơi thờ 3 vị Thủy Tổ của người Việt thì có lẽ là một thiếu xót. Đây cũng là ngôi đền cổ nhất và duy nhất ở Việt Nam. Do đó, theo tôi cần xác định lại, Bắc Ninh có “Bát tổ” thay vì “Thất tổ” theo thống kê như hiện nay.
Với những giá trị vô giá về di sản văn hóa – sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển và thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tại Nghị quyết 06, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện quy hoạch đô thị bài bản, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện đúng tinh thần “Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/07/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và “Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước…”.
Do đó, để phát triển bền vững đô thị theo định hướng và cụ thể hóa theo Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, Bắc Ninh cần có quy hoạch vùng, tỉnh làm tiền đề, điều chỉnh và định hướng phát triển không gian trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế – xã hội và hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô.
Sau 27 năm, diện mạo đô thị của Bắc Ninh được khoác thêm chiếc áo mới, đô thị được chỉnh trang, cải thiện ngăn nắp, quy hoạch bài bản, hiện đại. |
PV: Được đánh giá là đô thị có quy hoạch bài bản, tầm nhìn chiến lược, theo ông, Bắc Ninh đang có những ưu, nhược điểm gì? Đâu là lợi thế của tỉnh này thưa ông?
PGS.TS Lưu Đức Hải: Theo tôi, một đô thị rộng lớn về diện tích và quy mô dân số sẽ có những thuận lợi nhất định cho sự phát triển, ngược lại một đô thị nhỏ hơn sẽ có những mặt hạn chế. Nhưng điều đó chỉ áp dụng cho các đô thị thông thường, còn đối với những đô thị mang bản sắc dân tộc đậm đà và cổ xưa như Bắc Ninh như tôi đã chia sẻ ở trên, thì cũng sẽ có nhiều lợi thế trong thúc đẩy đô thị phát triển, điều mà đô thị lớn khó có được, nhất là các đô thị lớn có vùng nông thôn rộng.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn có lợi thế, “có một không hai” mà khó có đô thị nào ở Việt Nam có được, vì đây là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa của bốn con sông mang chữ “Đức” là: sông Đuống (Thiên Đức) – sông Cầu (Nguyệt Đức) – sông Thương (Nhật Đức) – sông Lục Nam (Minh Đức) và có 8 “Thuỷ tổ ”- “Bát tổ ” trường tồn theo năm tháng.
Cũng chính từ sự đặc biệt “có một không hai” đã tạo dựng cho tỉnh này 02 “Đô thị di sản” Luy Lâu và Vũ Ninh và hiện nay trở thành 02 đô thị đang trên đà phát triển (là thị xã Thuận Thành và thị xã Quế Võ); đây là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Bắc Ninh, nhất là về bảo tồn di sản văn hoá, phát triển du lịch và đẩy mạnh tiến trình đô thị hoá.
PV: Với sự đặc biệt “có một không hai” thì diện tích nhỏ nhất so với cả nước chưa hẳn là bất lợi của Bắc Ninh, ông đánh giá về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Lưu Đức Hải: Có nhiều trường hợp điển hình về đô thị, đất nước có diện tích và quy mô dân số nhỏ như: Thành quốc Vatican – một quốc gia độc lập, diện tích chỉ vỏn vẹn 44ha, quy mô dân số 825 người (theo số liệu năm 2019). Hay Singapore – quốc gia, đô thị nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 6 triệu dân, diện tích khoảng 719km2. Mật độ dân số năm 2023 của nước này khoảng 8.330 người/km2 (theo thống kê của Macrotrends). Chiếu sáng Việt Nam, diện tích của quốc gia Singapore chỉ bằng diện tích huyện Cần Giờ (diện tích 704,45km2, dân số năm 2019 là 71.526 người, mật độ dân số đạt 102 người/km2) của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy có diện tích và quy mô dân số nhỏ, nhưng cả hai quốc gia kể trên đều không thể sáp nhập vào một quốc gia khác.
Đối với Bắc Ninh, nếu chỉ xét về yếu tố diện tích thì tỉnh này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi xem xét đô thị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng xét về quy mô, nó cũng có những lợi thế nhất định như: Có tốc độ phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hóa cao, vị trí gần Thủ đô Hà Nội cùng sức hút từ Vùng Thủ đô. Bắc Ninh sẽ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và trở thành một trong những đô thị mạnh nhất trong Vùng Thủ đô với 2 tính chất nổi trội là “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp”.
Vì thế, cần đặt và xét tỉnh này theo yếu tố “Đô thị đặc thù” không nên chỉ xét dưới góc nhìn về dân số và diện tích như một đô thị thông thường; và nên có một cơ chế đặc thù riêng. Điều này cũng cần được lưu ý khi thành lập các đô thị biển, đảo – các đô thị phên dậu của Tổ quốc vì ý nghĩa về an ninh quốc phòng (theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
“Đô thị di sản”, “Đô thị công nghiệp” là hai tính chất nổi trội của tỉnh Bắc Ninh. |
PV: Vậy theo ông, việc giải bài toán quy hoạch đô thị tại Bắc Ninh có khó không?
PGS.TS Lưu Đức Hải: Bản chất của đô thị Bắc Ninh rất đặc biệt, bởi nó mang trong lòng hai loại đô thị đặc thù là: “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp”. Đây cũng là 2 tính chất nổi trội của tỉnh này như tôi vừa trao đổi. Trong tương lai, nếu định hướng trở thành đô thị thông minh và đô thị xanh thì cũng cần liên kết với tính chất “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp” để thông minh hoá trên các lĩnh vực này và đồng bộ chúng. Đây là những tính chất nổi trội của Bắc Ninh cần được bảo tồn, phát huy, phát triển.
Trong quy hoạch đô thị, việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Trung ương về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” một cách sinh động, nó không chỉ bền vững cho sự “phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế – công bằng xã hội – bảo vệ môi trường” mà còn góp phần cho sự bền vững về đơn vị hành chính của một đô thị hoàn chỉnh trên phương diện văn hóa – lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc của một đô thị cổ nhất Việt Nam.
Với những tính chất đó, Bắc Ninh cần tập trung thực hiện theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt đồng bộ với quy hoạch Vùng Thủ đô, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Đây cũng sẽ là căn cứ để tỉnh Bắc Ninh – một đô thị xanh – thông minh – di sản – công nghiệp, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng