Bài 2: Liệu những gam màu có đang xám dần?

LTS:

Trong cuốn khảo cứu “Đi xuyên Hà Nội“, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến đã nhận định “Biệt thự nằm trên các con phố Hà Nội được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không thủ đô châu Á nào lại có nhiều “vườn trong phố” như vậy và nó không còn là tài sản riêng Hà Nội của Việt Nam mà là tài sản của kiến trúc thế giới. Hơn một nghìn biệt thự đã biến Hà Nội từ một cô gái xộc xệch cuối thế kỷ XIX thành một cô gái duyên dáng mượt mà, sang trọng và đẹp đẽ vào giữa thế kỷ XX”. 

Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thiên của lịch sử, biệt thự cổ Hà Nội hiện nay không chỉ là những công trình mang nhiều giá trị về văn hoá, kiến trúc mà còn là di sản của ký ức lịch sử. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp trầm trọng, những dấu ấn “vang bóng một thời” lại đang là bài toán khó giải với nhà quản lý đô thị và giới kiến trúc hiện đại.

Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và tiến hành cải tạo, trùng tu nhằm “hồi sinh” các công trình. Tuy nhiên, sau gần một năm cơ bản hoàn thành việc tu sửa một công trình được coi là “công trình mẫu về tu bổ biệt thự” của Hà Nội, diện mạo mới của căn biệt thự này lại nhận về nhiều những tranh cãi từ dư luận. 

Cần có chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội như thế nào để vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” quý giá này, để nét duyên dáng thế kỷ XX không lạc lõng trong lòng đô thị thế kỷ XXI?

Trên tinh thần góp ý và xây dựng để hoàn thiện các giải pháp về chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: “Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải”.

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Sau khi khởi đăng tuyến bài: “Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải”, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và nhiều kiến giải mang tính khoa học, thực tiễn của các chuyên gia, kiến trúc sư và độc giả. Cùng trong chuyên đề này, Reatimes trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài viết của TS. KTS. Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – với những phân tích toàn cảnh về Bức tranh quỹ biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội.

Điều đáng hoan nghênh là Hà Nội – một trong số các đô thị lớn chứa đựng nhiều dấu ấn kiến trúc của Pháp – đã thống kê và đánh giá kịp thời quỹ biệt thự di sản thời kỳ thuộc địa mà mình đang lưu giữ. Tuy nhiên, đó chỉ mới là phần mở đầu của một câu chuyện mà phần tiếp theo mới thực sự gây đau đầu cho các nhà quản lý khi phải đề xuất các phương cách ứng xử với từng nhóm nói chung và từng biệt thự nói riêng trên cơ sở những đánh giá, xếp loại trước đó. Hàng loạt vấn đề xuất hiện, vấn đề này kéo theo vấn đề kia một cách “bất tận” khiến sau bao nhiêu năm Hà Nội vẫn chưa thể tìm ra được những giải pháp hợp lý và bền vững.

Đầu tiên là những vấn đề, vướng mắc về mặt pháp lý. Không thể phủ nhận là các biệt thự tuy có giá trị kiến trúc nhất định nhưng giá trị đó lại chưa đủ để chúng có thể được xếp hạng di tích, điều này khiến chúng không được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa mà chỉ được xem như những công trình kiến trúc xây dựng (có giá trị) được chi phối bởi Luật Kiến trúc và Luật Xây dựng.

Như vậy, việc sửa chữa, cải tạo sẽ tuân theo các quy trình đánh giá giá trị vật chất xây dựng còn lại hơn là giá trị tinh thần di sản mà các biệt thự này mang lại. Chính vì vậy, khi xuống cấp, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, nhiều biệt thự được đề nghị phá bỏ vì đã có trường hợp các biệt thự này tự sập đổ.

Có không ít biệt thự tọa lạc tại vị trí đắc địa trên những con phố lớn của Hà Nội đang xuống cấp, xập xệ tới mức báo động. (Nguồn: Reatimes)

Thứ hai là những vấn đề, vướng mắc về mặt tài chính. Kể cả các biệt thự được xếp hạng di tích thì với số lượng đông đảo, nguồn kinh phí cho việc bảo tồn gần như bất khả thi. Hiện nay, nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng chủ yếu do các chủ thể quản lý và sử dụng các biệt thự đảm nhận: Có thể là ngân sách nhà nước đối với các biệt thự thuộc sở hữu và quản lý bởi các cơ quan Nhà nước, có thể là nguồn kinh phí tự có đối với các biệt thự được giao quyền sử dụng cho các doanh nghiệp, có thể là nguồn tài trợ từ các tổ chức, hội đoàn bên ngoài đối với các biệt thự gắn với những sự kiện, danh nhân…, và cũng có thể là không có nguồn kinh phí nào cả đối với các biệt thự đã bị chia năm xẻ bảy cho nhiều cá nhân, hộ gia đình sử dụng.

“Tham vọng của Hà Nội về cải tạo, chỉnh trang hơn 1.200 biệt thự sẽ là bất khả thi khi không chỉ đòi hỏi rất nhiều kinh phí mà còn đòi hỏi cả thời gian”.

TS.KTS. Trần Minh Tùng

Thứ ba là những vấn đề, vướng mắc về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Đa phần các biệt thự được xây dựng nửa đầu thế kỷ XX với những vật liệu phổ thông, lại chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nhiệt đới với nắng, gió, mưa, ẩm nhiều nên khi không có sự duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì sự xuống cấp càng xảy ra nhanh hơn khiến đôi lúc phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp như thay thế các cấu kiện, vật liệu.

Mặt khác, trong quá trình sử dụng, các biệt thự lại được cấy ghép, thêm thắt, thay đổi bởi những chủ thể sử dụng khác nhau, trong khi đó, hồ sơ thiết kế nguyên gốc thì không đầy đủ, thậm chí bị thất lạc hoặc không có.

Điều này dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn khi thiếu các nguồn cứ liệu về những cấu kiện, vật liệu của công trình nên các chuyên gia phải sử dụng đến các phương pháp phỏng đoán, so sánh, đối chiếu với các công trình tương tự về mặt thể loại hay thời gian khiến việc bảo tồn, trùng tu gặp nhiều ý kiến tranh cãi, trái chiều không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong giới chuyên gia về mức độ, cách thức hay tính nguyên gốc, tính chân xác trong việc bảo tồn.

TS.KTS Trần Minh Tùng Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
TS.KTS. Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Cuối cùng là những vấn đề, vướng mắc về hiệu quả sử dụng. Rõ ràng là kinh phí để bảo tồn, trùng tu một công trình là rất tốn kém, thậm chí cao hơn nhiều so với đầu tư xây dựng mới công trình đó. Tuy nhiên, sau khi bảo tồn, trùng tu, các biệt thự được bảo tàng hóa, chỉ khai thác chủ yếu dựa trên giá trị di sản, giá trị giáo dục cộng đồng thay vì giá trị kinh tế.

Như vậy, chi thì nhiều nhưng thu lại không đáng khiến những biệt thự này lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi không đủ sức tự tạo ra nguồn tài chính để bảo dưỡng hàng năm cũng như các nhà đầu tư không cảm thấy hấp dẫn về hiệu quả.

Tóm lại, ngoài một số ít các biệt thự nhóm 1 và 2 đang được quản lý và sử dụng hiệu quả, góp phần tạo nên hình dung về quá khứ của Hà Nội, chẳng hạn như nhóm các biệt thự chuyển thành các đại sứ quán ở khu vực đường Trần Phú, Chu Văn An, hay nhóm các biệt thự là nơi ở cho các lãnh đạo cấp cao dọc đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, với một số lượng lớn các biệt thự nhóm 3 chiếm hơn một nửa, các nhà quản lý các cấp gần như không thể quán xuyến, chăm sóc được nên dù biết tình trạng xuống cấp, biến dạng xảy ra từng ngày nhưng thực sự “lực bất tòng tâm”, đành chấp nhận phó mặc cho số phận và thời gian.

Điều này đã dẫn đến tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, nghĩa là không dám phá bỏ khi các biệt thự đã xuống cấp trầm trọng, nhưng cũng không thể nâng cấp, cải thiện, phục hồi các giá trị của chúng.

Thời gian gần đây, một số biệt thự điển hình, có giá trị kiến trúc và sức ảnh hưởng cộng đồng đã được Hà Nội lựa chọn để bảo tồn, trùng tu thể hiện qua những nỗ lực tạo dựng khung chính sách từ các nhà quản lý, những thảo luận và sáng kiến chuyên môn từ các chuyên gia trong và ngoài nước, kinh phí được huy động, xã hội hóa từ các nguồn lực khác nhau đã khiến cho Hà Nội có “thêm” những công trình để hoàn chỉnh bức tranh lịch sử đô thị.

Tuy đa phần những công trình này mới chỉ mang tính thử nghiệm thông qua những trường hợp đơn lẻ, nhưng rõ ràng, xét trên một góc nhìn tích cực thì chúng cũng đã xới xáo lên những luồng dư luận, cũng như những quan điểm xã hội về một quỹ di sản đầy tiềm năng của Hà Nội, giúp người dân có ý thức hơn về sự tồn tại của những biệt thự – chứng nhân của một thời kỳ lịch sử.

Từ bối cảnh thực tế và những kinh nghiệm rút ra qua các dự án thử nghiệm bảo tồn, trùng tu một số biệt thự điển hình đã nêu trên, có vẻ tham vọng của Hà Nội về cải tạo, chỉnh trang hơn 1.200 biệt thự sẽ là bất khả thi khi không chỉ đòi hỏi rất nhiều kinh phí mà còn đòi hỏi cả thời gian, trong khi các biệt thự tồn tại xấp xỉ 100 năm, tức là đã tới hạn tuổi thọ công trình.

Hà Nội cần có nhiều hơn và táo bạo hơn những sáng kiến, ý tưởng về việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thời kỳ thuộc địa Pháp. (Nguồn ảnh: Reatimes)

Rõ ràng, một trong những giải pháp quan trọng cấp bách mà Hà Nội phải thực hiện là tiếp tục lập danh mục lựa chọn những biệt thự tiêu biểu và điển hình (trong danh mục 1.216 biệt thự đã xác định năm 2022), có giá trị về nghệ thuật kiến trúc dựa trên sự đánh giá chuyên môn của các chuyên gia kết hợp giá trị xã hội thông qua sự đánh giá cộng đồng để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến sự cân bằng về việc khai thác giá trị di sản lẫn giá trị kinh tế bởi bất cứ sự phát triển bền vững nào cũng phải dựa trên ba trụ cột cơ bản môi trường, xã hội và kinh tế.

Thứ nhất là bền vững môi trường khi chúng ta thay vì phá bỏ và xây mới thì hoàn toàn có thể tái sử dụng, tái phát triển các biệt thự thời kỳ thuộc địa Pháp – một nguồn tài nguyên hấp dẫn và sẵn có của kiến trúc Hà Nội – thành những công trình đóng góp vào đời sống đương đại.

Thứ hai bền vững xã hội khi người Hà Nội có thêm những hiểu biết về một thời kỳ lịch sử của thành phố cũng như cộng đồng có thêm những không gian di sản với nhiều hoạt động công cộng được tổ chức tại những ngôi biệt thự sau khi bảo tồn, trùng tu.

Cuối cùng là bền vững kinh tế khi các biệt thự sau bảo tồn, trùng tu có thể phát huy giá trị di sản của mình để chuyển hóa thành các giá trị kinh tế thông qua các hoạt động và sự thu hút du khách, chí ít là đủ kinh phí để cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm, và xa hơn là đóng góp phần nào cho việc bảo tồn, trùng tu những biệt thực khác.

Để được như vậy, với vai trò là một thành phố sáng tạo và tiên phong, Hà Nội cần có nhiều hơn và táo bạo hơn những sáng kiến, ý tưởng về việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thời kỳ thuộc địa Pháp dựa trên các nguồn lực nội tại của thành phố cũng như sự hỗ trợ từ bên ngoài./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích