Bài 3: Một công trình sáu giá trị khác biệt, ba điểm ghi nhớ
(Xây dựng) – Như tin đã đưa, ngày 01/9, Quảng Ninh khánh thành Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn báo cáo công trình giao thông đường bộ này có sáu giá trị khác biệt và ba điểm ghi nhớ.
Công trình cao tốc Vân Đồn – Móng Cái động thổ xây dựng 3/4/2019, khánh thành đưa vào sử dụng từ 01/9/2022. |
Vắn tắt lại thông tin về Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Công trình giao thông đường bộ cao tốc này xây dựng theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT thành 2 dự án độc lập với tổng chiều dài toàn tuyến 80,23km, có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, tổng mức đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và thực tế tham quan tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. |
Công trình khởi công xây dựng vào ngày 3/4/1019, có nét đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo.
Ngày 01/7/2020, Quảng Ninh tổ chức phát động chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành dự án; càng được đẩy lên mạnh mẽ trong giai đoạn thi công nước rút khi ngày 02/9/2021, tỉnh đã phát động đợt thi đua cao điểm 100 ngày đêm thần tốc hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Năm địa phương cấp dưới tỉnh gọi chung là huyện đã phát động chiến dịch giải phóng mặt bằng và đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Chỉ sau 15 ngày phát động, toàn bộ 1.186/1.186 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh dự án tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công dự án, 326 hộ phải bố trí tái định cư, 320 ngôi mộ phải di chuyển, với diện tích thu hồi khoảng 527ha.
Quá trình triển khai thi công xây dựng, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn hết sức phức tạp, địa hình thi công liên tục thay đổi, khối lượng của dự án rất lớn, gần 15 triệu m3 đất đá, xây dựng 35 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 7,9km, 4 nút giao, 3 cầu vượt nút giao, 17 cầu vượt, 47 hầm chui dân sinh, 291 cống các loại…
Sau 25 tháng thi công, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành và khánh thành đưa vào sử dụng kết nối với cao tốc Vân Đồn – Hải Phòng (đã có) tạo hệ thống liên hoàn với Cao tốc Quảng Ninh – Hải Phòng; Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai… Quảng Ninh thay đổi cục diện không chỉ là tỉnh vùng núi Bắc bộ, mà còn là tỉnh vùng Duyên hải, đồng bằng sông Hồng và trong trục tam giác kinh tế năng động Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đúc rút ra sáu giá trị khác biệt và ba điểm ghi nhớ. |
Công trình xây dựng Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đúc rút ra sáu giá trị khác biệt và ba điểm ghi nhớ đó gồm:
Một là, con đường của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự đồng thuận, ủng hộ, hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Hai là, con đường của khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ba là, con đường mang tầm nhìn chiến lược mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt – Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông – Tây Bắc với vùng Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…
Bốn là, con đường của kết nối đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.
Năm là, con đường của trách nhiệm với sự nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư; cường độ làm việc không ngừng nghỉ của hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân viên và máy móc thiết bị để hoàn thành trên 80km đường cao tốc, với 35 cây cầu trong vòng 500 ngày đêm trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.
Sáu là, con đường thân thiện chào đón bạn bè trong, ngoài nước tới các vùng Di sản.
Công trình đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đoạn Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,08km, đầu tư xây dựng 3.658 tỷ đồng bằng ngân sách; đoạn Vân Đồn – Móng Cái dài 63,25 km, đầu tư 9.113 tỷ đồng bằng nguồn lực ngoài ngân sách. |
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chắp với cao tốc đã có ở Quảng Ninh, kết nối liên hoàn với Cao tốc Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai thành con đường bộ cao tốc dài nhất Việt Nam. |
Công trình có ba điểm ghi nhớ về huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách gồm: Dự án đường cao tốc Tiên Yên – Móng Cái được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, tổng chiều dài 63,25 km, tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên có tổng chiều dài 16,08km, tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng. Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn để thực hiện đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là 1.455 tỷ đồng cùng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Bia đá lưu danh công trình cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đặt ở điểm cuối tuyến tại nút giao cầu Bà Mai, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái. |
Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai 46 dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, công trình tiêu biểu trong 10 năm nay về đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Nguồn: Báo xây dựng