Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng

LTS: Tây Bắc được ví như “nàng tiên ngủ quên” bừng tỉnh giấc, khi những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp các Chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh, các bản làng vùng cao thay da đổi thịt, người dân tập trung phát triển kinh tế, trong đó có du lịch cộng đồng. Phát triển cũng đồng thời đặt ra thách thức trong tạo dựng, giữ gìn công trình kiến trúc mang yếu tố xanh, bền vững, đậm tính bản địa với đặc sắc riêng có của vùng đất này.

(Xây dựng) – Tây Bắc đẹp như một bức tranh hùng vĩ. Trong trập trùng mây núi, thấp thoáng bản làng người Mông, người Dao; phía dưới thung lũng, gần suối, người Thái chọn làm nơi ở. Bản làng đó có những ngôi nhà người dân tự xây dựng từ vật liệu tự nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, phù hợp địa hình, khí hậu, xứng đáng là những “công trình xanh” chưa được xếp hạng.

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Ngôi nhà được xây dựng cách đây gần 50 năm.

Nhà sàn bình yên nơi bản cổ

Chúng tôi đến bản Bước (bản Bước hình thành từ thế kỷ XIII, tên gọi ban đầu là Chừa Lót), thuộc xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, men theo ngõ nhỏ đổ bê tông xi măng đầy phong rêu, tới ngôi nhà sàn làm homestay của ông Hà Văn Nhiệu. Ông ngoài 80 tuổi nhưng vẫn tinh tường lắm. Ngôi nhà sàn cũ bạc phếch theo thời gian; phía dưới sàn nhà, bố trí dãy bàn uống nước, bàn ăn khi có đông du khách; phía góc trong là khung cửa dệt vải thổ cẩm, cối giã gạo, các vật dụng trang trí được làm từ mây tre, rất tự nhiên.

Nhà sàn cũ, xây dựng từ lâu nhưng chắc chắn, không gian ấm áp, bình yên; được thiết kế nhiều cửa, làm từ vật liệu tự nhiên của địa phương nên thoáng mát. Từ ngôi nhà, nhìn qua khung cửa rộng, bên kia là cánh rừng xanh um, trước mặt dòng suối Xia uốn lượn, nước chảy róc rách, tiếng chim hót ríu rít hòa thành bản nhạc rừng vui tươi, trong trẻo. Ông Hà Văn Nhiệu kể: Được xây dựng từ năm 1976, làm bằng gỗ sến nhưng đến nay, gần 50 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn vững chắc, không mối mọt. Chân cột kê đá, sau tôi đổ thêm bê tông cho khỏi ẩm mốc.

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Khung cửi dệt thổ cẩm đặt ở sàn tầng 1 của ngôi nhà.

Chia sẻ cách làm nhà của người Thái, ông Hà Văn Nhiệu cho biết: Để làm nhà, chủ nhà phải xem tuổi, hợp tuổi mới làm. Người Thái quan niệm số lẻ là số đẹp nên nhà được dựng 3 gian, 5 hay 7 gian và 2 chái, tùy vào nhu cầu sử dụng và kinh tế từng nhà; số bậc cầu thang là bậc lẻ, số cửa sổ và cửa đi cũng lẻ. Nhà dựng cao hơn 2m so với mặt đất, có 2 cầu thang, cầu thang chính (dành cho đàn ông và khách, người cao tuổi) và cầu thang phía bếp (dành cho phụ nữ).

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Bậc đá và hàng rào đá nhà ông Nhiệu khá ấn tượng.

Người Thái bố trí 1/3 phía sau để ngủ, 2/3 phía trước để không gian chung, phòng khách, nơi thờ cùng… Trước đây, bếp được đặt trong nhà nhưng ngày nay, để đảm bảo an toàn cháy nổ, bếp được di chuyển và làm riêng khu vực khác. Nhà có nhiều cửa chính và nhiều cửa sổ thoáng mát, thông gió và tràn đầy ánh sáng. Mái lợp cọ đơn giản nhưng rất mát.

Nhà trình tường độc đáo bên lưng núi Putaleng

Rời Hòa Bình, trên cung đường Tây Bắc, chúng tôi đến bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu để tìm hiểu nhà trình tường độc đáo của người Dao Đầu bằng (dân tộc ít người), sống trên núi cao. Vượt qua 6km đường bê tông xi măng theo núi dốc quanh co, đến bản, ấn tượng đầu tiên là đá nhiều vô kể, tường rào bằng đá, con đường quanh bản cũng lát đá, bởi vậy bản được đặt tên là Sì Thâu Chải (theo tiếng Quan Hỏa, Sì Thâu Chải nghĩa là bản đá).

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Người dân không san gạt mặt bằng mà xây dựng tôn trọng địa hình tự nhiên.

Ấn tượng thứ hai, ở độ cao hơn 1.400m so với mặt nước biển, trên lưng núi Putaleng (cao 3.096m – sau đỉnh Phan Si Păng), sườn núi dốc, khoảng đất bằng rất hiếm, nhưng người dân tôn trọng tự nhiên, không phá núi, không san gạt tạo mặt bằng mà xây dựng những nếp nhà nhỏ ẩn mình trong vườn cây xanh mát, bên dốc quanh co, tường đá phủ đầy hoa cỏ, bao quanh bản là rừng. Không có kiến trúc sư trưởng, không có bản vẽ quy hoạch nhưng kiến trúc cảnh quan hài hòa, Sì Thâu Chải đẹp như cổ tích, thơ mộng, bình yên. Cả bản có 63 hộ gia đình, đa số công trình có hai khối nhà, khối nhà chính để ở và sinh hoạt, khối nhà phụ làm bếp ăn; bố trí vuông góc tạo thành chữ L hoặc nối dài nhà chính. Trong 63 nhà, có 5 nhà trình tường.

Trưởng bản Lù A San kể: Năm 1954, người Dao Đầu bằng đến đây lập nghiệp, định cư đến nay. Sống trên núi cao, gần rừng rậm, có hổ và thú dữ nên từ xưa, người Dao làm nhà trình tường để tránh thú dữ; tránh đạn trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lại hợp với khí hậu nơi này.

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Nhà trình tường cổ được xây dựng 3 mặt trình tường đất, phía trước thưng gỗ.

Những ngôi nhà cổ ở Sì Thâu Chải có ba mặt trình tường đất, mặt phía trước thưng gỗ. Phía trước nhà có hàng cột hiên bằng gỗ kê trên các đá tảng. Ngôi nhà chính có diện tích khoảng 50-80m2, gồm 3-4 gian, bên trong nhà là hệ thống cột gỗ để phân chia các phòng; không gian trong nhà chia 2 phần: Không gian chính để thờ cúng – không gian tiếp khách và không gian ngủ. Hai gian hai cánh là phòng ngủ hoặc phòng ngủ bên phải và kho bên trái được ngăn bằng các ván gỗ hoặc che vải rèm. Phía trên gian thờ là khoảng trống thông đến mái. Trên lối vào nhà chính và trên ban thờ luôn có 3 lá bùa trừ tà, cầu may mắn cho chủ nhà. Nền nhà bằng đất.

Là 1 trong 5 ngôi nhà trình tường của bản, 4 ngôi nhà trước được xây dựng đã lâu, nhưng nhà anh Lý A Gôn mới xây dựng từ năm 2023. Nhà có diện tích 180m2, chia thành các phòng khác nhau để khai thác dịch vụ lưu trú, phục vụ khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Chia sẻ lý do xây nhà trình tường mà không phải nhà gỗ hay nhà xây, anh Lý A Gôn cho biết: Là người Dao, tôi muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhà trình tường hợp khí hậu trên núi cao, tường đất được trình dày 42-50cm nên mùa đông rất ấp, mùa hè lại thoáng mát, dễ chịu.

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Nhà trình tường của gia đình anh Lý A Gôn xây dựng mới (năm 2023), đưa vào khai thác dịch vụ lưu trú.

Với ngôi nhà này, anh Lý A Gôn mất 2 tháng để xây dựng, mỗi ngày từ 12-14 người làm liên tục. Bà con trong bản giúp nhau tự xây dựng. Đất sét tận dụng trong vườn của gia đình. Trước đây, nhà trình tường làm thấp, cửa thấp, không có cửa sổ nhưng ngày nay, bà con đã thiết kế lại, vẫn trình tường bằng đất sét nhưng nhà thiết kế cao 3m, có cửa ra vào và nhiều cửa sổ cao, rộng nên thoáng mát.

“Quy trình làm nhà được thừa kế từ cha ông truyền lại. Vật liệu chủ yếu là đất sét. Đất sét phải khô. Nếu đất ẩm đưa vào trình, tường khô dễ bị nứt. Sau khi đóng khuôn gỗ, định hình độ dày của tường; đất sét được đưa vào khuôn, giữa cho một hàng đá hoặc tre nứa để tạo khung xương (phần đất thịt được nện chặt và thêm xương, cốt là các cây gỗ nhỏ hoặc tre ngâm nước kỹ) rồi giã tay để tường chặt lại, các vật liệu kết dính tự nhiên với nhau bằng độ dẻo của đất sét. Mái nhà ngày xưa được lợp cỏ ranh, nay chúng tôi lợp tôn lạnh. Gia đình tôi khai thác dịch vụ lưu trú nên để tránh tường bị bụi đất rơi, chúng tôi ốp gỗ, bên trong các phòng có nhà vệ sinh khép kín”, anh Lý A Gôn nhấn mạnh.

Những “công trình xanh” không ghi danh

Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên thế giới, hiện nay có nhiều bộ công cụ để đánh giá công trình xanh như: Phương pháp đánh giá môi trường của Cơ sở nghiên cứu xây dựng (BREEAM), tiên phong thiết kế môi trường và năng lượng (LEED) hay Green Star… Tại Việt Nam có chứng chỉ LOTUS được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam.

Bài 1: Những “công trình xanh” chưa xếp hạng
Khách nước ngoài rất thích nhà trình tường của gia đình anh Lý A Gôn ở Sì Thâu Chải.

Ông Hà Văn Nhiệu ở Hòa Bình hay anh Lý A Gôn ở Lai Châu đều không biết đến khái niệm, tiêu chí, cách xây dựng công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh. Nhưng họ đã xây dựng, là người giữ lửa cho những công trình kiến trúc truyền thống, đậm chất bản địa, có yếu tố xanh bền vững với thiên nhiên, đó là những ngôi nhà hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng địa hình tự nhiên, không san gạt mặt bằng, không tàn phá môi trường; tận dụng vật liệu từ tự nhiên như gỗ, đất, cỏ ranh, mái cọ, mây tre… Ngôi nhà thiết kế, xây dựng nhiều cửa thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hạn chế sử dụng điện chiếu sáng, không cần dùng điều hòa; không khí luôn tươi mới, đầy ô xy, không gây hiệu ứng khí nhà kính…

Nếu họ được đào tạo về công trình xanh, biết cách tận dụng và xử lý rác thải thành phân bón; xử lý, tái sử dụng nước thải để tưới cây; nếu mái nhà ở Sì Thâu Chải lợp bằng cỏ ranh, lá cọ hoặc ốp tre, ống bương đập dập phủ mái thay cho tấm fibro xi măng hoặc mái tôn thì bản sắc, đẹp xanh hơn nhiều.

Ông Hà Văn Nhiệu, anh Lý A Gôn và nhiều gia đình làm du lịch cộng đồng ở Tây Bắc đã biết khai thác nhà sàn, nhà trình tường để tạo thêm giá trị, hấp dẫn du khách đến bản nghỉ dưỡng, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào, trải nghiệm canh tác lúa nước, làm nương, trồng thảo quả, trồng rừng, làm mây tre đan, dệt vải; được thưởng thức sản vật địa phương ngon, sạch và lành, tắm lá thuốc; được sống trong không gian xanh, thoáng đãng, bình yên, tiếp xúc với những người dân chân chất, thật thà, mến khách. Đó là cũng là chất keo dính kết, để nhiều du khách muốn quay trở lại vùng đất vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng này.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích