Bài 1: Vang bóng một thời

(Xây dựng) – Không chỉ nổi tiếng với Nông Nại đại phố (nay thuộc phường Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà) – thương cảng sầm uất một thời ở xứ Đàng Trong, gắn với chuyện mở cõi của kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh (năm 1698), Đồng Nai còn là địa phương có khu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Và ít ai biết, tiền thân của các khu công nghiệp hiện nay là Khu kỹ nghệ Biên Hoà (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) hình thành năm 1963, được coi là lá cờ đầu của ngành Công nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành tư duy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai cho đến bây giờ.

Bài 1: Vang bóng một thời
Tấm bảng cũ kỹ khắc dòng chữ Sonadezi – Khu kỹ nghệ Biên Hoà nhắc nhớ về một thời vang bóng của Khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Một ngày giữa tháng 7/2024, chúng tôi trở lại thành phố Biên Hoà để tìm chút dư âm của một thời vang bóng ở nơi ra đời Khu kỹ nghệ Biên Hoà (nay là Khu công nghiệp Biên Hoà 1). Khu công nghiệp với hàng trăm xí nghiệp, nhà máy mọc lên san sát, trong những phân xưởng, người lao động vẫn bám dây chuyền, miệt mài làm việc, dù họ sắp phải dời đi nơi khác để nhường mặt bằng cho Khu Trung tâm chính trị – hành chính mới của tỉnh Đồng Nai và Khu đô thị – thương mại – dịch vụ Biên Hoà 1 mọc lên trong một ngày không xa.

Giãn dân đô thành

Khu công nghiệp Biên Hoà 1 trên trục đường Quốc lộ 1A, giữa lòng đô thị Biên Hoà sầm uất. Giờ tan tầm, khu vực có hàng ngàn công nhân chạy xe máy từ các xí nghiệp, nhà máy ùa ra chật cứng các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 để trở về nhà. Ngay ngã Tư Vũng Tàu có toà nhà cao tầng là trụ sở của Tổng Công ty Sonadezi (đơn vị quản lý Khu công nghiệp Biên Hoà 1) cao chọc trời, gần đó là tấm biển cũ kỹ khắc dòng chữ Sonadezi – Khu kỹ nghệ Biên Hoà nhắc nhớ về một khu công nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.

Được sự giới thiệu của các đồng nghiệp, chúng tôi tìm gặp Ths. Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Đồng Nai, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch của tỉnh Đồng Nai, một trong số ít người hiểu rõ về lịch sử phát triển của Khu kỹ nghệ Biên Hoà. Rót ly trà nóng mời khách, ông Trần Quang Toại trầm ngâm hồi tưởng, sau năm 1954, người dân di cư từ miền Bắc vào Nam khá đông, nhu cầu phát triển công nghiệp tăng nhưng chỉ ở đô thành Sài Gòn. Còn tại Biên Hoà, đến năm 1959 có Nhà máy giấy Cogido nhưng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhà máy giấy Cogido xây dựng được 4 năm thì Bộ Kinh tế có sắc lệnh thành lập khu kỹ nghệ. Có lẽ, các nhà tư bản đã có thông tin từ trước nên “đi tắt, đón đầu”, chứ không phải ngẫu nhiên mà họ đặt nhà máy ở nơi này.

Năm 1963, chính quyền Sài Gòn thành lập Trung tâm khuyếch trương kỹ nghệ Biên Hoà với diện tích 376ha tại 2 xã Tam Hiệp và Long Bình (còn gọi là Sonadezi). Khu kỹ nghệ giúp phân tán lực lượng công nhân tập trung ở Sài Gòn, giãn dân ở đô thành, đưa công nghiệp phát triển đồng đều, khắc phục sự mất cân đối giữa Sài Gòn với các địa phương. Khu vực có đất đồi, đá cứng phù hợp với việc xây dựng nhà máy và nằm trên các trục giao thông huyến mạch là Sài Gòn – miền Trung, Sài Gòn – Đà Lạt, Sài Gòn – Vũng Tàu; đường xe lửa chỉ cách khu kỹ nghệ 3km có thể dễ dàng kết nối.

Bài 1: Vang bóng một thời
ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội sử học tỉnh Đồng Nai chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển của Khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Quan trọng hơn, sông Đồng Nai có khả năng cho sà lan, tàu trọng tải hàng trăm tấn lưu thông quanh năm, từ đó sẽ giảm cước phí vận tải so với các địa phương khác. Đó là những thế mạnh để Khu kỹ nghệ Biên Hoà dễ dàng được cung cấp tín dụng, tạo thị trường, mở lớp dạy nghề, thu hút các nhà kỹ thuật, công nhân giỏi.

Không lâu sau, Khu kỹ nghệ Biên Hoà trở thành nơi sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho thị trường, như: Hoá mỹ phẩm, giấy đường, cơ khí, kim khí… đáp ứng phần nào nhu cầu xã hội và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300.000 người dân quận Tu Đức (tỉnh Biên Hoà bấy giờ).

Rời Hội Sử học, chúng tôi tìm gặp ông Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đồng Nai cũng là tác giả cuốn “Đồng Nai – Từ mở cõi đến mở cửa”. Sau khi nghỉ hưu, ông trở về sinh sống ở Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, thnafh phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) – một vùng quê thanh bình nằm ven sông Đồng Nai. Đến giờ ông Mai Sông Bé vẫn nhớ nhiều thông tin thú vị về Khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Ông Mai Sông Bé kể, qua “lăng kính” của nhà các chính trị – quân sự thì việc xây dựng Khu kỹ nghệ Biên Hoà đã xoá sổ chiến khu du kích Bình Đa một thời nổi tiếng và Xa lộ Biên Hoà được xây dựng đã rút ngắn cung đường Biên Hoà – Sài Gòn. Con đường này giúp xe có trọng tải lớn vận chuyển các loại khí cụ từ Sài Gòn đến Tổng kho Long Bình – còn gọi là “dạ dày chiến tranh” của Mỹ ở miền Nam. Điều này nằm trong tư duy chiến lược của người Mỹ, khi đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Tổng thống ở miền Nam, bắt đầu can thiệp sâu vào vùng đất này. Đó cũng là biểu hiện cụ thể cho tư duy kinh tế gắn với quốc phòng thông qua bộ não khoa học của Ip Asam (người Hoa) – tác giả luận văn Khu kỹ nghệ Biên Hoà.

Dấu ấn khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam

Cũng theo ông Mai Sông Bé, để phát triển ngành Công nghiệp, Công ty quốc gia khuếch trương các Khu kỹ nghệ Sonadezi, kêu gọi các nhà đầu tư từ nước Pháp, Đức, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông rót vốn xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Các “ông chủ” ngoại này đã đến đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh như: Nhập máy móc thiết bị hiện đại nhập từ các nước phát triển như Nhật Pháp, Đài Loan vào Khu kỹ nghệ, giảm thời gian giao hàng, huấn luyện tay nghề cho công nhân và đặc biệt họ xây nhà ở cho công nhân ăn ở tại chỗ.

Bài 1: Vang bóng một thời
Nhiều xí nghiệp, nhà máy trong Khu công nghiệp Biên Hoà 1 đặt ven sông Đồng Nai.

“Đến năm 1975, khu kỹ nghệ có 94 nhà máy, xí nghiệp với diện tích 1,2 triệu m2, với tổng vốn đầu tư 7.470 triệu đồng tiền Sài Gòn (thời bấy giờ) cùng những máy móc hiện đại nhập từ Nhật, Đức, Pháp, Đài Loan. Trong đó, có nhà máy có 42 nhà máy hoạt động với 6.503 lao động tham gia sản xuất hoá mỹ phẩm, cơ khí luyện kim, kim khí điện máy; vật liệu xây dựng và nhóm các mặt hàng khác. Những nhà máy có quy mô vừa, nhỏ này hàng năm tạo ra trị giá 8.400 triệu đồng, tiết kiệm được khoảng 12 triệu đô la Mỹ, mà trước đó chính quyền Sài Gòn phải bỏ ra để nhập khẩu mặt hàng từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Mai Sông Bé nhớ lại.

Bài 1: Vang bóng một thời
Một nhà máy được xây dựng từ trước những năm 1980.

So với trước năm 1954, công nghiệp của Biên Hoà giai đoạn này phát triển hơn nhiều lần và trong vòng 12 năm (1963- 1975), bằng hình thức “chìa khoá trao tay”, Sonadezi đã xây dựng 94 nhà máy các loại và quan trọng hơn, khu kỹ nghệ đã giúp thay đổi cơ cấu kinh tế trong tỉnh.

Lúc này, tại Cần Thơ cũng bắt đầu hình thành Khu kỹ nghệ Tây Đô (theo quy hoạch của chính quyền Sài Gòn) nhưng không thể sánh với Khu kỹ nghệ Biên Hoà. Mặc dù, Khu kỹ nghệ Biên Hoà có quy mô lớn nhất miền Nam chưa thực sự hoàn chỉnh nhưng vẫn để lại trong quá trình phát triển kinh tế nước nhà một dấu ấn lịch sử đậm nét. Nếu như Nông Nại đại phố gắn liền với sự kiện Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lược xứ Đàng Trong là mốc son mở cõi về phương Nam thì, Khu kỹ nghệ Biên Hoà là bước ngoặt mở cửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn xây dựng nhà máy, xí nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển các Khu công nghiệp xứ Đồng Nai sau này.

Ngày 21/5/1963, chính quyền Sài Gòn ký sắc lệnh 49-KT thành lập Khu kỹ nghệ Biên Hòa do Công ty Quốc gia khuếch trương các Khu kỹ nghệ Sonadezi quy hoạch, đến ngày 12/8/1963 khởi công (theo sắc lệnh số 82-KT) tiến hành trưng thu, bồi thường giải tỏa đất đai cho dân trong vùng. Công ty Quốc gia khuếch trương các Khu kỹ nghệ có được 2 nguồn vốn đóng góp của Ngân hàng Phát triển kỹ nghệ và Thương cảng Sài Gòn, lên đến 40 triệu đồng bấy giờ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích