Bài 1: Sa Pa – Vùng đất diệu kỳ giàu bản sắc
(Xây dựng) – Tháng 9, Bắc Bộ vào thu. Giữa những ngày thu đẹp nao lòng, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) long trọng kỷ niệm 120 năm xây dựng và phát triển ngành du lịch với thông điệp: “Wow Sa Pa – Khám phá Hành trình 120 năm du lịch Sa Pa”. Đây là dịp để chính quyền và nhân dân Sa Pa cùng nhìn lại chặng đường phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đồng thời đưa ra các định hướng để Sa Pa ngày một phát triển bền vững, xứng đáng vị thế của khu du lịch trọng điểm quốc gia, mang tầm quốc tế.
Nói Sa Pa là vùng đất diệu kỳ bởi mảnh đất này từ ngàn xưa đã được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những vẻ đẹp độc đáo, riêng có về cảnh sắc, khí hậu, tài nguyên. Với nguồn lực du lịch hấp dẫn, Đảng bộ và nhân dân thị xã Sa Pa hôm nay đang đồng lòng dựng xây, phát triển kinh tế du lịch, với mong muốn Sa Pa trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia giàu bản sắc, vươn tầm quốc tế.
Điểm “kỳ diệu” hút du khách của Sa Pa là vào mùa hè, thời tiết ở thị xã một ngày như có đủ 4 mùa. (Ảnh: Đinh Vũ) |
Giàu bản sắc
Sa Pa nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách thủ đô Hà Nội 320km, cách trung tâm thành phố Lào Cai 35km. Đây là vùng đất cổ, thuộc nền văn hóa Hòa Bình. Nhiều dấu tích về khảo cổ học, trong đó có bãi đá cổ đã minh chứng cư dân có mặt ở Sa Pa khá sớm. Thời phong kiến, vùng đất thị xã Sa Pa thuộc châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Ngày 3/3/1886, thực dân Pháp chiếm được thị xã Lào Cai. Sau nhiều lần tấn công, tháng 01/1887, chúng chiếm được vùng Hùng Hồ, thị xã Sa Pa ngày nay. Với lợi thế vẻ đẹp cảnh quan, khí hậu mát mẻ, người Pháp đã quyết định chọn đây là nơi nghỉ dưỡng cho công chức binh lính Pháp.
Cảnh quan, khí hậu “đặc sắc” của Sa Pa được hình thành từ vị trí địa lý đặc thù. Sa Pa nằm sát chí tuyến trong vành đai Á nhiệt đới Bắc bán cầu mang sắc thái của xứ ôn đới với nhiệt độ trung bình 15-18 độ C. Tuy nằm ở miền Bắc Việt Nam, lẽ ra phải mang khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhưng do nằm ở địa hình cao và gần chí tuyến nên Sa Pa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới, không khí mát mẻ quanh năm. Do địa hình cao, chia cắt phức tạp, phía Tây và Tây Nam được dãy Hoàng Liên Sơn bao bọc, khí hậu Sa Pa có những nét điển hình riêng và phân chia thành 2 vùng khí hậu là vùng cao và vùng thấp, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Điểm “kỳ diệu” hút du khách của Sa Pa là vào mùa hè, thời tiết ở thị xã một ngày như có đủ 4 mùa: Buổi sáng là tiết trời mùa xuân; buổi trưa tiết trời như vào hạ, có nắng, không khí dịu mát; buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Mùa hè, thị xã không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 – 15 độ C vào ban đêm và 20 – 25 độ C vào ban ngày. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 độ C. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh. Sa Pa cũng là một trong những địa điểm có tuyết rơi tại Việt Nam.
Với những lợi thế hiếm có về điều kiện tự nhiên, văn hóa khác biệt thuận lợi cho phát triển du lịch, kể từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón kiều dân Pháp, trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Sa Pa đã trở thành khu du lịch quốc gia, luôn nằm trong top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới. Trong 20 năm trở lại đây, lượng du khách đến với Sa Pa đã tăng mạnh qua từng năm. Sa Pa đã đón 200 nghìn lượt khách vào năm 2003, 800 nghìn lượt khách năm 2013 và dự kiến đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2023, chiếm gần 60% lượt khách đến tỉnh Lào Cai.
Khu du lịch mang tầm quốc tế
Hiện nay, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đang có những tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác của thị xã Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Bên cạnh những thế mạnh về khí hậu, cảnh sắc, bản sắc dân tộc, Sa Pa còn có lợi thế khi nằm ngay trung tâm của vành đai Đông Bắc – Tây Bắc và trên trục hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Hệ thống hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng nói chung, với Sa Pa nói riêng ngày càng được quan tâm đầu tư. Đó là Dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa, Cảng hàng không Sa Pa đang được triển khai, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, đưa Sa Pa trở thành trung tâm và có sự cộng hưởng, gắn kết bền chặt với các “vệ tinh” du lịch trong vùng và cả nước.
Nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại được đầu tư ở Sa Pa, từng bước biến Sa Pa thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế. (Ảnh: Topas Ecolodge) |
Một trong những dấu mốc trọng đại với Sa Pa là ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 767/NQ -UBTVQH 14 về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa. Ngày 1/1/2020, Sa Pa chính thức được nâng cấp thành thị xã. Sự kiện này đã trở thành mốc son lịch sử với Đảng bộ và nhân dân Sa Pa. Tiếp đó, Nghị quyết số 18 – NQ/TU về phát triển thị xã Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh Lào Cai ban hành đặt mục tiêu Sa Pa sẽ đón 6,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, 9 triệu lượt khách vào năm 2030. Đến năm 2050, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong những năm qua, thị xã Sa Pa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội. Kết thúc năm 2022, thị xã đã hoàn thành 51/52 chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó có 15 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Hoàn thành 63/65 chỉ tiêu thị xã giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thị xã đạt 13,8 %, bằng 152,3 %; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.038 tỷ đồng, bằng 180,7 % dự toán tỉnh giao. Lượng khách du lịch đến Sa Pa đạt trên 2,5 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt trên 7.100 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, dù tình hình trong nước và thế giới đối mặt với nhiều thách thức, các số liệu kinh tế của Sa Pa vẫn khả quan. Riêng 8 tháng đầu năm, tổng lượng du khách đến Sa Pa đạt trên 2,5 triệu lượt, ước cả năm sẽ đón 3,5 triệu du khách.
Bên cạnh đó, thị xã Sa Pa đang tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại, góp phần từng bước đưa Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế. Theo đó, trong năm 2022, thị xã Sa Pa đã tổ chức nhiều lễ hội và các hoạt động đối ngoại có hiệu ứng lớn để làm gia tăng sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, điển hình như tổ chức Ngày quốc tế Yoga lần thứ 8 và trình diễn Yoga trên đỉnh Fansipan hùng vĩ; đón tiếp và làm việc với các đoàn Đại sứ quán các nước Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ. Tháng 8/2022, thị xã Sa Pa đã chính thức tham gia Liên minh Du lịch quốc tế các thành phố hữu nghị và thiết lập quan hệ hữu nghị với quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Lào Cai năm nay cũng là dịp Sa Pa kỷ niệm 120 năm xây dựng và phát triển ngành du lịch. Hưởng ứng dấu mốc trọng đại này, thị xã Sa Pa đang tổ chức một chuỗi các sự kiện sôi nổi, đặc sắc nhằm thúc đẩy quảng bá tiềm năng du lịch nổi trội, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng có của “vùng đất diệu kỳ”. Những hoạt động này là cơ hội giúp thị xã Sa Pa đưa hình ảnh của mình đến với du khách trong và ngoài nước, là bàn đạp sớm đưa Sa Pa trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.
Nguồn: Báo xây dựng