Bài 26: Trung tâm hội nghị Hàm Rồng bị bỏ hoang – tiền của dân đâu phải lá đa?
(Xây dựng) – Trung tâm hội nghị Hàm Rồng thuộc Dự án phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa, có tổng kinh phí đầu tư 160 tỷ đồng. Từ khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, trung tâm chưa một lần được sử dụng đúng mục đích, gần một năm nay đã bị bỏ hoang và xuống cấp nhanh chóng.
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng có nhiều hạng mục xuống cấp, bỏ hoang. |
Một công trình đồ sộ được đầu tư vốn “khủng”
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng tọa lạc tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa được đầu tư xây dựng để phục vụ các sự kiện lớn của thành phố và của tỉnh. Công trình khởi công xây dựng vào tháng 6/2013, hoàn thành vào tháng 11/2014. Năm 2015, Trung tâm được sử dụng tạm thời làm trụ sở của UBND thành phố Thanh Hóa.
Năm 2019, Trung tâm hành chính thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Hải hoàn thành và đưa vào sử dụng, cơ quan Thành ủy, UBND thành phố chuyển về trụ sở mới. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Trung tâm được tỉnh trưng dụng làm điểm cách ly tập trung bệnh nhân nhiễm Covid-19 một thời gian, sau đó ngừng hoạt động và bỏ hoang cho đến nay.
Theo Quyết định phê duyệt đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm có kiến trúc theo mô hình truyền thống gồm: Nhà trung tâm đón tiếp, tòa hội trường chính, nhà nghỉ sinh thái và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật; mặt bằng tầng hầm; hệ thống phòng làm việc; không gian trưng bày; không gian đa năng… với diện tích xây dựng 3.419m2, diện tích sàn 5.560m2. Nhà nghỉ sinh thái gồm 5 tòa biệt thự 2 tầng, diện tích xây dựng mỗi tòa 162m2, diện tích sàn 300m2. Ngoài ra còn có hệ thống tường rào, cổng, đường giao thông nội bộ, sân lát đá, bồn hoa, cây xanh, hệ thống điện, cấp thoát nước…
Trở thành hoang phế không một bóng người
Có mặt tại đây, trước mắt PV là một khung cảnh đìu hiu. Từ nhà đón tiếp tới tòa nhà trung tâm, phòng họp, nhà ăn, nhà bếp, phòng làm việc, nhà vệ sinh… nhiều phòng khóa cửa, nhiều phòng chỉ khép hờ, tất cả đều trong tình trạng bụi phủ đầy, ẩm mốc, nhiều mảng trần bong tróc, tấm nhựa ốp trần vỡ rơi lả tả.
Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng bên trong Trung tâm. |
Phía sau tòa nhà trung tâm, 5 căn nhà nghỉ sinh thái được gắn biển từ nhà A đến nhà E, cũng cùng chung “cảnh ngộ”, đều trong tình trạng không người trông coi, và đã có biểu hiện xuống cấp. Đẩy cánh cửa kính không khóa vào trong tòa nhà B, đi từ tầng một lên tầng 2, PV ghi nhận tất cả các phòng đều trống trơn, chỉ có bụi bặm và mạng nhện giăng đầy, muỗi vo ve. Phía trước các tòa nhà là những bồn hoa, cây cảnh um tùm cỏ dại, lá khô rụng đầy… Chiều muộn, nắng nhạt dần, tiếng chim bìm bịp từ dãy núi kề bên vọng lại, càng tăng thêm vẻ đìu hiu của công trình đồ sộ này.
Tiền dân đâu phải lá đa?
Chia sẻ với PV, một vị cán bộ hưu trí bức xúc: “Không biết trước khi thông qua chủ trương đầu tư, đặt bút ký quyết định phê duyệt, những người có trách nhiệm có cân nhắc, xem xét, đánh giá tính khả thi, sự cần thiết của công trình này không? Hay họ chỉ quan tâm đến khoản “bôi trơn, lại quả”, để bây giờ một công trình lớn, giá trị hàng trăm tỷ đồng bỏ hoang, hư hỏng như thế này? Dù là đầu tư công bằng nguồn vốn vay, được ưu đãi, nhưng cuối cùng nhà nước vẫn phải trả nợ. Mà ngân sách nhà nước, chung quy lại cũng là tiền của dân, do dân đóng góp, tiền của dân đâu phải lá đa để họ chi dùng một cách hoang phí thế này?”.
Theo chúng tôi, nỗi xót xa, bức xúc của người dân là chính đáng. Bởi trung tâm hội nghị này được đặt ở vị trí xa trung tâm thành phố, không thuận tiện về giao thông. Hơn nữa, trên địa bàn thành phố đã có Trung tâm Hội nghị 25B, chuyên phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh. UBND thành phố cũng đã có trung tâm hành chính mới đưa vào sử dụng, với đầy đủ cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, trong đó có toà hội trường lớn đủ khả năng tổ chức các sự kiện trọng đại, đông người tham gia.
Được biết, để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh đang có phương án đưa một số đơn vị sự nghiệp về làm việc tại Trung tâm hội nghị Hàm Rồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế với không ít bất cập, tồn tại bởi vị trí này khá xa khu trung tâm thành phố, việc đi lại mất thời gian, nhất là phải đầu tư thêm kinh phí để thay đổi, sửa chữa một số hạng mục cho phù hợp với công năng, mục đích sử dụng mới.
Ngoài công trình Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn không ít các công trình, dự án khác cũng đang trong tình trạng bỏ hoang, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả như: Trường Thanh Hoa tọa lạc trên khu đất “vàng” gần trung tâm hành chính thành phố; cảng cá Hoằng Phụ; Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa; hàng loạt chợ trung tâm xã… những công trình, dự án trên đều có kinh phí từ vài tỷ đến vài chục tỷ, dù được xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp hay xã hội hóa, dù không đưa vào sử dụng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Nhưng tất cả đều đang gây lãng phí, “làm nghèo” đất nước.
Các tòa nhà đều bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. |
Cần xem “tội lãng phí” như tiêu cực, tham nhũng
Từ nhiều năm nay, cụm từ “tham nhũng, lãng phí” luôn đi liền với nhau, phản ánh về thực trạng nhức nhối đang diễn ra trong xã hội, kéo dài từ năm này qua năm khác, đã “góp phần” làm nghèo đất nước, gây suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Gần đây, tại Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ “Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sát sườn đối với chúng ta… Đôi khi, lãng phí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng, trong khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn lực thì tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là một nguồn tích lũy lớn nếu cả nước tập trung thực hiện”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Đảng và Nhà nước nên đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí, đặt “tội lãng phí” ngang với tham nhũng, tiêu cực. Người có thẩm quyền nếu không làm tròn trách nhiệm được giao, gây ra lãng phí lớn, cần được xem xét, xử lý nghiêm minh tùy theo mức độ thiệt hại do lãng phí gây ra, nhẹ thì kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức, nghiêm trọng hơn phải đưa ra truy tố, đứng trước “vành móng ngựa” chịu sự trừng phạt của pháp luật. Có như vậy mới có thể giảm thiểu, tiến tới chặn đứng sự lãng phí, quan liêu thậm chí chạy theo lợi ích nhóm, làm việc theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Nguồn: Báo xây dựng