Bài 2: Cần thêm “cú hích” để thúc đẩy an sinh xã hội

Cần tính toán thêm về mức đóng – mức hưởng

Với quan điểm chủ động đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần nhân dân, coi đây là giải pháp quan trọng giúp người dân có điểm tựa an sinh khi về già hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật… thời gian qua, tại tỉnh Quảng Bình, BHXH các địa phương đã phát huy tốt mô hình truyền thông nhóm nhỏ để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Bài 2: Cần thêm “cú hích” để thúc đẩy an sinh xã hội
Thời gian qua, BHXH các địa phương tỉnh Quảng Bình đã phát huy tốt mô hình truyền thông nhóm nhỏ để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: B.D

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Bình, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nên hằng năm, các địa phương đều đưa mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND để triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác phát triển BHXH, BHYT tự nguyện của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan, là một trong những “điểm sáng” của cả nước.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Bình, những năm qua, ghi nhận số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt 8,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 8,2 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra. Tuy nhiên, theo nhìn nhận thẳng thắn của lãnh đạo BHXH tỉnh, kết quả trên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên về công tác phát triển BHXH, BHYT tự nguyện tại địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho biết nhìn nhận thực tế, dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với cuối năm 2021 nhưng mức tăng trưởng chưa cao, công tác thực hiện chính sách tại Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn.

Một trong các nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Dũng là do việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.

Riêng đối với BHYT, từ tháng 1/2022, cả tỉnh Quảng Bình giảm 9.087 người tham gia BHYT do không tiếp tục được ngân sách Nhà nước đóng 100% mức đóng BHYT, vì không được công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1/2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu của người dân tăng hơn gấp đôi năm 2021, do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện (tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vốn đã khó, nay càng khó khăn hơn.

Thừa nhận những nguyên nhân trên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển người tham gia mới, cũng như giữ người đang tham gia tiếp tục ở lại với hệ thống an sinh, ông Đặng Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) lý giải thêm nguyên nhân: Hiện, chính sách BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được đối tượng tham gia. Theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên, người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện của người dân.

Cũng theo ông Tuấn, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu hiện nay là 20 năm, như vậy là còn khá dài, cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục xem xét, đề xuất hoàn thiện chính sách

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương, nhiều người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, trước những biến động về kinh tế và khó khăn hiện nay, để đảm bảo người dân có thể tham gia và ở lại hệ thống an sinh lâu dài, người dân mong muốn Nhà nước sẽ nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, 40% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 20% đối với người thuộc các đối tượng khác (hiện nay tỷ lệ tương ứng đang là 30%, 20% và 10%).

Thực tế, tại nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, để tăng số người dân được thụ hưởng chính sách, nâng cao chất lượng sống người dân, các địa phương đã trích ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia. Đây thực sự là “cú hích” thiết thực và hiệu quả.

Bài 2: Cần thêm “cú hích” để thúc đẩy an sinh xã hội
Để những người lao động khu vực phi chính thức có thể tiếp cận chính sách an sinh, rất cần có “cú hích” để thu hút người dân.

Đồng thời, người tham gia cũng mong muốn giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm nghiên cứu để điều chỉnh các chính sách về BHXH tự nguyện theo hướng thiết kế bổ sung các chế độ được hưởng như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi tham gia BHXH tự nguyện.

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ phát triển BHYT, BHXH tự nguyện, ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đề xuất, sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách. Về mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyên là rất thấp: BHXH Việt Nam đã có Công văn gửi các Bộ, ngành liên quan đề xuất nâng mức hỗ trợ.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho biết, để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục phát triển người tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển bền vững người tham gia.

BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Khoản 2, Điều 87 Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng). Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).

Với mức tham gia trên, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng) góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức quyền lợi hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% (trong khi mức hưởng của người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình là 80%).

Ngọc Lan

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích