Bài 2: Nhận diện những chướng ngại vật

(Xây dựng) – Việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, phương án tiếp cận nguồn vốn và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện là hai rào cản chính hiện nay trong quá trình xanh hóa khu công nghiệp tại Việt Nam.

Bài 2: Nhận diện những chướng ngại vật
Bất chấp những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và những ưu đãi còn khiêm tốn, chủ đầu tư vẫn hoàn thành các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh (Trong ảnh: Khu công nghiệp Nam tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Khó khăn trong xây dựng phương án tiếp cận nguồn vốn

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS – Energy xác nhận rằng, doanh nghiệp hiện đang rất khó, nếu không muốn nói là gần như không có khả năng tiếp cận với tài chính xanh cả về yếu tố kỹ thuật và nguồn nhân lực.

“Chúng ta nói rất nhiều về tài chính xanh, nhưng quả thật chưa làm được bao nhiêu. Gần như 100% doạnh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận được tài chính xanh cả trong nước và nước ngoài”, ông Trần Anh Đông nhận định.

Lý do là, doanh nghiệp không có hiểu biết về tài chính xanh, về các nguồn vốn có thể hỗ trợ họ, về việc làm sao để tiếp cận nguồn vốn, về các điều kiện để có thể được xem xét cho vay… Hơn thế nữa, doanh nghiệp hiện cũng chưa có đủ nguồn nhân sự có hiểu biết về phát triển bền vững, về tài chính xanh để chuẩn bị các hồ sơ cần và đủ để tiếp cận nguồn vốn.

“Một số doanh nghiệp đã hiểu rằng cần phải tiến hành xanh hóa càng sớm càng tốt, tuy nhiên, họ không biết bắt đầu từ đâu và phải làm thế nào”, ông Trần Anh Đông giải thích. Giải pháp ở đây, theo ông Trần Anh Đông ngoài việc trông chờ vào hỗ trợ của chính phủ, thì chính các doanh nghiệp phải năng động hơn để tìm kiếm nguồn vốn xanh. “Ngoài tranh thủ nguồn trong nước, tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài. Nguồn vốn xanh trên thị trường quốc tế hiện nay khá dồi dào, vấn đề là làm sao để tiếp cận thành công mà thôi”, ông nói.

Đây cũng là “thử thách kép” cho doanh nghiệp và là nhiệm vụ không mấy dễ dàng khi vừa lo hoạt động sản xuất – kinh doanh ổn định, vừa lo tìm kiếm nguồn vốn để chuyển đổi xanh.

Để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn tài chính từ các quỹ nước ngoài, theo ông Trần Anh Đông, mọi thông tin phải minh bạch, phương án kinh doanh rõ ràng, có lợi nhuận ổn định ở mức cao và nhất là, phải có lộ trình chuyển đổi xanh hợp lý, hiệu quả.

“Thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho các định chế tài chính quốc tế, khi theo ước tính của cơ quan chức năng, đến năm 2030, để trung hòa khí thải Việt Nam cần ít nhất 368 tỷ USD. Con số này đến năm 2050 là 900 tỷ USD”, ông Trần Anh Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững và Chống biến đổi khí hậu (Deloitte Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tài chính xanh, một phần do chưa được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và xu hướng không thể đảo ngược được của phát triển bền vững trên toàn cầu, phần nữa là, hiện có khá nhiều khung tiêu chuẩn xanh mà nhiều doanh nghiệp đang không biết cần phải hay nên tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn nào và bộ tiêu chuẩn nào là phù hợp với họ.

“Có doanh nghiệp kêu gọi vốn để sản xuất ôtô xanh, bởi theo cách hiểu của họ, ô tô xanh là dòng sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và sạch hơn, song trên thực tế, theo tiêu chí phân loại xanh của Ủy ban châu Âu (EU), ôtô xanh phải đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe thì mới được gọi là xanh như phát thải dưới 95g CO2/km”, bà Phạm Thị Minh Hương cho biết.

Về khó khăn này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích rằng, tín dụng xanh vẫn còn bị “nghẽn” ở đâu đó mà chưa thể đến được người cần vay, mà trước mắt có thể chỉ ra 3 lý do: Một là, các tổ chức tín dụng trong nước chưa thiết kế được sản phẩm tín dụng xanh phù hợp, mà chủ yếu chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và ngành nghề theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; Hai là, mặc dù đã có một số quy định về trái phiếu xanh nhưng quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành; Ba là, chi phí đầu tư dự án xanh thường cao, nên việc đánh giá, thẩm định dự án cũng đặt ra bài toán lớn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

“Bên cạnh đó, nhận thức của thị trường đối với trái phiếu xanh và bền vững còn chưa đồng đều. Có doanh nghiệp đã nhận thức đúng, nhưng cũng có doanh nghiệp mới hiểu một cách sơ khai, chưa đủ, nên chưa quyết liệt trong việc tìm kiếm nguồn vốn”, ông Cấn Văn Lực nhận định.

Hệ thống pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện

Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và tư vấn (JLL Việt Nam) nhận thấy, khó khăn nổi bật mà các khu công nghiệp gặp phải khi chuyển đổi xanh là “thiếu quy trình triển khai toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ”.

Đơn cử như việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái hoặc phát triển khu công nghiệp sinh thái đều thiếu những quy định cụ thể. “Hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp sinh thái vẫn chưa được đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về khu công nghiệp xanh, thông minh vẫn còn nằm rải rác trong nhiều bộ luật, quy định khác nhau nên việc thực hiện còn khó khăn”, bà Lê Thị Huyền Trang cho biết.

Ngoài ra, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải cũng chưa được quy định rõ. “Có cơ quan còn có sự nhầm lẫn trong việc quy định quản lý việc sử dụng lại chất thải công nghiệp. Luật pháp còn đang quy định chất thải phải được quản lý bởi các đơn vị chuyên môn thay vì trở thành nguyên liệu thô cho các nhà máy lân cận theo nguyên tắc “cộng sinh công nghiệp”, bà Lê Thị Huyền Trang phân tích.

Hơn thế, Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ về thuế, thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái, nhà phát triển hạ tầng công nghiệp để khuyến khích triển khai, xây dựng khu công nghiệp đạt chứng nhận khu công nghiệp sinh thái. “Việc thiếu các chính sách ưu đãi tài chính khiến các nhà phát triển chưa đủ động lực theo đuổi các sáng kiến có lợi cho môi trường”, bà Lê Thị Huyền Trang nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia tư vấn độc lập về hóa chất và môi trường đánh giá, tiềm năng cộng sinh công nghiệp ở các khu công nghiệp Việt Nam là rất lớn, song pháp lý và chính sách còn chưa khuyến khích về tài chính và kinh tế cho doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp năng lượng tái tạo; thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn phức tạp, thiếu chính sách hỗ trợ… Đặc biệt, trong lĩnh vực tái sử dụng và tái chế chất thải, chính sách cũng chưa đủ mạnh để phát triển thị trường sản phẩm tái chế.

“Một số doanh nghiệp phản ánh, họ gặp khó khi muốn đưa chất thải ra bên ngoài công ty để cung cấp cho đơn vị khác, bởi quy định là chất thải phải được xử lý trước khi đưa ra ngoài. Ngoài ra, nếu muốn tái sử dụng nước thải sau xử lý, hiện cũng chưa có hướng dẫn và quy chuẩn kỹ thuật để dùng nước này cho việc tưới cây và làm nước đầu vào cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Kim Liên cho biết.

Đồng quan điểm, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu xét đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP, một trong những khó khăn thực tế mà nhiều đơn vị phát triển khu công nghiệp đang gặp phải là việc hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng xử lý chất thải trong khu công nghiệp) tại nhiều địa phương được xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục đã đầu tư trước đó, nên xét theo các quy chuẩn mới về khu công nghiệp sinh thái sẽ không đáp ứng được các tiêu chí.

“Như vậy, nếu muốn hình thành các khu công nghiệp sinh thái, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ phải xây mới lại từ đầu, chứ không dễ dàng chuyển đổi từ các hạ tầng hiện hữu”, ông Trương Khắc Nguyên Minh cho biết.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã ban hành được 2 năm, nhưng vẫn chưa có cơ chế áp dụng, cơ chế ưu đãi một cách rõ ràng. “Là đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp thứ cấp, khu công nghiệp Việt Nam mong muốn giảm được chi phí đầu tư hạ tầng, từ đó có thể đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư”, ông Trương Khắc Nguyên Minh nói.

“Chúng ta đang làm rất tốt trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ chiến lược ngoại giao kinh tế của Chính phủ và những lợi thế của Việt Nam, nhưng thách thức tiếp theo của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì nguồn vốn FDI một cách bền vững, lâu dài. Đồng thời phải xây dựng chuỗi liên kết xuôi, đẩy mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị cao, từ đó đưa nền kinh tế Việt Nam lên nấc thang giá trị cao hơn”, ông Trương Khắc Nguyên Minh khuyến nghị.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cần phải xây dựng khung hợp tác hiệu quả với các đơn vị tư vấn và các tổ chức quốc tế như UNIDO, Chính phủ Thụy Sĩ. Sau đó cần có các phương án, các kế hoạch triển khai và hướng dẫn rõ ràng cụ thể, dễ tiếp cận cho tất cả các bên liên quan. Điều này yêu cầu sự chú trọng trong giai đoạn đầu thực hiện và cũng là giai đoạn quan trọng nhất.

Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập các quy định để hướng dẫn thực hiện các cơ chế trao đổi và bù đắp tín dụng carbon, cũng như các quy định liên quan đến đấu giá, chuyển nhượng và trao đổi các định mức khí thải nhà kính (GHG).

Về ưu đãi tài chính và tài chính xanh, cần thúc đẩy thị trường tài chính xanh và tạo điều kiện để chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh; cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể cho công nghệ xanh là những bước quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi này.

Ngoài ra, các nhà phát triển và nhà đầu tư cần khám phá và tích hợp các yếu tố bền vững vào tất cả các dự án để sẵn sàng cho những thay đổi mới trong yêu cầu phát triển khi Việt Nam cố gắng đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

“Năm 2022, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 khu công nghiệp trên cả nước cho thấy, có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý, 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích