Bài 2: Cổ phần hóa cảng thủy đội địa “giá bèo”, ai được, ai mất?

Trong các bài viết trước, Báo Thanh tra đã đề cập hàng loạt sai phạm trong cổ phần hóa (CPH) được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra tại Tổng Cty Vận tải thủy (VIVASO). Đây là vấn đề không mới và đã được nhiều chuyên gia cảnh báo tại nhiều hội thảo, tọa đàm khi nói về thực trạng thất thoát tài sản công hậu CPH doanh nghiệp Nhà nước…

Bài 2: Cổ phần hóa cảng thủy đội địa “giá bèo”, ai được, ai mất?
Cảng Ninh Phúc hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: LP

Công thức chung của việc lũng đoạn chính sách CPH là sở hữu đất vàng và xẻ thịt đất cho thuê, từng bước chuyển đổi mục đích sử dụng để trục lợi, thông qua quan hệ, tác động để làm cho tiến trình, thủ tục đấu giá không đảm bảo minh bạch.

Nhiều thủ đoạn khuất tất trong quá trình định giá doanh nghiệp, điển hình là định giá thiếu tài sản của doanh nghiệp, đối tượng nhà đầu tư tham gia đều “có quan hệ”, không đa dạng, giá trúng đấu giá chỉ nhỉnh chút so với giá khởi điểm, từ đó trục lợi từ việc giá mua rẻ, không tương xứng với giá trị thực của doanh nghiệp. Sự xuống cấp và sa sút trong kinh doanh, nhân viên mất việc trong hệ thống cảng đường thủy nội địa cũng bắt nguồn từ công thức chung hậu CPH.

Kết luận thanh tra số 1758/KL-TTCP ngày 3/10/2022 của TTCP về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong CPH, thoái vốn tại Tổng Cty Vận tải thủy (VIVASO) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, cùng chung một công thức “thâu tóm” đất vàng các cảng thủy nội địa.

Theo TTCP, việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước tại cảng Hà Nội lên tới hơn 16 tỉ đồng.

Đối với việc kiểm kê Cảng Việt Trì (Phú Thọ), Cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), TTCP cho rằng Bộ GTVT phê duyệt dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án.

Bên cạnh đó, Cty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam, Tổng Cty Vận tải thủy thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản thiếu danh mục Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc (dự án WB6) và chưa xử lý dứt điểm tài sản đối với quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, theo TTCP, không thể đồng thời thực hiện CPH VIVASO và Cty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6 (trong khi việc CPH VIVASO và việc thực hiện dự án WB6 đều do Bộ GTVT chỉ đạo và quản lý).

Ban Chỉ đạo CPH, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH nhưng “thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng”.

Tổng Cty Vận tải thủy – CTCP hậu CPH khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015-2020) là vi phạm Khoản 4, Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014, “cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận thu được do sử dụng”.

Bài 2: Cổ phần hóa cảng thủy đội địa “giá bèo”, ai được, ai mất?
Khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, VIVASO đã tự ý khai thác, sử dụng một phần Cảng Việt Trì. Ảnh: LP

Những việc trên dẫn đến hậu quả là phương án CPH của VIVASO thiếu chính xác, tài sản Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, gây lãng phí vốn đầu tư với số tiền gần 135 tỉ đồng khi không đưa vào sử dụng.

TTCP đã kiến nghị chuyển hồ sơ nội dung CPH đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (Cảng Việt Trì, Cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỉ đồng và nội dung xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, thoái vốn sai mất vốn Nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền trên 16 tỉ đồng sang Bộ Công an, Viện KSND Tối cao để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thanh tra, thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ GTVT khi thực hiện đầu tư xây dựng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án. “VIVASO, Ban Chỉ đạo CPH, Bộ GTVT khi thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án CPH không đúng quy định”, kết luận nêu.

Chia sẻ về câu chuyện CPH các doanh nghiệp Nhà nước ngành GTVT, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng cho biết, tại các kỳ họp Quốc hội trước đây, ông nhiều lần đề cập đến những bất cập trong quá trình thực hiện CPH này. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017), Quốc hội khóa XIV, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có ý kiến với Tổng TTCP về việc CPH Tổng Cty Vận tải thủy Việt Nam. Đến Kỳ họp thứ 5 (năm 2018), ông lại nhắc lại vụ việc và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xem lại.

Đây là vấn đề không mới và đã được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cảnh báo nhiều lần trong các hội thảo, tọa đàm khi nói về thực trạng thất thoát tài sản công hậu CPH doanh nghiệp Nhà nước và từ kinh nghiệm bán rẻ tài sản qua CPH ở một số nước Đông Âu trước đây. Đối tượng nhà đầu tư tham gia đều “có quan hệ”, không đa dạng, giá trúng đấu giá chỉ nhỉnh chút so với giá khởi điểm, từ đó trục lợi từ việc giá mua rẻ, không tương xứng với giá trị thực của doanh nghiệp.

Có thể thấy, ngoài VIVASO dẫn đến “cái chết” của Cảng Hà Nội, Cảng Việt Trì, Cảng Khuyến Lương… còn có thêm sai phạm trong CPH của Cảng Quy Nhơn và không ít doanh nghiệp lớn của ngành GTVT khi CPH bị thoái vốn khi chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ðiều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp không được cọ xát, thực sự theo giá trị thị trường, dẫn đến nguy cơ mất vốn hoặc vốn Nhà nước bị bán rẻ khi tiến hành thoái vốn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích