Bài 1: Tập trung đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau cho rằng: “Cần thay đổi cách nhìn về Cà Mau, đó là xác định đây là điểm đầu phương Nam, có vị trí và vai trò chiến lược, từ đó có sự quan tâm mang tính tập trung hơn nữa, đầu tư xứng tầm, khai thác hiệu quả lợi thế, bởi không những mang về lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo mọi mặt về quốc phòng, an ninh, cả về an ninh năng lượng của đất nước trong tình hình mới”. Tuy nhiên việc phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) vẫn chưa tương xứng với nguồn lực của địa phương…
Khu công nghiệp ở cửa biển lớn nhất phương Nam
Thị trấn Sông Đốc là cửa biển lớn nhất phương Nam. Nơi đây có diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, với khoảng 40.000 dân. Trong đó, có phần diện tích tự nhiên khoảng 61 ha là đảo Hòn Chuối và 12 ha các đảo nhỏ nằm trên biển. Đây cũng là thị trấn đảo nằm cuối cùng ở cực nam của dải đất hình chữ S, có một vị thế khá đặc biệt. Trung bình, địa phương có hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ, 100 chiếc tàu thu mua hải sản, hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển, hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung nhiều là các mặt hàng xăng dầu, nước đá, ngư cụ… Tuy nhiên, Sông Đốc chưa có KCN, KKT đúng tầm phố biển.
Một góc thị trấn Sông Đốc. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Lĩnh Trang, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng KCN, KKT. Ngày 1/2/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung trong danh mục Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; trong đó có KCN Sông Đốc (cụm công nghiệp này đã được UBND tỉnh thành lập ngày 25/12/2007). Tuy nhiên trong thời gian quy hoạch, KCN Sông Đốc chưa thu hút được chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật KCN.
Ban quản lý KKT tỉnh Cà Mau nhận định, việc đầu tư hạ tầng KCN cần nguồn vốn lớn trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn, hạ tầng bên ngoài chưa được đầu tư đồng bộ, vị trí nằm xen lẫn trong khu dân cư đô thị, không đảm bảo bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến phát triển đô thị Sông Đốc.
Quy hoạch khu công nghiệp Sông Đốc. |
Theo quy hoạch ban đầu, KCN Sông Đốc có diện tích 250 ha nhưng khó khăn hạ tầng nên khó kêu gọi nhà đầu tư. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, cụm công nghiệp, Ban Quản lý KKT đã rà soát lại quy hoạch KCN Sông Đốc trước đây và đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Cà Mau. Sau đó, KCN Sông Đốc được phép giảm quy mô diện tích từ 250 ha xuống còn 145,45 ha. Ban quản lý KKT tỉnh Cà Mau đang mở rộng quy mô 45,5 ha theo phê duyệt chung của KCN Sông Đốc là 145,5ha.
Từ cơ sở đó, quy hoạch phân khu KCN Sông Đốc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2015. Ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai xúc tiến đầu tư, tham mưu đề xuất kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN.
Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng KCN Sông Đốc làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam (xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời). Ngày 4/6/2021, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành quyết định thành lập KCN Sông Đốc phía Nam.
Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án chậm do dịch Covid-19 do công tác bồi thường. Ngày 8/10/2024, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định thu hồi, huỷ bỏ Quyết định số 2795/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam.
Theo đó, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam đến nay chưa có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ đầu tư chưa ứng trước tiền bồi thường, UBND huyện Trần Văn Thời chưa ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt 2 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Quyết định của UBND tỉnh nhằm thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án. Hiện Ban Quản lý KKT phối hợp với Tổ công tác kiểm tra, rà soát lại Phương án giá đất cụ thể Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam (Quyết định số 48/QĐ-STNMT ngày 29/02/2024) rà soát lại quy trình, nội dung và phương pháp xác định giá cụ thể của Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Ban trình Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi phí lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Sông Đốc tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (quy mô 45,45 ha), tỷ lệ 1/2.000.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế hình thành
Theo báo cáo Ban Quản lý KKT, từ đầu năm, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị đầu mối Chương trình xúc tiến đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế đã tích cực thực hiện các nội dung chương trình nhằm tạo cơ hội cho KCN, KKT phát triển tốt, đem lại lợi ích về kinh tế – xã hội cho địa phương. Tỉnh đã và đang quy hoạch xây dựng 03 Khu công nghiệp: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc và 01 Khu kinh tế Năm Căn.
Khu công nghiệp Khánh An đang thực hiện đầu tư tuyến đường giao thông. |
Cụ thể, KCN Khánh An đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường N5 (giai đoạn 1), hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư, dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư; trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Trình xin chủ trương, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện lập trích đo địa chính thửa đất phục vụ công tác xin giao đất cho Ban Quản lý KKT quản lý mời gọi đầu tư. KCN Tắc Thủ đã được UBND tỉnh Cà Mau thống nhất tên Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tắc Thủ (tại xã Khánh An, huyện U Minh).
Ban Quản lý KKT đã trình thông qua Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh Cà Mau thẩm định và phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tắc Thủ, tỷ lệ 1/2000; phối hợp UBND xã Khánh An tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Nhiệm vụ quy hoạch phân khu và niêm yết công khai hồ sơ nhiệm vụ tại UBND xã Khánh An; trình Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tắc Thủ, tỷ lệ 1/2.000. Đối với KCN Hòa Trung, ban tiếp tục phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau, UBND huyện Cái Nước đẩy nhanh tiến độ GPMB KCN Hòa Trung.
Ngoài ra, KCN Tắc Thủ và KCN Tân Thuận đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 17/11/2023.
Hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn đã thông qua Thường trực Tỉnh uỷ. Qua đó, Tỉnh ủy đã có thông báo số 809-TB/TU ngày 05/6/2024 về thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2040.
Theo Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ có ý kiến chỉ đạo tổ chức hội thảo, phản biện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn. Đến nay, Hội thảo lấy ý kiến đối với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT NămCăn, tỉnh Cà Mau đến năm 2040 đã hoàn thành. Ban đang thực hiện báo cáo kết quả Hội thảo và đăng ký thời gian thông qua Thường trực Tỉnh uỷ.
Tỉnh Cà Mau hiện có 3 KCN, 1 KKT được chính thức thành lập với 51 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký hơn 21 ngàn tỷ đồng bao gồm 3 dự án FDI vốn đăng ký 1.964 tỷ đồng; 1 dự án hạ tầng vốn đăng ký 538,6 tỷ đồng… Thế nhưng trong 51 dự án trên có 30 dự án đã đi vào hoạt động, 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hoạt động. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, kinh doanh, toàn tỉnh có 46 doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% tổng số doanh nghiệp trong KCN, KKT còn lại 5 doanh nghiệp quy mô lớn chiếm 10%. |
Bài 2: Trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư
Nguồn: Báo xây dựng