Bài 2: Cần Thơ triển khai hiến kế của Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện thực hóa đô thị trung tâm vùng, thành phố đáng sống
(Xây dựng) – Là đại biểu Quốc hội tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian đến Cần Thơ tiếp xúc cử tri, lắng nghe những tâm tư tình cảm của người dân, cùng nỗi trăn trở với thành phố Cần Thơ để hiện thực hóa khát vọng phát triển Cần Thơ xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị động lực trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là đô thị miền sông nước Tây Đô, thành phố đáng sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Cần Thơ. |
Thượng tuần tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về tỉnh Cà Mau tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050. Tại đây, Thủ tướng đã đến các công trình trọng điểm như: Khí điện đạm Cà Mau, sân bay Cà Mau, tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Cà Mau… và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ điểm “nghẽn” để Cà Mau phát triển kinh tế-xã hội.
Trở về Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm đô thị của vùng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL, là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistiscs, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chụp ảnh cùng các nhà đầu tư. |
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Quy hoạch thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng việc đầu tiên là tiền đâu để thực hiện triển khai quy hoạch?
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hiến kế cho thành phố Cần Thơ huy động và khai thác nguồn lực để triển khai quy hoạch. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Huy động mọi nguồn lực, tự lực, tự cường, từ nguồn lực nội sinh của Cần Thơ là chính. Cần Thơ không trông chờ, ỷ lại. Cần Thơ là trung tâm của vùng, có đầu mối kết nối giao thông rất thuận lợi. Cần Thơ phải đi lên chính bằng nội lực của mình. Nội lực ở đây là bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình đi lên. Không trông chờ vào ai được nữa. Bằng nguồn lực con người, bằng thiên nhiên, bằng truyền thống lịch sử, văn hóa. Phải khai thác tối đa điều này, bằng trí tuệ, bằng đổi mới sáng tạo, bằng khoa học công nghệ. Cần Thơ tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường giảm phát thải, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Dựa vào trí tuệ con người, lấy trí tuệ con người, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực chính. Đó là nguồn lực thứ nhất mà Cần Thơ phải tập trung huy động phát triển bằng được.
Nguồn lực thứ hai là phát huy hệ thống giao thông. Hệ thống giao thông kết nối này, kết nối vùng, kết nối với vùng khác, kết nối giữa 13 tỉnh, thành phố với nhau ở đây tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra khu công nghiệp mới, tạo ra khu dịch vụ mới, khu du lịch mới. Phát triển giao thông để nâng cao, gia tăng giá trị của đất, tạo động lực mới từ hoạt động giao thông này, giảm logistics. Hiện nay, logistics Việt Nam khoảng 17-18% GDP, đang cố gắng giảm xuống bằng thế giới 10-11%, lúc đó mới cạnh tranh được hàng hóa, bán được hàng hóa, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, quan trọng hàng hóa tươi sống chúng ta di chuyển kịp thời, di chuyển nhanh.
Nguồn lực thứ ba là kết hợp hợp tác công tư. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Một đồng của Nhà nước huy động 5-7 đồng thậm chí 10 đồng của doanh nghiệp, xã hội để chúng ta có nguồn lực đầu tư. Nếu không có nguồn lực không thể đầu tư được chúng ta phải huy động được nguồn lực công tư, huy động đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước. Muốn vậy chúng ta phải có môi trường đầu tư tốt, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tối thiểu cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi mới thu hút được nguồn lực bên ngoài. Nếu chỉ nguồn lực Nhà nước thì rất ít. Ngoài ra, mạnh dạn vay các quỹ đầu tư khác để có thêm nguồn lực để chúng ta làm.
Nguồn lực về cơ chế chính sách. Chúng ta phải dựa vào thực tiễn Cần Thơ đề xuất cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách cũng là một nguồn lực, cơ chế chính sách cũng là tiền thay vì phải đi xin tiền mà xin cơ chế chính sách. Tôi đề nghị Cần Thơ hướng đến xây dựng cơ chế chính sách: Ưu tiên, ưu đãi, đặc thù. Tiền Nhà nước không thể phân bổ nhiều hơn cho Cần Thơ được, vì các tỉnh khác còn nghèo, các nơi còn khó khăn. Làm sân bay Cần Thơ, đường cao tốc cho Cần Thơ, bến cảng cho Cần Thơ thế là đầu tư cho Cần Thơ rồi.
Quy hoạch nói nhiều nhưng tôi chỉ nhấn mạnh là nguồn lực như thế nào? Nguồn lực là từ nội lực là chính, nguồn lực cơ chế chính sách, nguồn lực từ hợp tác công tư, nguồn lực từ cải tiến các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng…”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Tiếp thu ý kiến phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cam kết: “Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và và hiện thực hóa Quy hoạch của thành phố Cần Thơ vừa được phê duyệt, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ hết sức nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm huy động các nguồn lực nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, thương mại; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 trở thành “Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về công nghiệp công nghệ cao; về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc” như Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu (bìa trái) và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường trao Biên bản ghi nhớ mở rộng đầu tư Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP). |
Thành phố Cần Thơ sẽ quyết liệt triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình hành động, các đề án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Chú trọng ưu tiên nguồn lực, nhân lực để triển khai việc lập quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng phân khu 1/5000, 1/2000, làm cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai theo quy định; cam kết thực hiện cải cách hành chính, thủ tục đầu tư thuận tiện, thông thoáng, kịp thời, đúng quy định pháp luật để thực hiện xúc tiến đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư, đấu giá những vị trí đất sạch, nhằm khơi thông nguồn lực đất đai của thành phố, tạo động lực mới để thành phố phát triển nhanh và bền vững; bên cạnh việc tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược về giao thông, đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố”.
Nguồn: Báo xây dựng