Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ

(Xây dựng) – Công ty Môi trường – TKV là doanh nghiệp chuyên ngành về công tác bảo vệ môi trường sau khai thác than, đang rất nỗ lực thực hiện việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hoạt động khai thác và khi than xuất mỏ, theo phương châm “xanh hóa” khai trường mỏ.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Công ty Môi trường – TKV nòng cốt trong việc trồng cây phục hồi môi trường các khu vực kết thúc khai thác đổ thải mỏ.

Dân các đô thị vùng than nhận xét, đâu có dấu chân Công ty Môi trường – TKV là ở đó hệ lụy môi trường của nghề khai khoáng được hạn chế. Như xây dựng hệ thống băng tải kín tải than trên khai trường và qua khu dân cư, không dùng xe cộ dễ phát tán bụi bận ra môi trường; xây kè làm cống rãnh tránh úng lụt, đất đá sạt lở; cải tạo bãi thải trồng cây xanh; quản lý vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ. Năm 2023, xử lý 145 triệu m3 nước thải mỏ, nước thải mỏ đạt mức cá bơi, cây thủy sinh xanh tốt mới đổ ra sông suối; và thu gom xử lý 3.879 tấn chất thải công nghiệp (chưa tính khối lượng thu gom lốp ô tô mỏ thải loại).

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Trạm Xử lý nước thải mỏ Núi Nhện do Công ty Môi trường – TKV quản lý xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường.

Nội dung bài này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tập trung nêu vấn đề hoàn nguyên môi trường mà Công ty Môi trường – TKV là nòng cốt trồng rừng phủ xanh bãi thải mỏ, khai trường mỏ đã đóng cửa mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Giai đoạn 2021-2025, TKV xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường các dự án kết thúc theo tiến độ. TKV phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ trồng khoảng 150-200ha cây xanh, đến nay đã trồng được khoảng 2.000ha.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Các mỏ than sôi nổi hưởng ứng lời Bác dậy “mùa xuân là Tết trồng cây” phủ xanh đất trống, bãi thải mỏ.

Riêng năm 2023, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, cũng như chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, TKV đã phát động phong trào trồng cây đầu năm ngay từ mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão. Các đơn vị thành viên cũng tổ chức trồng cây tại các khu vực bãi thải đã kết thúc đổ thải, xung quanh khai trường, khuôn viên mặt bằng điều hành sản xuất, đường lên bãi thải, các khu vực ranh giới mỏ tiếp giáp dân cư.

Ngoài các loại cây truyền thống đã sống và sinh trưởng tốt trên môi trường đất đá thải mỏ như cây keo, năm nay, một số đơn vị cũng đã bắt đầu trồng các loại cây gỗ lớn theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh. Điển hình, năm 2022, TKV đã trồng được 7,44ha các loại cây gỗ lớn; năm 2023 trồng được 1,2 triệu cây xanh trên diện tích 225ha, trong đó có 32,7ha cây gỗ lớn.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Cây trồng trên bãi thải mỏ được chăm sóc chẳng mấy đã thành rừng, chim chóc về làm tổ.

Công ty Môi trường – TKV tiếp tục tham mưu cho các mỏ duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu “Xanh hoá môi trường khai thác mỏ và đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”, triển khai thực hiện “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV”.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Khu bãi thải chính Bắc của mỏ Núi Béo đóng cửa, do Công ty Môi trường – TKV phủ xanh, nay rừng tầng tầng lớp lớp khó nhận ra đây từng là khai trường.

TKV và các đơn vị thành viên cam kết sẽ tập trung triển khai, thực hiện tốt Đề án bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh.

Giai đoạn 2024-2025, TKV phấn đấu mỗi năm trồng 600.000 đến 800.000 cây xanh, tương đương 150-200ha. Tiêu biểu là ngay trong ngày đầu ra quân xuân Quí Mão, Công ty CP Than Đèo Nai – Vinacomin đã trồng được hơn 4.000 cây lát hoa tại khu vực mức +300 bãi thải Nam Khe Tam; Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 bãi thải trong khai trường vỉa 14. Năm 2023, Công ty CP Than Hà Tu đã đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng trồng 13ha cây xanh, như: Cây lát hoa, cây phi lao… Dự kiến năm 2024 này, Công ty CP Than Hà Tu phấn đấu trồng thêm 17,9ha cây xanh tại khu vực bãi thải Chính Bắc.

Năm 2023, Công ty Môi trường – TKV riêng trồng cây phục hồi môi trường các khu vực kết thúc khai thác đổ thải được 522,96ha. Cụ thể, vùng than Mạo Khê trồng được 24,97ha, vùng Uông Bí trồng được 8,39ha, vùng Hạ Long trồng được 272,847ha, vùng Cẩm Phả trồng được 201,581ha.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Nhiều khoảng rừng trồng thâm niên cây đã cổ thụ.

Với nỗ lực và nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao trong bảo vệ môi trường, đặc biệt ưu tiên nhân rộng nhiều diện tích trồng cây xanh, hoàn nguyên khai trường. Thời gian qua, TKV mà Công ty Môi trường là nòng cốt đã kịp thời xử lý, ngăn ngừa bụi than mới phát sinh phát tán ra môi trường; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất than của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận khai trường mỏ đã được cải thiện rõ rệt, đó là kết quả của phương châm “xanh hóa” khai trường mỏ.

Bài 2: “xanh hóa” khai trường mỏ
Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp nguy hại.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích