Bài 1: Những chuyển biến tích cực về cơ chế, chính sách
LTS: Ước tính, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37% – 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Do vậy, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh (CTX), công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với CTX, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể liên quan như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn xanh, nhà sản xuất và cung ứng vật liệu xanh, nhà thầu xây dựng… Thực tế cho thấy, công cuộc phát triển CTX đang có sự chuyển biến từ chính sách đến hành động.
(Xây dựng) – Theo Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2024, Việt Nam có 476 CTX, tăng hơn 170 công trình so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tiến độ phát triển hơn 300 CTX trong vòng 10 năm trước đó, thì con số tăng trưởng CTX riêng trong năm 2024 quá ấn tượng, là sự đột phá lớn. Vậy đâu là những yếu tố tác động, đem đến sự chuyển biến tích cực này?
Tòa trụ sở Ngân hàng Techcombank tại Hà Nội đạt chứng nhận LEED Vàng. |
Phát triển đa dạng loại hình công trình xanh
Cuối tháng 9/2023, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Ngân hàng Techcombank cùng lúc khai trương hai tòa hội sở mới, một tại Hà Nội và một tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai tòa nhà đều được thiết kế bởi Công ty kiến trúc nổi tiếng thế giới Foster + Partners, với thiết kế tạo ra không gian làm việc mở, kết hợp hài hòa tiện ích hiện đại, có tính tương tác cao, thúc đẩy sự đổi mới và chia sẻ ý tưởng.
Tháng 2/2024, cả hai trụ sở nói trên đã được Hội đồng CTX Mỹ cấp chứng nhận CTX LEED Vàng và trở thành các tòa nhà văn phòng đầu tiên của ngành Ngân hàng Việt Nam được cấp chứng chỉ LEED Vàng.
Theo chia sẻ của ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, hai tòa nhà văn phòng đẳng cấp quốc tế không chỉ tạo nên một diện mạo mới cho Techcombank mà còn đặt ra các tiêu chuẩn mới về nơi làm việc tốt nhất. Với những tiện nghi hiện đại, thiết kế bền vững, tập trung thúc đẩy sáng tạo và hợp tác, hai tòa nhà là minh chứng cho tinh thần thương hiệu “Vượt trội hơn mỗi ngày” (slogan của ngân hàng này).
“Môi trường làm việc tại Techcombank hiện có thể sánh ngang với các tổ chức hàng đầu thế giới. Điều này khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc thu hút và trao quyền cho nhân tài”, ông Jens Lottner khẳng định.
Ấn tượng không kém là Tổng Công ty Viglacera – CTCP khi trong năm 2024, doanh nghiệp này công bố hai dự án xanh. Một là khu công nghiệp (KCN) xanh, thông minh Thuan Thanh Eco-Smart IP tại tỉnh Bắc Ninh. Một là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Angsana Quan Lan Halong Bay Hotel & Resort tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng, Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera – CTCP cho biết, với các giải pháp phát triển Thuan Thanh Eco-Smart IP, Viglacera dự kiến tạo ra tối thiểu lượng điện từ năng lượng mặt trời có công suất 0,5MW, đảm bảo 100% nhu cầu của hệ thống chiếu sáng và một phần hệ thống phụ tải cho KCN.
KCN sử dụng hệ thống cấp nước, tưới cây tự động; Tái sử dụng nước mưa; Xử lý nước thải làm nước tưới cây, nước rửa đường; Tái sử dụng bùn thải không nguy hại; Xanh hóa tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ CO2 cao, giúp hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn CO2/năm trong những năm đầu, tương đương với mức phát thải của gần 500 ôtô chạy xăng hàng năm…
KCN xanh, thông minh Thuan Thanh Eco-Smart IP tại tỉnh Bắc Ninh của Tổng Công ty Viglacera – CTCP. |
Cam kết mạnh mẽ hơn nữa là từ nay cho đến năm 2025, Viglacera dự kiến phát triển thêm hơn 10 KCN, với diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000 – 3.000ha. Ở tất cả các KCN mới, Viglacera định hướng phát triển theo mô hình xanh, thông minh, với những mục tiêu cốt lõi là cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, sử dụng năng lượng (SDNL) tiết kiệm và hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải…Đối với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, Viglacera cũng sẽ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.
Một dự án xanh khác được Viglacera công bố trong tháng 7/2024 là dự án du lịch nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế Angsana Quan Lan Halong Bay Hotel & Resort. Đây là dự án trên đảo đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được chứng nhận là CTX EDGE Advance bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group).
Dự án khai thác tối đa các giải pháp thân thiện với môi trường như hệ thống mái che ở ngoài bể bơi là hệ tầm vông, một loại vật liệu sẵn có của Việt Nam và sử dụng gỗ công nghiệp. 100% hệ chiếu sáng là đèn led.
Dự án đồng thời sử dụng các vật liệu xanh do chính Viglacera sản xuất như gạch bê tông khí chưng áp AAC, tấm panel ALC, thiết bị vệ sinh, sen vòi tiết kiệm nước, kính Low – E tiết kiệm năng lượng. Hệ thống điều hòa, nước nóng đều sử dụng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Nước thải được thu gom xử lý, tái sử dụng cho việc tưới cây, rửa đường…
Tại Tuần lễ CTX năm 2023 diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, dự án nhà ở xã hội EcoHome Nhon Binh N01&N05 của chủ đầu tư Tập đoàn Capital House đã được IFC trao chứng nhận EDGE ở giai đoạn hoàn công với mức tiết kiệm năng lượng 20%, mức tiết kiệm nước 23% và giảm năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng tới 36%…
Đáng nói hơn, EcoHome Nhon Binh N01&N05 cũng chỉ là một trong nhiều dự án nhà ở xã hội của chủ đầu tư này được cấp chứng nhận CTX. Tập đoàn Capital House là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trở thành EDGE Champion tại Việt Nam, với cam kết 100% các dự án bất động sản ở tất cả các phân khúc, từ cao cấp, trung cấp đến nhà ở xã hội sẽ phát triển theo tiêu chuẩn CTX EDGE.
Không to lớn về mặt quy mô, dự án “Trạm đọc Măng Non” tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, chỉ có diện tích hơn 60m2. Nhưng đây lại là một công trình không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành nhờ vào việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng và thiết bị có hàm lượng phát thải carbon thấp, có chứng chỉ xanh như: Xi măng INSEE, xi măng gỗ Conwood, sơn Nippon. Giải pháp hệ thống mái của công trình cách nhiệt tốt thông qua sử dụng tấm panel Kingspan, máy điều hòa tiết kiệm điện Reetech và hệ thống pin năng lượng mặt trời Ree với công suất 20kWh/ngày.
“Trạm đọc Măng Non” đã được Hội đồng CTX Việt Nam trao chứng nhận CTX LOTUS (hạng Vàng). Hiện công trình đã được bàn giao cho trường Tiểu học và THCS Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang sử dụng, đáp ứng nhu cầu đọc sách của hơn 600 học sinh và giáo viên.
Một số ví dụ về các công trình mới được chứng nhận CTX trong năm 2023 – 2024 nói trên cho thấy, các CTX ngày càng phát triển đa dạng về thể loại công trình và quy mô. Và chắc chắn số lượng CTX sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi nhiều dự án đã, đang được thiết kế theo tiêu chí CTX được triển khai đầu tư xây dựng.
Chuyển biến từ chính sách
Bây giờ, câu hỏi đặt ra là điều gì đã, đang và sẽ là “cú hích” thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam? Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, “cú hích” đầu tiên là do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX đang có sự chuyển biến tích cực.
Dự án EcoHome Nhon Binh N01&N05 của chủ đầu tư Tập đoàn Capital House được IFC trao chứng nhận EDGE ở giai đoạn hoàn công. |
Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị. Theo đó, phát triển CTX là một tiêu chuẩn mới để đánh giá, phân loại đô thị. Các đô thị có một CTX đã được cấp giấy chứng nhận sẽ được cộng thêm 0,75 điểm, có từ hai CTX đã được cấp giấy chứng nhận trở lên sẽ được cộng thêm 1 điểm trong tổng số điểm để phân loại đô thị…
Mới đây nhất, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/07/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 cũng lựa chọn CTX, sử dụng năng lượng hiệu quả là một tiêu chí để phân hạng chung cư…
Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Các công trình xây dựng SDNL có hiệu quả (QCXDVN 09). Nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, Bộ Xây dựng đã 2 lần sửa đổi QCXDVN 09, phiên bản mới nhất là QCXDVN 09:2017/BXD.
Bộ cũng đã hoàn thành dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, tổ chức cho Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.
Hiện dự thảo Hướng dẫn đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tại Trang thông tin của Bộ (moc.gov.vn). Theo tiến độ, vào cuối năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư Hướng dẫn…
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ), để Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Dự án “Trạm đọc Măng Non” tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. |
Trước đấy, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Năm 2021, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển CTX, đô thị xanh. Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Về phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều kế hoạch cũng được ban hành nhằm khuyến khích việc SDNL TK&HQ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng. Riêng Hà Nội, từ năm 2015, thành phố định kỳ hàng năm ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNL TK&HQ trên địa bàn, trong đó đưa ra các giải pháp về SDNL TK&HQ trong các tòa nhà và hệ thống chiếu sáng công cộng. Năm 2017, Thành phố ban hành Bộ tiêu chí về SDNL TK&HQ cho các cơ sở SDNL trọng điểm trong sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội và đã sửa đổi một lần vào năm 2019.
Như vậy, chủ trương chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh nền kinh tế, hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX đang có sự chuyển biến tích cực từ Trung ương tới địa phương, tạo ra cú hích, thúc đẩy CTX phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nếu so với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận CTX và đến năm 2030 con số này là 150 công trình của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) thì hiện Việt Nam đã phát triển CTX gấp 3 lần so với đích đến năm 2030. |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Bài 2: Chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động
Nguồn: Báo xây dựng