Bài 2: Giải pháp “xanh” cho nhà ở xã hội
(Xây dựng) – Trong những năm qua, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) không ngừng tăng cao và được coi là phân khúc chính của thị trường bất động sản. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn tồn tại quan niệm NƠXH là nhà ở giá rẻ nên hầu như một số tiêu chí tiện nghi chưa được quan tâm, trong đó có tiêu chí “xanh”, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như vì lợi ích lâu dài của người dân, việc đưa ra các giải pháp “xanh” cho các dự án NƠXH, thu nhập thấp là vô cùng cần thiết.
Nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình, Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: T/L) |
Áp dụng tiêu chí “xanh” vào dự án NƠXH
Thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH, cùng Chính phủ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng NƠXH thân thiện với môi trường hay còn gọi là NƠXH xanh vẫn còn khiêm tốn.
Ông Vũ Linh Quang, Thành viên Ban Giám đốc Hội đồng công trình xanh (CTX) Việt Nam, cho rằng, đối với việc xanh hóa NƠXH, chứng chỉ EDGE là sự lựa chọn phù hợp cho NƠXH trong việc tăng hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu. Mỗi cấp chứng chỉ sẽ có những yêu cầu khác nhau, chắc chắn là sẽ có một mức tăng chi phí nhưng rất nhỏ so với giá trị mà chủ đầu tư mang lại cho cư dân và hạn chế mức tăng nhờ vào sự chủ động ngay từ đầu của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thiết kế đến thi công, tăng cường mảng xanh, không gian sống…
Đồng quan điểm, ông Trịnh Tùng Bách, chuyên gia tư vấn CTX cho biết: “Việc thực hiện CTX đối với NƠXH, thu nhập thấp không dễ. Khi tham gia tư vấn, chúng tôi phải xem xét rất kỹ tiêu chí nào thực hiện được với loại nhà ở này và làm cách nào để đạt được tiêu chí tối thiểu nhằm đạt chuẩn CTX. Trong EDGE có nội dung xanh là giảm được chi phí điện, nước hàng tháng cho người sử dụng. Điều này rất phù hợp với phân khúc NƠXH. Riêng NƠXH khi làm xanh, truyền thông đánh mạnh vào chi phí điện, nước. Khi nhìn vào thị trường, tất cả các dự án NƠXH luôn trong tình trạng không có hàng để bán vì nhu cầu sử dụng cao”.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, phát triển đô thị xanh và CTX tại Việt Nam hiện đang là một nội dung trong Chương trình quốc gia về Tăng trưởng xanh rất được quan tâm.
Đáng chú ý, một số công trình nhà ở, dự án khu nhà ở mới xây dựng đã được cấp chứng chỉ CTX của các tổ chức LEED, EDGE, Lotus, Green Mark cũng như đã đạt giải thưởng Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vinh danh CTX của Tổng Hội xây dựng Việt Nam, giải thưởng kiến trúc khu vực và quốc tế…
Tuy nhiên, phần lớn các công trình và khu nhà ở đạt tiêu chí xanh là những nhà ở thương mại thuộc phân khúc cao cấp và biệt thự gia đình có thu nhập cao. Để xây dựng một đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững, một tiêu chí quan trọng là các công trình xây dựng trong đô thị, đặc biệt nhà ở cần phát triển theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nhà ở xanh một cách rộng rãi tới phân khúc các nhà ở gia đình trong các khu dân cư xây mới và khu dân cư hiện hữu, các dự án NƠXH, nhà ở giá rẻ tại các đô thị…
Cũng có một số ý kiến cho rằng, CTX là sử dụng hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu… giảm ô nhiễm, đem lại sức khỏe cho người sử dụng nên phải coi đó là một tiêu chí khi lập dự án.
Cùng các tiêu chí xanh khác, không gian xanh, thiết kế cảnh quan, hạ tầng đồng bộ là một trong những điểm nổi bật của Ecohome 3. (Ảnh: T/L) |
Mặt khác, xu thế phát triển và hiệu quả của CTX đã rõ, vấn đề là cụ thể hóa bằng chính sách, gắn tiêu chí CTX với phân hạng nhà chung cư; ban hành chương trình hỗ trợ dài hạn từ tín dụng, quỹ đất đến chiến lược phát triển nhà ở… để CTX xuất hiện rộng hơn, ở cả phân khúc nhà ở trung bình hay giá rẻ, chứ không chỉ phân khúc nhà cao cấp.
Còn TS.KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư, trước khi bắt tay vào làm NƠXH, các nhà đầu tư nên có điều tra xã hội học về nhu cầu, đối tượng khách hàng mà mình sẽ hướng tới, đồng thời, không nên xem nhẹ việc thiết kế và quy hoạch, bởi quy hoạch và thiết kế đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành NƠXH bền vững…
Tín dụng xanh cho NƠXH xanh
Theo các chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu phát triển các dự án NƠXH xanh không khó, chỉ cần cơ quan quản lý thúc đẩy, thu hút các chủ đầu tư tham gia và tuyên truyền cho người mua hiểu tầm quan trọng của NƠXH xanh.
Ông Trần Đăng Toàn, Phó Tổng Giám đốc phát triển dự án, Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cho biết, NƠXH đơn thuần và NƠXH xanh nằm ở việc hoạch định pháp lý, tiếp đó là tín dụng đầu ra cho khách hàng. Để một dự án NƠXH thành công thì yếu tố đầu ra là quan trọng nhất. Thế nhưng, hiện nay khách hàng đang vướng vấn đề tài chính khi lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tăng trong thời gian qua. Mức cho vay đang khó với người có thu nhập thấp dám vay để mua nhà đồng thời các doanh nghiệp rất khó khăn khi lãi suất tăng…
Về tín dụng xanh cho NƠXH, ông Trịnh Tùng Bách, Chuyên gia tư vấn CTX cho hay, các Ngân hàng nước ngoài sẵn sàng cho các CTX hoặc các chủ đầu tư, người mua nhà vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về tín dụng xanh của nước ta chưa đủ để các ngân hàng thực hiện cho vay.
Theo ông Trịnh Tùng Bách thì chưa có dự án nào vay được vốn xanh. Các Ngân hàng đa phần cho người mua nhà vay vốn ưu đãi thấp hơn 1-2% so với lãi suất thị trường. Còn vay vốn xanh thực sự để phát triển dự án thì hiện nay chưa có. Bản thân chủ đầu tư rất muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhưng rất khó khăn, không thể tiếp cận do chưa có hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể về loại vốn này. Điều này gây ra lãng phí khi có vốn nhưng chủ đầu tư không được sử dụng.
Nếu như chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn này thì chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn. Chỉ cần giảm 1% tiền vay thì chủ đầu tư đã có tiền để đầu tư xanh. Như vậy, phải có cơ chế ưu đãi thì CTX mới phát triển, có ưu đãi khuyến khích trong giai đoạn đầu và tạo dựng thành quy định luật…
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tham gia tích cực vào Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ.
Để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào NƠXH cũng phải đảm bảo các tiêu chí “xanh” để đáp ứng được điều kiện vay vốn. Có một thực tế là do kinh phí hạn hẹp, nhiều dự án NƠXH chưa đạt được tiêu chuẩn “xanh” về xây dựng hoặc chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng hiện nay ngày càng đặt ra cấp bách về tiêu chuẩn “xanh”. Để thúc đẩy quá trình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người mua NƠXH xanh có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi qua ba kênh: Ngân hàng chính sách xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và các chương trình vay vốn hỗ trợ từ Chính phủ…
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 927/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới.
Ảnh minh họa. |
Mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị 34-CT/TW; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân về công tác phát triển NƠXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác phát triển NƠXH.
Kế hoạch nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát triển NƠXH; rà soát, hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật có liên quan đến NƠXH; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phát triển NƠXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển NƠXH; đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển NƠXH.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển NƠXH theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển NƠXH. Nhà nước tập trung phát triển NƠXH cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển NƠXH, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ NƠXH. Mở rộng nguồn vốn phát triển NƠXH từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài.
Khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án NƠXH. Bố trí cấp đủ nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội, các Ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho vay ưu đãi phát triển NƠXH. Rà soát, đổi mới, tiếp tục mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua NƠXH theo chính sách về NƠXH.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội diễn ra vào trung tuần tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay NƠXH. Công tác phát triển NƠXH được Thủ tướng nhấn mạnh là một trong 6 định hướng lớn trong thời gian tới.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc này, giao Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Theo đó, gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác. Đáng chú ý, nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.
Mặc dù, việc phát triển NƠXH xanh gặp nhiều thách thức về chi phí và quy mô, nhưng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng và sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với từng địa phương, các dự án NƠXH xanh được kỳ vọng sẽ được triển khai nhiều và rộng khắp cả nước. Và trên hết, những cư dân tại các dự án NƠXH đều có “quyền” được sinh sống và thụ hưởng không gian sống xanh, thân thiện môi trường có thể ngang bằng với các dự án xanh cao cấp khác.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng